Nông dân tránh nắng thu hoạch vụ xuân

Mặt trời lên, về nhà tránh nắng
4 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại những cánh đồng lúa ven Quốc lộ 1A, đoạn tránh Thành phố Vinh thuộc địa bàn các xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Hoa (Nghi Lộc) đã thấy nhiều thửa ruộng được gặt gần xong, buộc thành từng bó gọn gàng.
“Nếu sáng ni gặt chưa xong thì chiều tối chúng tôi gặt tiếp, chứ nắng ra ri thì không chịu được mô chú ạ”, chị Nguyễn Thị Vân ở xóm 7, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc niềm nở nói với chúng tôi. Vụ xuân năm nay, gia đình chị làm 7 sào lúa, tất cả đều chín rộ, chờ mãi không thuê được máy gặt và muốn thu hoạch sớm để sản xuất vụ hè, gia đình chị chọn giải pháp gặt tay cho chủ động. Để tránh nắng nóng gia đình chị nhờ thêm anh em, chú bác ra đồng từ 3 giờ sáng thu hoạch lúa tránh nắng.
Cũng vì chờ mãi không thuê được máy gặt nên gia đình ông Hồ Tường, bà Nguyễn Thị Nghĩa và nhiều bà con ở xóm 12, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cũng ra đồng gặt lúa từ 1, 2 giờ sáng. Vì vậy đến khoảng 6, 7 giờ sáng, khi nắng bắt đầu lên, bà con đã chở lúa về nhà. Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Chúng tôi thà thức khuya, dậy sớm vẫn hiệu quả hơn, chứ nắng nóng như những hôm nay ai mà ở ngoài đồng được. Nếu liều làm đến 9 - 10 giờ thì hiệu quả không cao, lại có nguy cơ bị đổ bệnh…”.
Quãng hơn 8 giờ sáng, khi ánh mặt trời bắt đầu chiếu chói chang, chúng tôi cũng theo chân bà con về với các xóm làng. Tại đây lại rộn vang tiếng máy tuốt, tiếng nói cười rôm rả. Những con đường quê, những mảnh sân vườn nhuộm vàng óng ả sắc màu của lúa và rơm rạ.
Ông Nguyễn Văn Hiến ở khối Bắc, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu tâm sự: “Ngày mùa, nông dân ít có thời gian để nghỉ ngơi, sáng dậy thật sớm đi thu hoạch, về đến nhà lo tuốt, lo phơi lúa cho được nắng. Mùa này về chiều hay có giông tố bất ngờ nên phải tranh thủ những lúc nắng to để phơi phong cho lúa, rơm khô khén…”.
Còn trên cánh đồng màu của nhiều xóm ở xã Nghi Long và những vùng lân cận, từ sáng sớm, bà con tranh thủ thu hoạch lạc. Nhiều gia đình vừa nhổ xong lạc, cũng là lúc mặt trời nhô lên cùng nắng nóng, bà con không gắng nán lại làm thêm mà để lạc phơi ngay tại ruộng chờ vãn chiều, đêm xuống mới đưa về. Vì thế mà khi nắng lên, ngoài ruộng vắng lặng, còn ở các xóm làng, dưới những mái lợp, bóng cây lại râm ran tiếng cười, tiếng nói. Bà con vừa làm việc, vừa chuyện trò râm ran về vụ mùa, về cuộc sống...
Đêm kéo điện ra đồng thu hoạch mùa vụ
Tranh thủ những ngày nắng nóng để thu hoạch, phơi phong nên phần lớn bà con nông dân chọn giải pháp nghỉ ngơi lúc trời nắng nóng và ra đồng lúc sáng sớm tinh mơ hoặc khi chiều tối. Đặc biệt là ở những vùng thuận tiện cho các loại máy gặt xuống đồng, bà con nông dân sẵn sàng thức đợi đến 1, 2 giờ sáng để đưa lúa về.
Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu là chủ 2 chiếc máy gặt đập liên hợp đang phục vụ bà con tại các cánh đồng trong huyện cho biết: “Mùa này nhiều sương nên từ sau 2 giờ đến 8 giờ sáng máy không gặt được; các máy gặt của chúng tôi phải hoạt động liên tục vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối cho đến 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi”. Vì thế đêm đến, trên các bờ ruộng, rất đông người dân đỏ đèn đợi đến lượt máy gặt đến phần ruộng của gia đình mình. Bởi vậy, vào ban đêm, nhiều cánh đồng rộn ràng với ánh điện, đèn pin, xe máy chở lúa về nhà.
Còn trên các cánh đồng màu, đặc biệt là tại những cánh đồng thu nhập cao, hầu hết bà con đều chọn cách đỏ điện làm đêm cho mát. Đánh trần cùng vợ con nhổ và đập lạc, anh Võ Văn Hiền ở xóm 13, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cho rằng tranh thủ làm đêm vừa khỏe mà hiệu quả gấp đôi so với làm ngày. Mùa này với bà con trong xóm bận rộn như thể 4 mùa nhập một. Vừa khẩn trương thu hoạch lúa, lạc và ngô cho kịp thời vụ, bà con vừa làm đất, ươm bầu đúc dưa cho kịp. Riêng nhà anh Hiền cùng lúc thu hoạch 4 sào lúa, hơn 8 sào lạc, gần 4 sào ngô và triển khai làm tiếp 8 sào dưa trên đất lạc. Thuận lợi là ở đây, điện đã phủ kín trên cánh đồng màu nên từ nhổ lạc đến trồng dưa bà con đều đỏ điện để làm việc thâu đêm.
Đi dọc các cánh đồng các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu vào mùa thu hoạch đã thấy công việc đồng áng của bà con nông dân đỡ cực nhọc hơn. Một phần nhờ sự hỗ trợ của máy móc và các phương tiện giúp giải phóng sức lao động nhưng cũng chính là nhờ sự chủ động của người nông dân trong tránh nắng nóng để bảo vệ sức khỏe, chuẩn bị cho mùa vụ mới…
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, kể: “Vị Thủy là vùng đất trũng, thuần nông, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, còn nhiều tàn tích chiến tranh. Hồi đó, cuối tháng 10, tháng 11 (âm lịch) nước vẫn còn ngập tràn đồng, hàng năm chỉ làm một vụ lúa, vậy mà giờ đây đã khác. Sự thay đổi ở huyện này cũng bắt đầu từ nông nghiệp...”.

Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh thịt xuất khẩu thành lập từ năm 1989. Năm 2000, Xí nghiệp chuyển đổi thành Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định với số vốn điều lệ 3,7 tỷ đồng; ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là: chế biến thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu…

Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, trong cả 3 lô hàng rau gia vị bị phát hiện có côn trùng từ đầu năm đến nay, thì cả 3 đều thuộc về một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Anh Nhân, địa chỉ 42/3 ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.

Hôm qua 13.10, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn cho biết, lực lượng thú y huyện và chính quyền địa phương vừa tiến hành tiêu hủy khẩn cấp đàn vịt thịt 35 ngày tuổi gồm 1.000 con của bà Hà Thị Linh ở thôn Phong Nhị, xã Điện An.

Từ đầu năm đến nay, trừ các tháng 6 và 7, thời gian còn lại giá cà chua đều xuống rất thấp. Nguyên nhân được một số thương lái đang thu mua loại nông sản này tại Đơn Dương cho biết, trên thị trường hiện đang “khủng hoảng thừa” cà chua.