Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân tránh nắng thu hoạch vụ xuân

Nông dân tránh nắng thu hoạch vụ xuân
Publish date: Tuesday. May 26th, 2015

Mặt trời lên, về nhà tránh nắng

4 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại những cánh đồng lúa ven Quốc lộ 1A, đoạn tránh Thành phố Vinh thuộc địa bàn các xã Hưng Trung (Hưng Nguyên), Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Hoa (Nghi Lộc) đã thấy nhiều thửa ruộng được gặt gần xong, buộc thành từng bó gọn gàng.

“Nếu sáng ni gặt chưa xong thì chiều tối chúng tôi gặt tiếp, chứ nắng ra ri thì không chịu được mô chú ạ”, chị Nguyễn Thị Vân ở xóm 7, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc niềm nở nói với chúng tôi. Vụ xuân năm nay, gia đình chị làm 7 sào lúa, tất cả đều chín rộ, chờ mãi không thuê được máy gặt và muốn thu hoạch sớm để sản xuất vụ hè, gia đình chị chọn giải pháp gặt tay cho chủ động. Để tránh nắng nóng gia đình chị nhờ thêm anh em, chú bác ra đồng từ 3 giờ sáng thu hoạch lúa tránh nắng.

Cũng vì chờ mãi không thuê được máy gặt nên gia đình ông Hồ Tường, bà Nguyễn Thị Nghĩa và nhiều bà con ở xóm 12, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cũng ra đồng gặt lúa từ 1, 2 giờ sáng. Vì vậy đến khoảng 6, 7 giờ sáng, khi nắng bắt đầu lên, bà con đã chở lúa về nhà. Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Chúng tôi thà thức khuya, dậy sớm vẫn hiệu quả hơn, chứ nắng nóng như những hôm nay ai mà ở ngoài đồng được. Nếu liều làm đến 9 - 10 giờ thì hiệu quả không cao, lại có nguy cơ bị đổ bệnh…”.

Quãng hơn 8 giờ sáng, khi ánh mặt trời bắt đầu chiếu chói chang, chúng tôi cũng theo chân bà con về với các xóm làng. Tại đây lại rộn vang tiếng máy tuốt, tiếng nói cười rôm rả. Những con đường quê, những mảnh sân vườn nhuộm vàng óng ả sắc màu của lúa và rơm rạ.

Ông Nguyễn Văn Hiến ở khối Bắc, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu tâm sự: “Ngày mùa, nông dân ít có thời gian để nghỉ ngơi, sáng dậy thật sớm đi thu hoạch, về đến nhà lo tuốt, lo phơi lúa cho được nắng. Mùa này về chiều hay có giông tố bất ngờ nên phải tranh thủ những lúc nắng to để phơi phong cho lúa, rơm khô khén…”.

Còn trên cánh đồng màu của nhiều xóm ở xã Nghi Long và những vùng lân cận, từ sáng sớm, bà con tranh thủ thu hoạch lạc. Nhiều gia đình vừa nhổ xong lạc, cũng là lúc mặt trời nhô lên cùng nắng nóng, bà con không gắng nán lại làm thêm mà để lạc phơi ngay tại ruộng chờ vãn chiều, đêm xuống mới đưa về. Vì thế mà khi nắng lên, ngoài ruộng vắng lặng, còn ở các xóm làng, dưới những mái lợp, bóng cây lại râm ran tiếng cười, tiếng nói. Bà con vừa làm việc, vừa chuyện trò râm ran về vụ mùa, về cuộc sống...

Đêm kéo điện ra đồng thu hoạch mùa vụ

Tranh thủ những ngày nắng nóng để thu hoạch, phơi phong nên phần lớn bà con nông dân chọn giải pháp nghỉ ngơi lúc trời nắng nóng và ra đồng lúc sáng sớm tinh mơ hoặc khi chiều tối. Đặc biệt là ở những vùng thuận tiện cho các loại máy gặt xuống đồng, bà con nông dân sẵn sàng thức đợi đến 1, 2 giờ sáng để đưa lúa về.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu là chủ 2 chiếc máy gặt đập liên hợp đang phục vụ bà con tại các cánh đồng trong huyện cho biết: “Mùa này nhiều sương nên từ sau 2 giờ đến 8 giờ sáng máy không gặt được; các máy gặt của chúng tôi phải hoạt động liên tục vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối cho đến 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi”. Vì thế đêm đến, trên các bờ ruộng, rất đông người dân đỏ đèn đợi đến lượt máy gặt đến phần ruộng của gia đình mình. Bởi vậy, vào ban đêm, nhiều cánh đồng rộn ràng với ánh điện, đèn pin, xe máy chở lúa về nhà.

Còn trên các cánh đồng màu, đặc biệt là tại những cánh đồng thu nhập cao, hầu hết bà con đều chọn cách đỏ điện làm đêm cho mát. Đánh trần cùng vợ con nhổ và đập lạc, anh Võ Văn Hiền ở xóm 13, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cho rằng tranh thủ làm đêm vừa khỏe mà hiệu quả gấp đôi so với làm ngày. Mùa này với bà con trong xóm bận rộn như thể 4 mùa nhập một. Vừa khẩn trương thu hoạch lúa, lạc và ngô cho kịp thời vụ, bà con vừa làm đất, ươm bầu đúc dưa cho kịp. Riêng nhà anh Hiền cùng lúc thu hoạch 4 sào lúa, hơn 8 sào lạc, gần 4 sào ngô và triển khai làm tiếp 8 sào dưa trên đất lạc. Thuận lợi là ở đây, điện đã phủ kín trên cánh đồng màu nên từ nhổ lạc đến trồng dưa bà con đều đỏ điện để làm việc thâu đêm.

Đi dọc các cánh đồng các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu vào mùa thu hoạch đã thấy công việc đồng áng của bà con nông dân đỡ cực nhọc hơn. Một phần nhờ sự hỗ trợ của máy móc và các phương tiện giúp giải phóng sức lao động nhưng cũng chính là nhờ sự chủ động của người nông dân trong tránh nắng nóng để bảo vệ sức khỏe, chuẩn bị cho mùa vụ mới…


Related news

An Giang kêu gọi doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn An Giang kêu gọi doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn

Những năm qua tỉnh An Giang luôn chú trọng xây dựng và hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, thực hiện mô hình “cánh đồng lớn”. Trong suốt quá trình thực hiện, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu; kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào tham gia mô hình; vận động nông dân hợp tác sản xuất theo các HTX hoặc THT để liên kết với doanh nghiệp.

Saturday. July 25th, 2015
Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng Hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tập trung thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mới.

Saturday. July 25th, 2015
Rải vụ hướng đi triển vọng cho ngành hàng xoài vùng đồng bằng sông Cửu Long Rải vụ hướng đi triển vọng cho ngành hàng xoài vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo thống kê, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 23.700ha chuyên canh xoài, với sản lượng gần 299.300 tấn/năm. Tuy nhiên, do thu hoạch tập trung nên phần lớn sản lượng chỉ phục vụ ở thị trường nội địa, do đó giá trị kinh tế mang lại vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có của cây trồng này.

Saturday. July 25th, 2015
Cây dưa hấu ưa phân bón Phú Mỹ Cây dưa hấu ưa phân bón Phú Mỹ

Ruộng dưa hấu sử dụng phân bón Phú Mỹ có tỷ lệ cây sinh trưởng, chiều dài thân, số lá, chiều cao quả dưa, đường kính quả dưa, trọng lượng trái bình quân, đường kính ruột quả cao hơn hẳn so với ruộng dưa đối chứng.

Saturday. July 25th, 2015
Cá hồi nhập khẩu loạn giá ở Hà Nội và TP HCM Cá hồi nhập khẩu loạn giá ở Hà Nội và TP HCM

Cùng được quảng cáo là cá hồi Na Uy tươi được vận chuyển trong ngày bằng máy bay nhưng giá bán tại các điểm ở Hà Nội và TP HCM lại chênh tới 100.000-300.000 đồng/kg.

Saturday. July 25th, 2015