Bài Học Đắt Giá Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thuận
Chỉ vì lợi nhuận cao trước mắt nên bỏ qua quy hoạch cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng, người dân thôn Mỹ Tâm, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận đã ồ ạt nuôi ốc hương và phải trả giá bằng thất bại.
Thất bại được báo trước
Những năm trước, thời điểm này người dân thôn Mỹ Tâm, xã Thanh Hải đã tấp nập thả nuôi ốc hương, nhưng năm nay rất im ắng do thất bại nặng nề trong năm 2008. Ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thôn Mỹ Tâm có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi ốc hương lồng tại 3 khu vực là Bắc Mũi Đỏ, Hòn Lù, và Gành Thúi với diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn khoảng 30ha. Và nghề nuôi ốc hương được bắt đầu từ năm 2005.
Những năm đầu do điều kiện môi trường chưa bị ô nhiễm, số hộ nuôi ốc hương còn ít, mật độ nuôi thưa nên người dân đã trúng đậm. Năm 2005, Mỹ Tâm có 27 hộ nuôi số lượng lồng là 186 và số lượng giống thả là 3,5 triệu con, sau hơn 4 tháng nuôi thả người dân lãi trên 1,5 tỷ đồng. Trong các năm 2006 và 2007 người nuôi ốc hương ở Mỹ Tâm đều thu lãi rất cao đặc biệt là trong năm 2007 người dân lãi tới trên 2,5 tỷ đồng.
Trong lúc nghề nuôi tôm sú tại Ninh Thuận đang rơi vào giai đoạn thoái trào thì nghề nuôi ốc hương đã đem lại lợi nhuận cao, thời gian nuôi ngắn (từ 4 – 6 tháng) nên con ốc hương thật sự hấp dẫn. Thực tế trong 3 năm từ 2005 - 2007 ốc hương đã giúp cho người dân Mỹ Tâm không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Chính vì vậy dân Mỹ Tâm đổ xô nuôi ốc hương trong năm 2008. Mặc dù diện tích nuôi đạt yêu cầu chỉ có 3 khu vực, mỗi khu vực chỉ được nuôi dưới 100 lồng nhưng có thời điểm tại Hòn Lù người dân nuôi thả đến 283 lồng, số lượng ốc hương giống thả là 5,7 triệu con.
Cùng với đó do mật độ nuôi thả ốc hương quá dày lập tức đã xuất hiện dịch bệnh tràn lan trên ốc hương. Hậu quả là toàn bộ lồng nuôi ốc hương (ốc mới thả đến 3 tháng tuổi) đã bị chết sạch, thiệt hại lên tới 2,5 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã khuynh gia bại sản vì nuôi ốc hương. Theo ông Lâm hậu quả không chỉ dừng lại tại đó mà lâu dài môi trường nước bị ô nhiễm, mầm bệnh có thể vẫn lưu lại trong nước nên các vụ nuôi tiếp theo rất có thể lại xuất hiện dịch bệnh.
Đâu là nguyên nhân?
Theo chị Phạm Thị Minh Loan, cán bộ Trạm khuyến ngư Ninh Hải: Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả trên ốc hương nuôi thương phẩm. Việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thức ăn cho ốc nuôi chủ yếu vẫn là các loại cá tạp tươi, dễ dẫn đến làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi từ đó làm tăng nguy cơ bị dịch bệnh. Việc phát triển tự phát, nuôi không đúng theo quy hoạch, kế hoạch, quy mô nuôi vượt quá khuyến cáo của ngành chức năng vẫn còn xảy ra phổ biến. |
Bà Bùi Thị Anh Vân, Giám đốc Trung tâm Giống thuỷ sản Ninh Thuận cho biết: Con giống không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh trên ốc hương bùng phát. Trong năm 2008 tại Ninh Thuận chỉ có 1 trại sản xuất ốc hương giống với khả năng cung ứng cho thị trường 1 triệu con/năm, không thể đáp ứng nhu cầu của người nuôi do các chủ lồng nuôi ốc hương phải đi mua giống tại một số tỉnh lân cận về nuôi thả. Thực tế người nuôi phải mua những con rất nhỏ, giá 15.000 – 30.000 con/kg và hầu hết là con giống không được kiểm tra bệnh trước khi thả nuôi.
Cùng với đó sự phát triển nhanh về quy mô số hộ nuôi, số lồng tăng quá mức. Mật độ giống thả luôn ở mức 650 – 800 con/m2, cao hơn nhiều lần so với khuyến cáo từ 150 - 200 con/m2. Việc bố trí khoảng cách giữa các cụm lồng nuôi cũng quá ken dày, từ 5 – 7m (khuyến cáo của ngành chức năng thì khoảng cách phải trên 20m). Ông Lâm cho biết: Chúng tôi đã khuyến cáo bà con thời điểm thả giống bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vụ nuôi vào tháng 9.
Tuy nhiên khu vực Mỹ Tâm đã thả nuôi từ cuối tháng 1/2008, đây là thời điểm thời tiết chưa ổn định, độ mặn, nhiệt độ nhiều thay đổi. Cùng với đó người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, chưa chú trọng thực hiện vệ sinh lồng nuôi một cách triệt để. Trong khi đó thức ăn cho ốc hương là các loại cá tạp, giáp xác, những loại thức ăn này dư thừa theo thời gian đã tích tụ dưới đáy lồng gây ô nhiễm, giúp cho các tác nhân gây bệnh bùng phát khi gặp điều kiện thuận lợi…
Có thể bạn quan tâm
Mới vào vụ chưa được 1 tháng, hàng trăm ha tôm thẻ, sú ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã chết hàng loạt, nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.
Hàng tấn dưa chuột bao tử xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến tại tỉnh Hà Nam đang có nguy cơ phải đổ bỏ khi đầu ra bế tắc.
Cách đây ít phút, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông cáo cho biết chưa phát hiện gạo giả trên thị trường VN.
Giá chanh không hạt hiện cao ngất ngưỡng, nhiều nông dân ở nhiều tỉnh ĐBSCL đã bỏ lúa và các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng chanh, bất chấp nguy cơ bị bí đầu ra.
Với hạn mức 15.000 tấn tôm Hàn Quốc ưu đãi miễn thuế cho Việt Nam, sẽ có 7 mã hàng được áp thuế suất thuế XK 0% và áp dụng ngay khi Hiệp định Thương mai tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.