Nông dân Trần Văn Tánh làm giàu nhờ tái cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa
Tại huyện Gò Công Tây, nơi dẫn đầu về đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân Trần Văn Tánh, cư ngụ tại xã Bình Nhì lâu nay nổi tiếng thành công với mô hình luân canh lúa + dưa hấu theo cơ cấu: 1 vụ dưa hấu tết và 2 vụ lúa chất lượng cao.
Gia đình ông Trần Văn Tánh có 6.000 m2 đất trồng lúa (0,6 ha). Thửa ruộng này, trước đây chỉ độc canh mỗi năm 3 vụ lúa năng suất cao. Xã Bình Nhì, Gò Công Tây, quê ông vốn nằm về phía đông tỉnh Tiền Giang, điều kiện canh tác hết sức khó khăn. Mùa khô hạn hàng năm, khi các cống đập trong hệ thống ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn triệt để thì nguồn nước tưới tiêu hết sức hạn chế.
Nếu gieo sạ không đúng lịch thời vụ, gieo sạ trễ tình trạng khô hạn và thiếu nước bơm tưới cho trà lúa là điều không thể tránh khỏi, phải tốn kinh phí bơm chuyền hai cấp tốn kém vừa đe dọa thiệt hại về năng suất, sản lượng.
Thực tế sản xuất khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, mùa khô hạn hàng năm đến sớm và kéo dài mang lại những hậu quả khôn lường, ông Trần Văn Tánh quyết tâm tái cơ cấu lại sản xuất một cách phù hợp theo hướng đưa cây dưa hấu tết xuống trồng trên chân ruộng. Qua đó, tạo đột phá, vừa giải quyết được bài toán sản xuất hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện ý định, bắt đầu từ năm 2011, ông Tánh bắt đầu áp dụng mô hình: 1 vụ dưa tết và 2 vụ lúa chất lượng cao mỗi năm.
Mô hình mới cũng đòi hỏi những giải pháp canh tác tiên tiến, khoa học nếu muốn đạt được kết quả mỹ mãn. Là nông dân ham học hỏi, nhạy bén trước những thời cơ mới mang lại, ông Trần Văn Tánh coi trọng việc tiếp thu, học tập và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trong thâm canh cây trồng, vật nuôi.
Ông Tánh cho biết, khác với trước đây, ngày nay nông dân muốn thành công không thể không học tập và ứng dụng nhuần nhuyễn khoa học nông nghiệp thông qua các kênh: truyền thông đại chúng, báo đài, cán bộ khuyến nông, những nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi đi trước...
Ngoài ra, tuyển chọn giống tốt cũng là một trong những yếu tố quan trọng không thể không tính đến. Cụ thể, đối với dưa hấu, ông chọn các giống dưa hấu phẩm chất tốt, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng và năng suất cao. Đối với cây lúa, ông không trồng các giống lúa thường thay vào đó sử dụng giống lúa VD 20 chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công.
Qua đó, xây dựng qui trình sản xuất phù hợp làm cẩm nang cho bản thân trong thâm canh cây trồng, là tiên đề đưa đến những vụ mùa bội thu về năng suất, sản lượng.
Theo ông Trần Văn Tánh, kết quả sản xuất mang lại từ mô hình dưa + lúa thành công ngoài mong đợi so với độc canh cây lúa trước đây. Ông hạch toán cho thấy, trong vụ 1 (vụ dưa tết) đạt năng suất bình quân 2,5 tấn/ công đất (25 tấn/ ha), 6 công đất cho sản lượng 15 tấn dưa hấu. Ông bán với giá bình quân 5.200 đ/kg thu được 78 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng.
Trong 2 vụ còn lại ông sản xuất giống lúa thơm VD 20. Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới: ba giảm ba tăng, IPM, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất và thu hoạch...nên vụ nào ông cũng bội thu. Hạch toán cho thấy, trong vụ 2 ông đạt năng suất 60 tạ/ ha, với diện tích 6 công đất đạt sản lượng 3,6 tấn lúa, bán với giá 6.000đ/kg, thu được 21 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất còn lãi 11 triệu đồng. Sang vụ 3 trong năm ông tiếp tục trồng giống lúa VD 20 trên thửa ruộng, đạt năng suất 90 tạ/ ha, sản lượng thu được từ 6 công đất 5,4 tấn lúa, bán giá 6.500 đ/kg, tổng thu 35,1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 18 triệu đồng.
Như vậy, qua mô hình dưa + lúa, trong năm ông lãi gần 90 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa độc canh trước đây. Ông Trần Văn Tánh phấn khởi cho biết, sau 5 năm tái cơ cấu sản xuất theo mô hình mới, gia đình ông đã vượt khó, thoát nghèo, có của ăn của để, cơ nghiệp vững vàng. Có được như thế, tôi hết sức biết ơn Đảng và các cấp chính quyền đã có chủ trương đúng đắn về tái cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác giúp nông dân thâm canh thành công.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đánh giá cao mô hình sản xuất của nông dân Trần Văn Tánh, xã Bình Nhì. Ông Nhiệm cho biết, mô hình dưa hấu kết hợp trồng lúa chất lượng cao của ông Tánh đang được các cấp hội nhân rộng nhằm khuyến khích hội viên nông dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để làm giàu bền vững nơi đất hẹp, người đông và điều kiện canh tác khó khăn.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây cho biết thêm, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huyện đã mở rộng diện tích cây màu trên chân ruộng lên trên 4.700 ha trong đó riêng dưa hấu đạt trên 1.000 ha. Sự thành công của ông Trần Văn Tánh là tác nhân quan trọng thúc đẩy nông dân địa phương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp với biến đối khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương (xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) đã bán ra thị trường gần 20 tấn chè búp khô các loại, đạt tổng doanh thu hơn 6,4 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 600 triệu đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đảm bảo tiêu thụ chè cho 70 xã viên với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg và việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.
Chiều 20-11, tin từ một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà ô-long xuất khẩu tại Lâm Đồng cho biết, khoảng 70 container chè thành phẩm của Việt Nam bị “tắc” tại cửa khẩu Đài Loan (Trung Quốc), đã được cơ quan chức năng sở tại cho thông quan bình thường.
Căn cứ vào quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp, kế hoạch trồng rừng năm 2014, ngay từ đầu năm, huyện Thạch Thành đã giao kế hoạch trồng rừng cụ thể đến từng xã; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với các xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho bà con nông dân; huy động nhân dân đào hố trồng cây theo quy hoạch, bảo đảm hoàn thành diện tích theo kế hoạch được giao.
Riêng 10 tháng đầu năm 2014, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã cung ứng vật tư, cây giống “đầu vào”, chỉ đạo, tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp các xã như Thành Sơn, Trung Thành, Phú Xuân, Nam Động trồng mới được 200 ha (hoàn thành kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2014 do UBND tỉnh giao).
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, cho biết, hiện Hàm Yên có 4.000 ha cam sành, trong đó có 2.400 ha cam đang cho thu hoạch.