Nông Dân Trà Vinh Lao Đao Vì Giá Mía Nguyên Liệu Giảm Mạnh
Niên vụ mía 2014- 2015, các hộ trồng mía ở Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch, Nhà máy đường Trà Vinh có công suất 2.500 tấn mía cây/ngày đã bắt đầu hoạt động.
Điều đáng nói là khi Công ty mía đường Trà Vinh ra thông báo giá mua mía nguyên liệu, hỗ trợ cước vận chuyển, mía giống… khiến người trồng mía “méo mặt,” bởi vì vụ mía này họ tiếp tục bị thua lỗ do giá mía thấp.
Theo thông báo, Công ty mía đường Trà Vinh sẽ mua mía nguyên liệu trồng tại Trà Vinh với giá 875.000 đồng/tấn mía sạch, đạt 10 CCS (chữ đường), giảm 55.000 đồng/tấn so với vụ trước; nếu tăng 0,1 CCS sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tấn và ngược lại nếu giảm 0,1 CCS sẽ giảm 7.000 đồng/tấn.
Đối với mía nguyên liệu có từ 6 đến dưới 7 CCS, Công ty không mua; nếu đã qua cân và đưa vào ép, Công ty chỉ thanh toán không quá 60% so với giá mía sạch đạt 10 CCS và không được hưởng cước vận chuyển.
Đối với mía nguyên liệu có từ 5 đến dưới 6 CCS, Công ty không mua; nếu đã qua cân và đưa vào ép, Công ty chỉ thanh toán không quá 40% so với giá mía sạch đạt 10 CCS và không được hưởng cước vận chuyển…
Nông dân Kim Ông, ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết, vụ mía 2014-2015 gia đình ông trồng được 2,8ha, do đợt triều cường trong hai ngày 10- 11/10 vừa qua buộc ông phải thu hoạch 0,4ha, được gần 40 tấn mía cây và chữ đường trong mía chỉ đạt 7 CCS.
Với năng suất, giá cả như hiện nay, sau khi trừ chi phí 0,4ha mía này ông bị lỗ gần 6 triệu đồng sau 8 tháng trồng.
Đây là vụ mía thứ ba liên tiếp gia đình ông trồng mía bị thua lỗ. Riêng hai vụ trước, gia đình ông phải bán 2 con bò trị giá gần 40 triệu đồng để trả nợ vay trồng mía…
Ông Kim Ông cho biết thêm, ngoài việc giá cả đứng ở mức thấp, người trồng mía còn bị Công ty mía đường Trà Vinh “ép” khi định chữ đường.
Đơn cử như niên vụ mía 2013-2014 vừa qua, gia đình ông cùng một số hộ khác có diện tích mía trồng liền kề với nhau, xuống giống cùng ngày, trồng một loại giống, thu hoạch cùng ngày, chỉ khác phương tiện vận chuyển đến bàn cân của Công ty nhưng chữ đường lại chênh lệch nhau từ 1-2 CCS.
Ngoài ra, có trường hợp mía 9 tháng tuổi được Công ty đánh giá đạt 10 CCS; trái lại, mía 12 tháng tuổi Công ty đánh giá chỉ đạt 6 CCS… khiến các hộ trồng mía bức xúc, không tin tưởng độ chính xác trong việc xác định chữ đường của Công ty.
Niên vụ mía 2014-2015, nông dân tỉnh Trà Vinh trồng được gần 6.000ha mía; trong đó, huyện Trà Cú chiếm hơn 4.600 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Lưu Nghiệp An, Đại An, Tân Sơn, Tập Sơn và Kim Sơn.
Điều đáng lưu tâm là vài ba năm trở lại đây, mỗi lần tiếp xúc cử tri của các đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội cử tri ở vùng mía nguyên liệu đều kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân về việc cần minh bạch trong xác định chữ đường của Công ty mía đường Trà Vinh.
Trước bức xúc, kiến nghị của cử tri, ngày 18/9/2014 đoàn giám sát Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tiến hành “Giám sát tình hình sản xuất kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế và công tác bảo vệ môi trường tại Công ty mía đường Trà Vinh.”
Qua đó, đề nghị Công ty mía đường Trà Vinh kiểm tra lại quy trình thực hiện, máy móc và thiết bị trong việc xác định chữ đường; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cùng giám sát khi thực hiện để công khai cho dân biết…
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ cần sớm tiến hành kiểm tra trang thiết bị và quy trình, công nghệ xác định chữ đường tại Công ty mía đường Trà Vinh.
Ngoài ra, cần tổ chức kiểm tra đột xuất trong thời gian nông dân vào thu hoạch, Công ty đang tổ chức mua mía nguyên liệu để vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước, lại vừa tạo lòng tin người trồng mía đối với Công ty mía đường Trà Vinh.
Nguồn bài viết: http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen-lieu/nong-dan-tra-vinh-lao-dao-vi-gia-mia-nguyen-lieu-giam-manh-2014111214301529711ca39.chn
Có thể bạn quan tâm
XK tiêu những tháng đầu năm nay đã vượt 1 tỷ USD. Trước lợi nhuận cây tiêu mang lại, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại bón phân, phun thuốc vô tội vạ.
Ngày 1/9/2014, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cùng cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ 8 xe tải chở gần 100 tấn hàng lậu, trị giá hàng chục tỷ đồng về Hà Nội tiêu thụ. Trong số hàng lậu bị phát hiện có một lượng lớn là trứng gia cầm chưa được kiểm dịch.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong vòng gần một phần tư thế kỷ, nhằm cung cấp lương thực cho khu vực vùng sâu vùng xa.
Từ giữa tháng 9/2014, bắt đầu đăng ký nuôi cá tra và hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ, để đưa ngành cá tra vượt qua khủng hoảng.
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đầu tháng 8/2014, Nga cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này.