Nông Dân Thoát Nghèo Từ Các Hoạt Động Hỗ Trợ
Chương trình giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao, cải thiện đời sống được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động. Xác định, khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ cái hội viên cần, nâng cao kiến thức còn thiếu của hội viên, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể...
Đối với hội viên các đơn vị miền núi, nguyên nhân kinh tế chậm phát triển được xác định là do phong tục sản xuất lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, nên việc khẩn trương nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập bằng các mô hình như: Áp dụng phân viên dúi sâu trong sản xuất lúa, hạn chế rửa trôi, xói mòn trên đất dốc; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học trên gia cầm, nuôi dê, trâu bò, trồng cây dược liệu, lâm nghiệp...
Khi đã hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, kết quả thu được ngoài mong đợi, năng suất lao động đều cao hơn trước, nên từ những mô hình ban đầu đã nhân lên rộng khắp ở 11 huyện miền núi, với hàng trăm điểm trình diễn do HND các huyện xây dựng.
Gia đình ông Lương Văn Thứ ở bản Mỏ, xã Phú Xuân (Quan Hóa) đang canh tác trên diện tích 1,5 ha đồi rừng cùng với chăn nuôi, nhưng trước năm 2010, gia đình luôn trong diện trợ cấp thường xuyên của xã đã cho biết: Nhà đông người nhưng đồi rừng thì chỉ khai thác theo mùa, nên khi hết mùa cũng hết gạo... Thay đổi lớn đã đến khi năm 2011 ông và người con trai lớn được tham gia đợt tập huấn về canh tác trên đất dốc, kỹ thuật chăn nuôi do HND huyện mở.
Cũng năm ấy, với kiến thức học được và số tiền 20 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tiên là đầu tư trồng ngô, sắn để đủ lương thực cho sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi, năm sau, ông dành phần đầu tư tăng đàn gia súc, gia cầm, trồng rừng...
Đến nay, gia đình ông Thứ không những không phải hỗ trợ mà còn giúp đỡ được hộ khác về giống con nuôi, đàn gia súc gia đình ông hiện với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng, ngô lúa đầy nhà. Mô hình lúa nước sử dụng phân viên dúi sâu ở xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân) mà HND tỉnh thực hiện năm 2013 như một dấu ấn rõ rệt nhất đối với người trồng lúa nơi đây.
Thôn Xuân Liên vốn có diện tích lúa nước lớn của xã, tuy vậy, việc canh tác theo phương pháp truyền thống, lạc hậu không giúp cho bà con nơi đây đủ ăn. Khi mô hình được triển khai, ngoài năng suất cao hơn trước 90kg/sào mà đầu tư phân bón, công lao động cũng giảm đáng kể... Theo tính toán của bà con, khi thu hoạch mỗi sào ruộng cho thu nhập cao hơn trước gần 300.000 đồng, đây là nguồn thu giúp nhiều hộ thoát nghèo khi mô hình được nhân rộng trên toàn xã với diện tích hàng trăm ha.
Ở các huyện đồng bằng, ven biển, việc tăng cường công tác liên doanh, liên kết để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình điểm sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của nông sản...
Bình quân mỗi năm HND các cấp trực tiếp và phối hợp với hệ thống khuyến nông huyện và cơ sở, các nhà khoa học... mở 2.500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 300.000 lượt hội viên, nông dân. Tín chấp mua chậm trả mỗi năm hơn 20.000 tấn phân bón, hàng chục tấn giống lúa, hàng vạn cây, con các loại, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, trị giá trên 100 tỷ đồng.
Qua chương trình này, nông dân nghèo giảm bớt được đáng kể gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu. Bà Nguyễn Thị Nga, chi hội trưởng nông dân thôn 2, xã Đông Thanh (huyện Đông Sơn), nhiều năm nay được sử dụng phân bón chậm trả do HND đứng ra tín chấp, cho biết: Mỗi gia đình đều sử dụng ít nhất 5 tạ phân mỗi vụ, cả thôn gần 200 hộ, sử dụng gần 100 tấn phân để canh tác là cả từng ấy gia đình đang được hỗ trợ.
Trước đây, gia đình nghèo, mỗi vụ sản xuất là lo chạy đôn, chạy đáo vay mượn mua vật tư nông nghiệp, có khi phải mua với giá cao nên khi thu hoạch trả đi, lời lãi không được bao nhiêu, nghèo vẫn hoàn nghèo. Với cách làm này, không chỉ kiến thức, vật tư, HND còn đứng ra tín chấp và ủy thác cho nông dân toàn tỉnh vay hơn 6.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất.
Qua việc phát động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân để tạo nguồn lực xây dựng các mô hình kinh tế, đến nay tổng nguồn quỹ do hội đang quản lý và sử dụng là 30 tỷ 850 triệu đồng, đây cũng là nguồn vốn quan trọng giúp xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất để tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Những hỗ trợ tích cực của hội đã tạo nên một môi trường tín dụng lành mạnh, hạn chế việc cho vay nặng lãi ở nông thôn...
Được sản xuất trong môi trường thuận lợi, với vốn và kiến thức trong tay đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích, một điều kiện để sớm thoát nghèo. Trong giai đoạn từ 2013 đến tháng 9 năm 2014 đã có 64.439 lượt hộ nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ của hội, tại 5.751 chi hội trên toàn tỉnh đều có kế hoạch để hoàn thành việc mỗi năm giúp thoát nghèo cho 1 đến 2 hộ, một nghĩa cử tốt đẹp mang tính nhân văn sâu sắc của các cấp HND trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Việc đưa cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế vào trồng ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, trên thực tế việc trồng tập trung và đầu ra cho sản phẩm chuối lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đang tỏ ra phấn khởi khi mùa bưởi năm nay, trúng mùa, tốt giá...
Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 8.514 hộ sản xuất thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 7.211 ha, đạt 103% kế hoạch (7.000 ha).
Được khẳng định là mô hình tương đối bền vững, nâng cao kinh tế, ổn định môi trường, mỗi năm, tỉnh giao chỉ tiêu hàng ngàn héc-ta lúa - tôm cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Thế nhưng, thực tiễn sản xuất đã qua, diện tích lúa - tôm cứ giảm dần sau mỗi năm. Nguyên nhân không gì khác là bài toán thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất lúa - tôm đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Theo nhận định của Sở Tài nguyên - Môi trường, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình đang gây ra vấn nạn về ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đặc biệt là khu vực vùng nông thôn.