Nông Dân Thành Phố
Thị trường hoa tết năm nay, dòng hoa Dendro nắng được khách chuộng vì hoa đẹp, nở bền, nhiều loại có hương thơm. Giá của dòng hoa này đứng ở mức khá cao, từ vài trăm đến vài triệu đồng/giò lan, tùy chất lượng và số cành.
Theo lời giới thiệu của giới kinh doanh, hiện TP.Biên Hòa đang có một nhà vườn trồng được loài lan này với quy mô lớn là vườn lan Sắc Xuân (tại KP.5, phường Hòa Bình) của bà Phạm Ái Phi.
* Thú chơi kiếm ra tiền
Bà Phi chia sẻ: “Học ngành hóa, ra trường tôi xin vào làm tại một công ty nhà nước trong lĩnh vực sản xuất sơn nước. Từ thú chơi khi rảnh rỗi, trồng cây, nuôi cá dần trở thành đam mê và đến lúc không đủ thời gian để làm cùng lúc nhiều việc, tôi quyết định nghỉ việc về làm nông dân. Khi đó, tôi đang là trưởng phòng kỹ thuật với mức lương cao. Mấy năm sau, tôi vẫn còn bần thần vì quyết định khá liều này”.
Năm 2000, bà lập vườn lan Dendro cắt cành, nhưng sau 2 năm thu hoạch, vườn lan cứ tàn lụi dần. Bà Phi lý giải: “Tuy tôi đọc rất nhiều sách dạy trồng lan, nhưng khi áp dụng vào thực tế không phải lúc nào cũng đúng. Đây là loại cây rất khó trồng, dễ bị bệnh”.
Thấy mô hình nuôi cá dĩa xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà lại đầu tư nuôi loài cá cảnh này. Bà là một trong những hộ nông dân đầu tiên và hiếm hoi của Đồng Nai nuôi thành công loài cá này. Cá được nuôi trong bể kính, diện tích chăn nuôi hẹp nhưng giá trị cao. Nhiều năm liền, bà cung cấp ra thị trường mỗi năm vài ngàn con cá cảnh trưởng thành, xuất khẩu qua các thị trường châu Âu, Mỹ, châu Á…
Năm 2011, bà lập lại vườn lan với khởi điểm khoảng 2 ngàn gốc Mokara. Sau đó, bà trồng thêm khoảng 2 ngàn gốc Dendro trắng, đều là dòng hoa cắt cành bỏ mối cho các shop hoa tại TP.Biên Hòa. Theo bà Phi kể: “Tuy nắm rất vững về kỹ thuật nhưng tôi mất cả năm để tìm hiểu thị trường khi quay lại nghề trồng lan. Năm 2013, tôi mới bắt đầu đẩy mạnh phát triển dòng lan Dendro nắng vì thấy giá trị kinh tế cao, thị trường đang rất chuộng”.
* Trồng lan cho “dân chơi”
Theo bà Phi, mặt hàng này không phải là lương thực hay hàng thiết yếu ai cũng cần mua. Đây là thú chơi nên hàng phải đẹp, phải độc đáo thì mới có thị trường. “Làm nông ở thành phố nơi đất hẹp, công lao động đắt đỏ, mình phải tìm được mô hình hiệu quả. Bây giờ phải làm nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ làm theo kinh nghiệp dân gian mà phải nắm vững về khoa học - kỹ thuật. Tôi chọn tập trung phát triển Dendro nắng vì dòng lan này mang lại giá trị kinh tế rất cao” - bà Phi nói.
Công việc quá bận rộn mà giống lan lại rất đỏng đảnh, phải đảm bảo đủ nước, đủ dinh dưỡng thì cây mới phát triển. Tuy thị trường có rất nhiều loại phân tan chậm bón cho cây nhập khẩu từ Nhật, Thái Lan… nhưng đều là phân hóa học. Bà Phi đã tự làm dòng phân tan chậm từ chất hữu cơ “3 trong 1”, vừa dưỡng cây, lá vừa dưỡng hoa. Không chỉ tiết kiệm về nhân công, chi phí mà dòng phân hữu cơ này còn dưỡng cây tốt hơn phân hóa học.
Tết năm nay, bà Phi cung cấp khoảng 700 giò, chậu lan Dendro các loại cho thị trường Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Hiện vườn lan của bà có hơn 200 giống Dendro, nhiều giống lan quý có trị giá cao. Bà đang tiếp tục sưu tầm thêm nhiều giống mới cho kế hoạch mở rộng vườn lan.
Có thể bạn quan tâm
Tại hội nghị bàn giải pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra tổ chức ngày 30-7 ở TP Cần Thơ, TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, cho rằng cá tra ban đầu chủ yếu được tiêu thụ nội địa nhưng kể từ những năm 2000 đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Khoảng một tuần trở lại đây, ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ khu vực biển Khánh Hải – Nhơn Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) “trúng mùa” ruốc. Sản lượng đánh bắt mỗi ngày ước đạt hàng chục tấn.
Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT (Thông tư 23/2014/TT-BNNPTNT) bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ngành cá tra đang hướng đến phát triển theo hướng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cá tra trên thị trường.
Nuôi trồng thủy sản góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thời tiết nên nuôi trồng thủy sản có nhiều rủi ro. Vụ nuôi thủy sản vừa qua, một số diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện bị chết làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như thu nhập của người dân.
Ông Phan Khắc Nhựt Tiến ở khóm 8, phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có kinh nghiệm 15 năm nuôi tôm.