Nông dân thận trọng với tôm nước lợ
Tại các vùng nuôi như: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà… chúng tôi thấy những đìa tôm cạn trơ đáy, nứt nẻ. Ông Nguyễn Hùng, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích) cho biết: “Tuy đã vào vụ nuôi nhưng 3 đìa của gia đình tôi với diện tích hơn 1ha vẫn chưa thả giống, bởi thời tiết nắng hạn, nước sắc lại, độ mặn cao, nếu thả tôm sẽ bị sốc nhiệt, đề kháng yếu tôm sẽ chết yểu. Vì vậy, gia đình tôi không dám mạo hiểm”.
Cách đìa ông Hùng không xa là đìa của gia đình ông Nguyễn Văn Tý. Được biết, gia đình ông Tý nuôi tôm nước lợ gần 20 năm. Trước đây, thời tiết thuận lợi, các hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao, nhưng 3 đến 4 năm trở lại đây, thời tiết diễn biến thất thường nên tôm nuôi bị chết, chậm lớn, hơn 90% hộ nuôi tôm lâm vào cảnh thua lỗ. “Trong 2 năm 2014 và 2015, gia đình tôi đã thả nuôi tôm 7 vụ nhưng chỉ lãi được 1 vụ, 6 vụ còn lại đều thua lỗ nặng, ước khoảng 300 triệu đồng đã mất vì tôm, nguyên nhân do nắng nóng bất thường. Năm nay, hạn hán được dự báo sẽ rất gay gắt nên dù ao đìa đã cải tạo xong tôi vẫn chưa dám lấy nước vào nuôi”, ông Tý nói.
Tại vùng đìa Tân Tế (phường Ninh Hà), ông Nguyễn Văn Thừa cho biết: “Nuôi tôm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay rất dễ thua lỗ, nhưng người làm đìa không nuôi tôm thì biết làm gì? Hiện nay, đìa tôm của gia đình tôi thả nuôi được 25 ngày nhưng tôm nuôi chậm lớn, một số đã bị chết yểu”.
Cũng theo ông Thừa, ở vùng đìa Tân Tế hiện nay chỉ khoảng 30 đến 40% diện tích đã thả nuôi, nhưng hầu hết các hộ đều chuyển từ hình thức nuôi thâm canh với số lượng lớn sang nuôi quảng canh, mật độ thả thưa nhằm giảm thiệt hại nếu thất bại.
Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, trên địa bàn xã có 250ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 70%. Đến nay, vụ 1 nuôi tôm nước lợ đã qua gần 2 tháng nhưng diện tích thả nuôi chỉ mới được 5%; người dân nuôi theo hình thức quảng canh.
Bên cạnh đó, một số diện tích nuôi tôm đang được chuyển dần sang nuôi các đối tượng khác như: cua, cá, ốc hương… Nhìn chung, tình hình nuôi trồng thủy sản năm nay sẽ rất khó khăn, đời sống của người dân nuôi trồng thủy sản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tại phường Ninh Hà, trong số 470ha nuôi tôm nước lợ, phần lớn người dân đã thả nuôi nhưng chủ yếu theo hình thức quảng canh, nuôi thiên nhiên, mật độ nuôi thưa. Nguyên nhân là do thua lỗ nặng từ những vụ nuôi trước nên vụ nuôi này người dân thận trọng hơn, nhiều hộ đã tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Toàn thị xã có 2.400ha nuôi trồng thủy sản thì có đến 1.900ha nuôi nước mặn, lợ (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú). Do thời tiết bất lợi nên một số diện tích nuôi tôm trên địa bàn chưa được người dân thả nuôi; những diện tích đã được thả nuôi thì cũng chỉ nuôi cầm chừng.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương cũng như đời sống của người dân tại các vùng nuôi. Trước khi vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay bắt đầu, địa phương đã khuyến cáo người dân cẩn trọng để tránh thiệt hại khi đầu tư nuôi tôm do hạn hán được dự báo sẽ rất gay gắt. Trước khi thả nuôi khoảng 10 ngày, người dân phải theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, nếu bất lợi phải tạm ngừng thả con giống”.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên, cộng với giá cả lên xuống thất thường làm cho nhiều hộ dân ấp Mỹ Đông, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau lao đao. Và họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, đó là con sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ dân đã khá lên từ mô hình này. Cũng chính từ đó, Tổ hợp tác (THT) nuôi sò huyết ấp Mỹ Đông ra đời.
Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) được xác định là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Đến thời điểm này, các cơ sở, hộ NTTS trên địa bàn thị xã đang tập trung tu sửa, nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình ao đầm nuôi; chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi mới năm 2016. Vụ xuân hè năm nay, nhiều hộ gia đình đã quan tâm đầu tư, tăng thêm diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp.
Giá tôm những tháng đầu năm 2016 được xem là xuống thấp nhất so với các năm trở lại đây, khiến người nuôi tôm thuộc huyện Tam Nông gặp nhiều khó khăn, không ít nông dân bị thua lỗ.