Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Thạch Thất Điêu Đứng Vì Lúa Lép Hạt Ở Hà Nội

Nông Dân Thạch Thất Điêu Đứng Vì Lúa Lép Hạt Ở Hà Nội
Ngày đăng: 25/05/2013

Đến kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2012-2013, nhưng nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang như "ngồi trên đống lửa", bởi hàng trăm héc ta ruộng gieo cấy giống lúa BC15 (toàn bộ lượng giống này mua của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình) đang dần hiện hữu mất mùa, năng suất dự kiến giảm 40-70% so với vụ trước do lúa bị lép hạt. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng giống lúa BC15 mà họ đã mua để gieo cấy là giống rởm?

Chiều ngày 21-5, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại xứ đồng Liễn, thị trấn Liên Quan và một số xứ đồng của xã Phú Kim, chúng tôi thực sự xót xa khi nhìn các thửa ruộng cấy giống lúa BC15, mặc dù lúa chỉ còn một vài ngày nữa là đến kỳ thu hoạch, nhưng hầu hết đều lép hạt. Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Đụn Dương, thị trấn Liên Quan buồn rầu: "Vụ đông xuân năm nay, ba mẹ con tôi cấy 15 sào giống lúa BC15. Cả nhà bỏ công chăm sóc như các vụ trước, nhưng không hiểu vì lý do gì mà lúa ở thửa ruộng nào cũng "cắm cờ - hạt lép". Chúng tôi phải vay tiền để mua phân bón, thuê cày bừa, nay lúa không có hạt, lấy đâu ra tiền để trả nợ". Được biết, tại xã Phú Kim, do lúa BC15 không có hạt hoặc số hạt quá ít, không ít hộ dân đã bán lúa cho một số hộ đến cắt về nuôi cá với giá 50.000 đồng/sào, trong khi đó tổng chi phí cho một sào (gồm cả công cấy) mà họ đã bỏ ra lên tới cả triệu đồng.

Tại xã Hương Ngải, đâu đâu cũng thấy bà con nông dân bàn tán về chuyện giống lúa BC15 không có hạt. Khuôn mặt ai nấy đều buồn rầu, chán nản mặc dù lúa đã đến ngày thu hoạch. Chị Vương Thị Đạm, thôn 6, xã Hương Ngải cho biết, vụ đông xuân 2012-2013, gia đình chị cấy 100% diện tích giống BC15 (8,5 sào), nay đã thu hoạch được 2 sào nhưng năng suất chỉ đạt 35- 40kg/sào, còn lại là trấu. Gia đình chị còn 6,5 sào lúa BC15, nhưng cùng cảnh trên nên chẳng muốn đi gặt nữa vì sẽ tốn công, tốn tiền thuê tuốt lúa, trong khi lượng thóc thu về chẳng được bao nhiêu.

Ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho hay, Hương Ngải là một trong những xã đi đầu trong việc đưa giống BC15 vào gieo cấy đại trà trong vụ đông xuân 2012-2013 với trên 60% diện tích, tương đương 164ha. Đến nay, hầu hết diện tích gieo cấy BC15 trên địa bàn xã bị mất mùa do lúa bị lép hạt. Theo UBND xã Hương Ngải, trong tổng số 164ha gieo cấy lúa BC15, có tới 41ha năng suất giảm trên 70%; 49,2ha năng suất giảm từ 50 đến 70%; 32,8ha năng suất giảm 30-50%. Trước thực trạng này, xã đã tổ chức gặt điểm để đánh giá năng suất thực tế, trên cơ sở đó đề nghị UBND huyện và đơn vị cung ứng giống hỗ trợ một phần kinh phí đối với diện tích cấy giống BC15 để bà con khắc phục khó khăn.

Tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Thạch Thất như Đại Đồng, Lại Thượng, Canh Nậu, Dị Nậu, Kim Quan..., nhiều hộ dân cũng đang "ngồi trên đống lửa" chỉ vì cấy lúa BC15. "Mấy tháng ròng gieo cấy, chăm sóc, nay gặt về toàn rơm, không buồn sao được. Nông dân sản xuất lúa chỉ hoàn vốn, thậm chí lỗ nặng nếu phải thuê mướn. Nay mất mùa chúng tôi chỉ biết kêu "trời"" - một người dân xã Đại Đồng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao giống lúa BC15 bị lép hạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân trong huyện, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng phòng Kinh tế Thạch Thất cho biết: Vụ đông xuân 2012-2013, địa phương gieo cấy khoảng 2.000ha lúa BC15 ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Nguyên nhân chính do giống BC15 được người dân một số xã cấy không đúng khung thời vụ nên trong thời kỳ phân hóa đòng, thời kỳ thụ phấn đã gặp phải thời tiết bất thuận (quá lạnh, thiếu ánh sáng) nên lúa không thụ phấn, dẫn đến tỷ lệ hạt lép cao. Hiện nay, UBND huyện Thạch Thất đang chỉ đạo các phòng chức năng đánh giá năng suất lúa BC15 ở tất cả các xã, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúa bị lép hạt. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện, khoảng 50% diện tích lúa BC15 được gieo cấy trong vụ này bị lép hạt ở các mức độ khác nhau.

Rõ ràng, lúa BC15 bị lép hạt đã gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nông dân. Tuy nhiên, nguyên nhân được xác định chỉ là do người dân gieo cấy không đúng khung thời vụ mà chưa thấy nói gì đến chất lượng giống, cũng như trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống, các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo nông dân nên gieo cấy vào thời điểm nào thích hợp để hạn chế rủi ro?

Gần 15.000ha lúa tại miền Bắc bị lép hạt

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê sơ bộ ở các tỉnh miền Bắc, hiện diện tích lúa bị lép hạt (giống BC15 - do Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cung cấp) đã lên gần 15.000ha. Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và TP Hà Nội. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới lúa BC15 lép hạt là do thời điểm phân hóa đòng đúng vào thời điểm nhiệt độ thấp, trong khi nhiệt độ phù hợp cho giai đoạn này của cây lúa là khoảng 24 độ C trở lên. Vì vậy, nơi nào lúa làm đòng đúng thời điểm này thì bị lép hạt, ngược lại vẫn phát triển bình thường.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà khoa học, không phải hoàn toàn do thời tiết mà giống lúa BC15 cũng có vấn đề. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Quốc Doanh, những hộ gieo cấy 100% diện tích lúa BC15 bị thiệt hại thì cần được hỗ trợ gạo ăn và giống để gieo cấy vụ mới. Được biết, vụ đông xuân 2012-2013, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình bán hơn 3.000 tấn lúa BC15 ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Bền Vững Nuôi Tôm Bền Vững

Ao nuôi tôm không quá lớn, là một biện pháp tránh rủi ro, vì nếu có hỏng ao này còn ao kia. Khi bệnh tôm phát sinh, ao nuôi nhỏ sẽ dễ xử lý và ít tốn kém hơn. Nếu dụng cụ, máy móc của một trong số ao này bị hỏng có thể di chuyển bổ sung cho nhau để giải quyết tạm thời. Diện tích tối ưu của ao nuôi tôm nên từ 3.000-5.000m2.

15/02/2014
Chi Gần 50 Tỉ Đồng Bồi Thường Bảo Hiểm Thủy Sản Chi Gần 50 Tỉ Đồng Bồi Thường Bảo Hiểm Thủy Sản

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi 47,4 tỉ đồng bồi thường thiệt hại 102 ao nuôi các loài thủy sản, với diện tích gần 37,3 ha, chiếm gần 63% so với tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.

17/02/2014
Một Mô Hình Nuôi Tôm Thích Ứng Với Biến Đổi Khí Hậu Ở Bến Tre Một Mô Hình Nuôi Tôm Thích Ứng Với Biến Đổi Khí Hậu Ở Bến Tre

Vào tháng 7-2012, 7 hộ dân ở ấp Xương Thới III (Thới Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) được Trường Đại học Cần Thơ chọn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa thuộc Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là các hộ dân định cư cặp ngoài vùng đê bao ngọt hóa của Dự án 418.

17/02/2014
Xuất Hiện Sinh Vật Lạ Gây Cá Chết Hàng Loạt Ở Kiên Giang Xuất Hiện Sinh Vật Lạ Gây Cá Chết Hàng Loạt Ở Kiên Giang

Chiều 14-2, ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết: Đã lấy mẫu nước và sinh vật lạ được cho là nguyên nhân gây cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại vùng biển của huyện đảo Kiên Hải đưa đi xét nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2.

17/02/2014
Nuôi Cá Trê Lai Hốt Bạc Nuôi Cá Trê Lai Hốt Bạc

Không đến tận ao nuôi cá trê lai của bà con thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) thật khó tin về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/sào ao (500 m2). Tính ra, mỗi năm người nuôi cá ở đây thu hơn 2 tỷ đồng/ha.

17/02/2014