Nông Dân Sản Xuất Lúa Giống
Sản xuất lúa giống không chỉ còn là chuyện của các nhà chuyên môn, mà đã trở thành “sinh kế” cho những nông dân chân đất ở Tịnh Trà (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi). Liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà để cùng làm ra những hạt lúa giống chất lượng, mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, người nông dân và HTX vẫn gặp khó, khi sản phẩm khó có thể bán đại trà ra thị trường…
Mạnh dạnKhông còn sản xuất lúa theo kiểu “trông trời, trông đất, trông mây” như trước đây, hàng trăm nông dân Tịnh Trà hiện đang trồng lúa giống theo quy trình kỹ thuật. “Ngày trước, đến mùa là gieo sạ thôi. Nhưng giờ trước khi vào vụ là chúng tôi xử lý đất bằng vôi.
Cứ 20 kg vôi/sào để trừ dịch bệnh. Sau đó là đến rải phân chuồng để đất khỏi thoái hóa, bạc màu”, ông Nguyễn Hồng Linh, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà hồ hởi chia sẻ. Vụ đông xuân này là vụ thứ 2 ông Linh tham gia trồng lúa giống cho HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà. Nếu như năm ngoái ông chỉ gieo sạ 3.000m2, thì năm nay, ông nâng diện tích lên gần gấp đôi.
Cũng như ông Linh, sau khi trồng thử một vụ và thấy ngay hiệu quả, ông Nguyễn Đình Long đã mở rộng diện tích trồng lúa giống lên 6.000m2, qua đó trở thành nông dân có diện tích sản xuất lúa giống lớn nhất xóm Gò Mít - Gò Mới, thôn Trà Bình. Tuân thủ theo đúng quy trình chăm sóc lúa, phân bón thì 54 hộ dân ở KDC Gò Mít - Xóm Mới đã hợp đồng với Công ty Phân bón NPK Sao Việt để được cung cấp phân bón ngay tận ruộng.
Đến mùa thu hoạch, nông dân trồng lúa giống cũng không còn phải thấp thỏm chuyện nắng mưa, bởi lẽ lúa làm ra được HTX Tịnh Trà đến tận chân ruộng để thu mua. “Làm lúa mà không cần phải phơi thì còn gì khỏe bằng. Vụ vừa rồi, thửa ruộng chỉ 800m2, áp dụng trồng giống lúa Khang Dân 18 mà thu hoạch được 7,1 tạ…”, ông Nguyễn Đình Long cho biết.
65 tạ/ha khi trồng giống TH6, 80 tạ/ha khi trồng lúa Khang Dân 18, nông dân Tịnh Trà đang từng bước nâng cao diện tích sản xuất lúa giống, hoàn thiện khoa học kỹ thuật để tiến tới phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhờ vào việc mạnh dạn sản xuất lúa giống.
Cần sự trợ lực
Dù mới chập chững bước vào “nghề” sản xuất lúa giống nhưng nông dân và HTX dịch vụ nông nghiệp- nông thôn Tịnh Trà đã trở thành một điểm sáng khi đã thành công trong việc liên kết, đồng hành, tạo ra lợi ích bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dù HTX đã bao tiêu được cho người nông dân, nhưng lại “ôm” phần khó về cho mình, khi chưa tìm được cách đưa lúa giống ra thị trường một cách đại trà.
Chia sẻ trăn trở, ông Lê Văn Chương - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà cho biết, dù năng suất, chất lượng lúa giống của Tịnh Trà rất cao nhưng do HTX vẫn chưa liên hệ, kết nối được với những đơn vị cần sản xuất lúa giống nên đầu ra cho lúa giống chủ yếu vẫn chỉ là liên hệ, tự bán cho bà con nông dân.
“Liên kết với các đơn vị cần sản xuất lúa giống, hoặc chuyển nhượng bản quyền giống lúa là cách duy nhất để lúa giống làm ra có thể danh chính ngôn thuận xuất bán đại trà. Tuy nhiên, với tiềm lực của một HTX, việc xoay đủ kinh phí để chuyển nhượng được bản quyền không phải là chuyện dễ dàng, bởi con số đó có thể lên đến vài tỷ đồng”, ông Chương cho biết thêm.
Hiện, sau khi đã bán được 15 tấn lúa giống cho nông dân trong xã và các xã lân cận, thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà đang “tay xách nách mang” 10 tấn lúa còn lại lên Đaklak tiêu thụ. Hành trình mang theo những hạt lúa giống chất lượng, chắc khỏe… từ Tịnh Trà lên vùng Tây Nguyên nắng gió như gần lại, khi ông Lê Văn Chương nhận được cái gật đầu đồng ý thu mua hết tất cả của các chủ nhiệm HTX tỉnh bạn.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 29-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch trồng trọt năm 2015, phương án sản xuất vụ đông năm 2014-2015.
Khi mới đưa con cá chình về vùng Đất Mũi Cà Mau của mình để nuôi, ông bị vợ phản đối, vì nhỡ có thất bại, lấy gì mà sống. Giờ thành tỷ phú nhờ nuôi cá chính rồi, ông Nguyễn Hữu Ánh (Bảy Ánh, 51 tuổi, ngụ phường Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vẫn khiêm nhường và tiếp tục giúp đỡ những người khác cùng nuôi cá chình để vươn lên làm giàu.
Nhằm phát triển ngành trồng rau, hoa theo hướng an toàn, hiệu quả, tạo tiền đề quan trọng trong tiến trình chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao". Từ dự án này đã hình thành ba mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính.
Mới đây, tại Nghệ An, một trong những trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global G.A.P.). Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. của Châu Á.
Ông Tôn Thất Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2016, trung tâm sẽ triển khai dự án Xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất của các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh. Dự án có tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đối tượng thực hiện dự án là các hộ trồng lan trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các hộ tham gia câu lạc bộ trang trại hoa lan.