Nông Dân Phạm Hiền Làm Kinh Tế Giỏi
Trở về từ chiến trường Campuchia sau năm 1982, anh Phạm Hiền ở thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), chỉ có hai bàn tay trắng nay đã có một cơ ngơi khá giả, là một trong những tấm gương điển hình của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Hiền vui vẻ kể về thành quả đạt được từ nỗ lực và quyết tâm vươn lên trên vùng đất nghèo năm nào. Sau hơn 3 năm trong quân ngũ, cuối năm 1982 anh trở về quê hương lấy vợ và lập nghiệp.
Lúc này trong tay chỉ có 2 sào đất hoang cằn cỗi trồng được cây khoai lang, cây đậu, thu nhập rất thấp nên anh phải đi làm thuê để lo thêm thu nhập cho gia đình. Với ý chí, nghị lực không để gia đình nghèo khó mãi, anh quyết tâm khai hoang mở rộng diện tích sản xuất và trồng thử nghiệm nhiều loại cây hoa màu khác.
Đến đầu những năm 2000 gia đình anh có gần 1,5 ha đất rẫy trồng các loại cây cho thu nhập khá cao như: đậu xanh, đậu bi, bắp lai...Khi cuộc sống đã bớt khó khăn, anh lại tiếp tục nghĩ đến việc quyết tâm vươn lên thoát nghèo để làm giàu, lo cho con cái sau nay có cái học hành chu đáo. Năm 2003, được Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện cho vay vốn 7 triệu đồng, anh mua một đôi bò cái và trồng cỏ phát triển chăn nuôi.
Đến cuối năm 2005, nhận thấy cây khoai mỳ rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại dễ trồng cho thu nhập cao, anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất rẫy sang trồng khoai mỳ. Hiện nay, ngoài đàn bò gần chục con nuôi sinh sản, cộng thêm hơn 3,5 ha mỳ và hơn 5 sào đất trồng cỏ chăn nuôi, mỗi năm bình quân thu nhập của gia đình anh từ 70 đến 80 triệu đồng. Bây giờ, gia đình anh có cuộc sống khá giả, đủ khả năng nuôi các con học lên cao (hai người con đang học đại học và cao đẳng tại Tp HCM).
Với anh Hiền, làm kinh tế nông nghiệp phải biết chịu khó và tìm tòi, học hỏi để vận dụng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp trên vùng đất mình làm. Đưa chúng tôi đến thăm rẫy khoai mỳ của gia đình, anh cười vui cho biết: Những bãi đất hoang ngày nào giờ đã thành những cánh đồng khoai mỳ xanh tươi. Ở khu này không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cũng đã chuyển đổi cây trồng thành công trên vùng đất nghèo này và từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Ngô Hòa, Trưởng thôn Tân Hòa cho biết: Anh Hiền không chỉ là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, mà còn có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng xã hội, luôn tích cực tham gia đóng góp các quỹ công ích của địa phương, sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho những hộ khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngoài những thành tích được nhà nước trao tặng như: Huân chương Chiến công vẻ vang, Dũng sỹ yêu nước…nhiều năm qua anh được địa phương khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...
Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nuôi tôm hùm lồng trên biển ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh từ năm 2000 cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, cần phải có sự quản lý và quy hoạch một cách hợp lý nhằm đưa nghề nuôi có giá trị kinh tế cao này hướng đến sự phát triển một cách bền vững.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Để giúp nông dân phòng chống bệnh rệp sáp tấn công, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn nông dân mua các loại thuốc đặc trị rệp sáp về phun và khuyến cáo nông dân nên tiến hành cắt và tiêu hủy những cành, chùm quả đã bị khô nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.