Nông Dân Nuôi Tôm Nước Lợ Được Vụ Mùa Thắng Lợi
Năm 2014, hoạt đông nuôi tôm nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn, do thời tiết bất lợi, tỷ lệ dịch bệnh khá cao, giá tôm lên xuống bất thường... Tuy nhiên, nhìn chung năm nay tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng được ưu tiên chọn nuôi và đa số bà con nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có một vụ mùa thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Phương, nông dân nuôi tôm sú ở ấp Xóm Rẩy, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, mọi năm chỉ khoảng tháng 2-3 là ao tôm của ông đã thả giống cho vụ tôm chính vụ trong năm, nhưng những tháng đầu năm nay thời tiết diễn biến bất thường, tới ngày 30/4 ông mới bắt đầu thả giống. Do thả giống trễ, cộng với nuôi tôm đạt cỡ lớn 20-30 con/kg mới thu hoạch, nên những ao tôm sú chính vụ cuối cùng của ông kéo dài tới đầu tháng 10.
Trong tháng 5 vừa rồi, giá tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg có giá 250-280 ngàn đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 280-300 ngàn đồng/kg; tính ra giá tôm sú trong tháng 5 đã tăng 50 ngàn đồng/kg so với tháng 4. Tuy nhiên, bước vào giữa tháng 6, giá tôm sú bất ngờ giảm tới 100 ngàn đồng/kg, rồi tăng 20-30 ngàn đồng/kg ngay trong tuần sau đó và duy trì khá ổn định cho đến nay.
Cụ thể, thời điểm này thương lái đến tận ao tôm của nông dân thu mua tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg với giá 165-175 ngàn đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205-210 đồng/kg.
Đối với tôm thẻ chân trắng, giá tôm ít biến động hơn so với tôm sú. Ông Trần Văn Nhỏ, nông dân nuôi tôm ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông chia sẻ, đầu năm giá tôm nằm ở mức trên 110 ngàn đồng/kg, sau đó đột ngột giảm xuống chỉ còn 70-73 ngàn đồng/kg trong cuối tháng 5.
Bước vào đầu tháng 6, tôm lại liên tục tăng giá trong 3 tuần liên tiếp với mức tăng tổng cộng hơn 30 ngàn đồng/kg. Gần đây giá tôm thẻ chân trắng khá ổn định, với mức chênh lệch trong 5-10 ngàn đồng/kg. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng cỡ 60 con/kg được thương lái thu mua với giá 125-130 ngàn đồng/kg, tôm loại 100 con/kg cũng có giá 102-110 ngàn đồng/kg.
Theo nhiều nông dân nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông, hiện nay giá thành nuôi tôm sú nằm ở mức 120 ngàn đồng/kg, còn tôm thẻ chân trắng khoảng 70 ngàn đồng/kg; năng suất tôm sú bình quân khoảng 5 tấn/ha sau 4-5 tháng nuôi, còn năng suất tôm thẻ chân trắng khoảng 10 tấn/ha sau 2,5-3 tháng nuôi.
Năm nay, giá tôm sú loại 40 con/kg dao động ở mức 160.000-190.000 đồng/kg, loại 30 con/kg dao động từ 200.000-240.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng dao động ở mức 90.000-120.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg, và 120.000-140.000 đồng/kg đối với tôm loại 60 con/kg thì nông dân nuôi tôm đạt cỡ thu hoạch có thể đạt lợi nhuận 200-600 triệu đồng/ha đối với tôm sú và 200-500 triệu đồng/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
Hiện nay, các ao tôm ở địa phương gần như đã thu hoạch hết, chỉ còn một vài ao thả giống trễ hay thả nuôi vụ 2 là còn đang nuôi. Do đó, lượng tôm thu hoạch trong thời gian tới là không còn nhiều, trong khi nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu của các nhà máy chế biến tôm đông lạnh tăng cao.
Chính vì vậy, nông dân còn tôm thu hoạch có thể nói là chắc chắn trúng mùa, được giá. Mức lợi nhuận đối với người nuôi tôm trong năm nay là khá cao, có thể giúp người nuôi tôm tiếp tục tái sản xuất.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, vụ tôm năm 2014, người nuôi tôm thận trọng hơn trong việc chọn đối tượng và thời gian thả nuôi, không thả ồ ạt khi giá tôm thương phẩm lên cao mà cẩn thận xem xét tình hình thời tiết, bệnh trong khu vực trước khi thả. Tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng ưu tiên trong lựa chọn thả nuôi của bà con, diện tích nuôi cao gần gấp 5 lần so với diện tích thả nuôi tôm sú. Hiện nay, diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh còn đang nuôi là 187,5 ha.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất diễn ra vào khoảng từ cuối tháng 12/2013 đến đầu tháng 2/2014, những tháng còn lại thì dịch bệnh vẫn xảy ra nhưng chỉ rải rác tại một số xã.
Đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại là 564,5 ha, chiếm 10,5% tổng diện tích thả nuôi tôm, giảm mạnh so với 18% của cùng kỳ năm ngoái; trong đó diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 524,4 ha, chiếm 15,7% diện tích thả nuôi, giảm so với 23,3% của cùng kỳ năm ngoái; diện tích tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại là 40 ha, chiếm 2% diện tích nuôi tôm, giảm so với 9% của cùng kỳ ngoái.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay thời tiết tương đối thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song hoạt động nuôi tôm nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, giá tôm thương phẩm lên xuống bất thường với biên độ dao động mạnh, tỷ lệ diện tích nuôi thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng vẫn còn khá cao, trong đó thời điểm xảy ra thiệt hại không còn có sự tập trung cao vào những tháng thời tiết bất lợi (lạnh hoặc nắng nóng kéo dài) mà xảy ra có tính rãi đều trong năm.
Tập trung quản lý vụ tôm năm 2015
Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh hoạch định: Về con giống, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống; giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, đảm bảo 80% tôm giống thả nuôi đã qua kiểm dịch; tăng cường thanh tra về chất lượng con giống, nhằm đảm bảo con giống buôn bán ra thị trường phải đảm bảo chất lượng, kích cỡ theo qui định.
Về nuôi tôm thương phẩm, Ngành tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích nuôi đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh; nghiên cứu về quy trình nuôi mới, đúc kết những mô hình nuôi mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, để nhận rộng trong nhân dân, đặc biệt nhân rộng mô hình nuôi tôm theo quy chuẩn VietGAP; thông báo khuyến cáo thời gian thả giống tôm nước lợ năm 2015 một cách hợp lý và triển khai tốt các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp ngay từ đầu năm; củng cố lại và vận động thành lập mới các tổ quản lý cộng đồng nuôi tôm.
Để vụ tôm năm 2015 ít rủi ro dịch bệnh và cơ hội thắng lợi cao hơn thì giữa hai vụ nuôi tôm bà con nông dân nên có thời gian ngưng nuôi ít nhất là 1 tháng và cải tạo ao theo đúng quy trình, nhằm cắt mầm bệnh trong ao. Đồng thời, cần theo dõi tình hình thời tiết và thông báo khuyến cáo thả giống của ngành để chọn thời điểm thả giống hợp lý, thả giống với mật độ vừa phải (tôm sú thả 20-30 con/m2, tôm thẻ chân trắng thả 60-80 con/m2) và quản lý ao nuôi chặt chẽ...
Nguồn bài viết: http://tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1257/67266/Nong-nghiep---Phat-trien-nong-thon/Tien-Giang--Nong-dan-nuoi-tom-nuoc-lo-duoc-vu-mua-thang-loi.aspx
Có thể bạn quan tâm
Dù đã bước vào mùa lũ nhưng do lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên còn hạn chế, nguồn cung một số loại cá nuôi giảm so với trước nên giá nhiều loại thủy sản vẫn duy trì ở mức giá khá cao. Thậm chí, một số mặt hàng, như: cá lóc, lươn… tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, gần đây giá các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục đứng ở mức cao cũng là nguyên nhân giá các loại thủy sản khó "hạ nhiệt".
Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi vịt đẻ giống an toàn sinh học (ATSH) và an ninh sinh học tại lò ấp, đã giúp chị Đoàn Thị Ngọc Bích ở Phường Tân Lộc, Quận Thốt nốt, thành phố Cần Thơ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.
Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.