Xuất Khẩu Tôm Vào Thị Trường Nhật Bản Lại Khổ Vì Dư Lượng Kháng Sinh
Chưa hết “bàng hoàng” vì Ethoxyquin (ETQ), doanh nghiệp xuất khẩu (XK) tôm sang Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với quyết định kiểm tra 100% Oxytetracycline (OTC). XK tôm sang thị trường này chưa kịp phục hồi đã lại giảm mạnh.
Liên tiếp chịu trận
Năm 2012, XK tôm sang Nhật Bản gần như “giậm chân tại chỗ” do ảnh hưởng của quy định kiểm tra 100% dư lượng ETQ (chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn nuôi tôm) với mức 0,01ppm trong các sản phẩm tôm Việt Nam. XK tôm sang thị trường này giảm liên tiếp trong nhiều tháng khiến tổng XK cả năm chỉ tăng 1,7% so với năm 2011.
Năm 2013, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau nhiều nỗ lực từ tất cả các bên liên quan và những tưởng sẽ được khơi thông trong năm 2014 sau khi phía Nhật Bản thông báo nâng mức dư lượng ETQ trong tôm Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm vào cuối tháng 1/2014.
Hai tháng đầu năm 2014, XK tôm sang Nhật Bản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013 với mức tăng trên 60%/tháng. Tuy nhiên, sang tháng 3/2014, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 1,2% so với tháng 3/2013. Do phát hiện thấy OTC trong 2 lô tôm NK từ Việt Nam, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra đối với 100% tôm nuôi và các sản phẩm chế biến từ tôm nuôi NK từ Việt Nam về chỉ tiêu chất này với mức giới hạn 0,2ppm từ giữa tháng 3.
Kiểm không xuể
Do Nhật Bản áp dụng mức dư lượng tối đa cho phép ở mức thấp nhất 0,01ppm trong khi ETQ lại là chất có trong thức ăn nuôi tôm nên mặc dù có “xoay” cách nào đi nữa thì cũng không thể kiểm soát ngay lập tức ETQ trong tôm XK.
Trong khi cả người nuôi và cơ quan quản lý vẫn còn “loay hoay” tìm cách loại bỏ ETQ ra khỏi tôm nguyên liệu thì doanh nghiệp vẫn cần tôm nguyên liệu để đáp ứng những đơn hàng đã ký. Không còn cách nào khác, buộc doanh nghiệp phải đổ thêm hàng tỷ đồng cho việc kiểm soát ETQ từ khâu thu mua nguyên liệu tới khâu thành phẩm XK.
Và OTC cũng tương tự, chỉ sau khi phía Nhật Bản thông báo áp dụng chế độ kiểm tra 100% OTC, phía cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản - Nafiqad) ra thông báo tới các doanh nghiệp chế biến và XK tôm tăng cường kiểm soát OTC trong sản xuất và XK tôm!
Tổn thất lớn
ETQ hay OTC không phải là vấn đề mới với XK tôm bởi kháng sinh và hóa chất cấm trong tôm XK là vấn nạn đã kéo dài hơn chục năm nay.
Thực tế là, khi vấp phải quy định kiểm tra một chất kháng sinh mới, doanh nghiệp chế biến và XK là đơn vị đầu tiên chịu tổn thất về cả kinh tế lẫn uy tín. Đây là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều không muốn bởi lợi nhuận và chi phí của họ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Tuy nhiên, họ không thể tự giải quyết vấn nạn này và họ sẽ tiếp tục phải gánh chịu tổn thất một cách bị động như hiện nay bởi căn nguyên của vấn đề là kiểm soát nhà nước về kháng sinh và hóa chất cấm theo chuỗi sản xuất vẫn chưa thể thực hiện được!
Và chắc chắn, doanh nghiệp có đầu tư thêm bao nhiêu nữa cho công tác kiểm nghiệm thì cũng không thể khắc phục được tình trạng nhiễm kháng sinh cấm nếu như căn nguyên của vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Giả thiết Nhật Bản “đóng cửa” thị trường đối với tôm Việt Nam do nhiễm OTC thì doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên.
Họ buộc phải kết thúc công việc kinh doanh mà họ đã mất nhiều công sức gây dựng và duy trì cũng như đang tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Mà căn nguyên lại không phải hoàn toàn từ họ, những người đã cố gắng hết sức bảo đảm uy tín sản phẩm XK của mình bằng việc đầu tư các phòng kiểm nghiệm để tự kiểm nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhưng việc kiểm và đảm bảo an toàn cả chuỗi sản xuất tôm là vượt ra ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Theo Nafiqad, mặc dù Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, nhưng việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả hai thị trường xuất khẩu lớn (Nhật Bản và EU) cho thấy có tình trạng lạm dụng Oxytetracycline trong quá trình nuôi và không tuân thủ việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công bố xây 6 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại gắn với các ngư trường trọng điểm, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo nhiều nông dân tại xã Định Môn, bắp lai có thể cho năng suất từ 0,8-1 tấn/ha. Bắp lai sau khi thu hoạch phơi khô và tuốt lấy hạt đang được thương lái đến nhà thu mua 5.000-5.200 đồng/kg. Với giá hiện nay, nhiều nông dân trồng bắp đạt lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công.
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống kịp thời thì người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô lớn, rất dễ “trắng tay” nếu chẳng may bùng phát dịch.
Gia đình ông Đa có 6.000 m2 đất trồng 75 cây sầu riêng hạt lép giống Ri 6 và Monthong, trong đó có 1.500 m2cây 6 năm tuổi và 4.500 m2 cây 12 năm tuổi, từ năm 2009 đến nay ông xử lý thành công sầu riêng ra hoa trái vụ khắc phục tình trạng "được mùa, thất giá".
Hơn 2 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi nên nhiều nhà nông ở phường 2 (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) đã có được thu nhập tăng thêm đáng kể so với một số cây trồng khác.