Nông Dân Nuôi Cá Tra Giỏi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Năm 2013
Ngày 02/8/2013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi "Nông dân nuôi cá tra giỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013".
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để nuôi cá tra thâm canh. Cá tra có thể nuôi tại các ao ven sông, trên cồn, nuôi hầm… với kỹ thuật nuôi không quá khó nên nghề nuôi cá tra khu vực này phát triển mạnh. Các tỉnh, thành phố có phong trào nuôi cá tra mạnh nhất là: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Hậu Giang. Năm 2012, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đạt xấp xỉ 6.000 ha; sản lượng thu hoạch đạt 1.255.500 tấn. Sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,744 tỷ USD.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Phát triển nuôi cá tra theo hướng VietGAP” để các hộ nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức nuôi cá tra có dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc nuôi cá tra. Đât cũng là dịp giới thiệu những lợi ích và quy trình nuôi cá tra theo hướng VietGAP.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn, ngày 02/8/2013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi "Nông dân nuôi cá tra giỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013”. Hội thi nhằm giúp nông dân các tỉnh ĐBSCL có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, nắm bắt các chủ trương, chính sách khuyến nông, các tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn trong nuôi cá tra, đồng thời động viên, tôn vinh những người nuôi cá tra giỏi có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nuôi cá tra theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo mục tiêu an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hội thi đã thu hút gần 300 đại biểu đại diện các cơ quan trung ương, các ban ngành địa phương, các tỉnh lân cận, cùng sự tham gia 72 thí sinh của 6 đội tuyển đến từ các tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang. Các thí sinh tham gia đội tuyển đều là các nông dân trực tiếp nuôi cá tra, am hiểu khoa học kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong công việc, là những gương mặt tiêu biểu đại diện cho hàng triệu lao động đang trực tiếp làm nên thương hiệu cá tra ĐBSCL trên thị trường quốc tế.
Tham gia Hội thi, các thí sinh của cả 6 đội tuyển trải qua phần thi “Kiến thức cá nhân” với 30 câu hỏi trắc nghiệm và 10 câu hỏi nhận dạng mẫu vật bằng hình ảnh. Ở phần thi này, thí sinh Triệu Thị Y Vanne của đội tuyển An Giang đã xuất sắc giành điểm tuyệt đối và đoạt giải Nhất phần thi “Kiến thức cá nhân”.
Các đội tuyển trải qua phần thi “Màn chào hỏi” giới thiệu về đội tuyển của mình, khái quát tình hình kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, sản xuất cá tra nói riêng; các mô hình khuyến nông điển hình đối với cá tra của địa phương thông qua hình thức sân khấu hóa. Với phần thi này, những người nông dân đã thể hiện được tài năng của mình, không chỉ nuôi cá tra giỏi mà còn là những diễn viên xuất sắc trên sân khấu. Với diễn xuất và nội dung nổi trội, tiểu phẩm của đội tuyển tỉnh Hậu Giang đã đoạt giải “Màn chào hỏi ấn tượng nhất”.
Phần thi kiến thức đồng đội "Kỹ thuật nuôi cá tra an toàn theo VietGAp", mỗi đội tuyển phải trả lời 02 câu hỏi về kiến thức, kỹ thuật nuôi cá tra an toàn theo VietGAP.
Phần thi "Nông dân sản xuất cá tra đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu", các thí sinh phải thể hiện sự hiểu biết về chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá tra; các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, về thức ăn, hóa chất, môi trường nuôi cá tra; tiêu chuẩn, chất lượng chế biến, bảo quản cá tra đáp ứng thị trường xuất khẩu. Với hình thức thi trắc nghiệm và có câu hỏi cược điểm, các đội bám đuổi nhau về điểm số và chiến thuật trong việc cược điểm đã tạo ra không khí sôi động của cuộc thi.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội tuyển tỉnh Hậu Giang, hai giải Nhì được trao cho đội tuyển tỉnh Đồng Tháp và An Giang, ba đội đồng giải Ba là các đội tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.
Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.
Hoa lài là loại cây có hoa màu trắng và hương thơm có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là vào thời điểm trước và sau mùa mưa. Ngoài tác dụng làm thuốc, hòa lài còn được sử dụng chế biến ướp trà. Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa cây lài vào mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó Trà Vinh là tỉnh có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp loại cây trồng này.
Tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án "Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông" với sự tham gia của Tổ chức Heifer, Tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam (NMA). Dự án có tổng kinh phí trên 18,2 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư 4 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 1/7/2013 đến hết tháng 6/2017.
Năm nay là vụ thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đưa dong riềng vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn với quy mô đại trà, nhờ đó diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng lên tới gần 3.000ha, trong khi kế hoạch năm 2013 mới chỉ là 2.100ha. Sản lượng củ dong năm nay ước đạt 193.000 tấn.