Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Nhiều Địa Phương Lại Chặt Bỏ Cây Cao Su Tiểu Điền

Nông Dân Nhiều Địa Phương Lại Chặt Bỏ Cây Cao Su Tiểu Điền
Publish date: Monday. August 18th, 2014

Thời gian gần đây do giá cao su trên thị trường giảm thấp, cùng với một số nguyên nhân khác khiến nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền chuyển sang trồng các loại cây khác.

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 32.000 ha cao su, trong đó có 5.970 ha cao su quốc doanh, 3.990 ha cao su do các doanh nghiệp tư nhân trồng và 22.300 ha cao su tiểu điền; tổng diện tích đang khai thác toàn tỉnh là 12.766 ha, với năng suất bình quân đạt 1.627 kg/ha.

Qua kiểm tra, rà soát của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 10/7, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ 359,39 ha cao su để chuyển sang trồng tiêu, cà phê, chanh dây... tập trung nhiều nhất là tại các huyện Đắk R'lấp 212 ha, Đắk Song 83 ha, Tuy Đức 32 ha, Krông Nô 23,5 ha, Chư Jút 8,9 ha và rải rác các địa phương khác như huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

Mặc dù để trồng 1 ha cao su, người nông dân phải đầu tư nguồn vốn không hề nhỏ gồm tiền mua cây giống, phân bón, thuê nhân công lao động... và phải mất sáu, bảy năm vườn cao su mới cho khai thác, nhưng đến nay nhiều nông dân vẫn chấp nhận chặt bỏ vườn cao su do hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân người dân chặt bỏ vườn cao su là do giá mủ cao su thời gian gần đây xuống thấp, hiệu quả kinh tế không bằng một số cây trồng khác, nhất là cây tiêu giá đang ở mức cao ngất ngưỡng từ 180.000-200.000 đồng/kg.

Một số vườn cao su lâu năm do trồng giống thực sinh không đảm bảo, lượng mủ thấp và một số diện tích gần nguồn nước tưới nên nông dân đã chặt bỏ để trồng các loại cây hoa màu khác. Thêm vào đó, tình hình sâu, bệnh hại cây cao su như bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, đốm vàng lá do nấm corynespora... trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây cao su.

Trình độ canh tác của người nông dân chưa cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc thâm canh cây cao su còn nhiều hạn chế, các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức làm giảm chất lượng vườn cây.

Đặc biệt, những năm trước đây khi giá mủ cao su ở mức cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã tự phát mở rộng diện tích cây cao su trên những diện tích đất không đủ điều kiện như đất có độ dốc trên 30 độ, đất có độ cao trên 700 m so với mặt nước biển, đất nghèo chất dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng... làm cho hiệu quả đầu tư sản xuất cao su mang lại không cao...

Trước thực trạng nông dân trong tỉnh chặt bỏ vườn cao su có chiều hướng gia tăng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao su, ổn định diện tích đang có.

Đối với một số vườn cao su kinh doanh đã hết chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp và một số diện tích trồng bằng cây giống thực sinh, giống cũ, trên những địa điểm có điều kiện không phù hợp với cây cao su thì có thể chặt bỏ trồng lại cây khác.

Tuy nhiên, tuyệt đối không chặt cây cao su tại những vườn đã trồng bằng giống mới sinh trưởng phát triển tốt, những vườn cao su đang cho thu mủ tốt; có chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm chặt bỏ vườn cao su trong vùng quy hoạch, dự án...

Sở NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất cao su.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững cây cao su, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực như, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cây cao su đến từng xã, huyện để nâng cao trình độ canh tác cho nông dân.

Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây cao su nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân. Đầu tư xây dựng các nhà máy từ sơ chế đến chế biến tinh tại từng vùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cao su...


Related news

Được Mùa Sứa Biển Được Mùa Sứa Biển

Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...

Saturday. May 31st, 2014
Con Banh Lông Đang Được Khai Thác Con Banh Lông Đang Được Khai Thác

Con banh lông là loại hải sản còn ít người biết đến. Nhìn bề ngoài banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn. Lâu nay hầu như ngư dân ít khai thác loại hải sản này.

Monday. June 23rd, 2014
"Lời Giải" Cho Bài Toán Nuôi Tôm Trên Cát Bền Vững

Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.

Monday. June 2nd, 2014
Có Vườn Ươm Giống Cà Phê Cao Sản Ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) Có Vườn Ươm Giống Cà Phê Cao Sản Ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.

Monday. June 2nd, 2014
Đổ Nợ Vì Cá Rô Đầu Vuông Đổ Nợ Vì Cá Rô Đầu Vuông

Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.

Monday. June 23rd, 2014