Cà Phê Chồn Trên Đất Đồng Nai
Cà phê chồn được xếp vào loại đồ uống quý hiếm và đắt tiền nhất trong các loại cà phê. Đây là loại cà phê được thu nhặt từ phân của con chồn hương, hiện nổi tiếng khắp thế giới, được săn lùng vì thơm ngon hơn hẳn các loại cà phê thường.
Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn được Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai triển khai thí điểm từ năm 2011. Hiện trung tâm có 30 con chồn hương trưởng thành và đã tổ chức nhân giống thành công loài vật có nguồn gốc hoang dã này.
* Nhân giống chồn hương
Kỹ sư trẻ Chu Quang Tấn, chuyên viên nuôi chồn của Phòng Công nghệ sinh học động vật, chia sẻ: “Trước khi tham gia dự án này, tôi đã đến thực tập 6 tháng tại một trang trại nuôi chồn quy mô lớn nhất nước ở Đắk Lắk. Tuy đã thạo về quy trình chăn nuôi loài vật này, nhưng thời gian đầu tôi vẫn gặp nhiều khó khăn để con chồn thích nghi với thổ nhưỡng mới”.
Mô hình nuôi chồn tại trung tâm được chuẩn hóa và đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, từ hệ thống chuồng trại đến các thiết bị, máy móc. Quy trình chăn nuôi được ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ, từ tính toán khẩu phần ăn cho phù hợp với cân nặng, nhu cầu của con vật đến việc quản lý, phòng ngừa bệnh và kích thích sinh sản.
Theo kỹ sư trẻ Chu Quang Tấn: “Nuôi chồn không khó vì loài vật này ít bị bệnh và hầu như không lo xảy ra dịch, không tốn công chăm sóc vì chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày. Nhưng loài vật này vẫn giữ những tập tính hoang dã nên phải thận trọng khi chăm sóc, nhất là khi ghép đôi cho sinh sản”.
Theo đó, chọn chồn sinh sản phải căn cứ vào phả hệ, vừa phải cho xét nghiệm, kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo đạt được tình trạng tốt nhất về điều kiện sinh sản, vừa phải theo dõi sát để biết được khi nào chồn thụ thai để có biện pháp chăm sóc riêng vì loài vật này cực kỳ nhạy cảm vào mùa sinh sản, nhất là với tiếng động và mùi lạ.
Thường con chồn cần thời gian thích nghi khi bị chuyển sang vùng thổ nhưỡng khác nên rất khó cho sinh sản trong một vài năm đầu.
Nhưng nhờ thực hiện tốt khâu kỹ thuật chăm sóc và ứng dụng phương pháp tiêm hormon sinh sản nên chỉ sau 1 năm nuôi thử nghiệm, trung tâm đã đón lứa chồn con đầu tiên. Năm 2014, trại tiếp tục ghép đôi cho 6 cặp chồn bố mẹ để tiếp tục tạo ra các lứa chồn con mới.
* Tạo nên đặc sản
Hiện Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đã trồng được 4 hécta cà phê áp dụng theo quy chuẩn VietGAP đang cho thu hoạch, đang tiếp tục mở rộng thêm 3 hécta cà phê xen canh cây bơ.
Theo kỹ sư nông học Nguyễn Hữu Thành, chuyên viên Phòng Chuyển giao công nghệ: “Toàn bộ diện tích cà phê được trồng từ giống mới chất lượng tốt, năng suất cao. Trung tâm đã lấy mẫu đất đưa đi phân tích, việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều tuân theo quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo sản xuất ra trái cà phê sạch. Hiện toàn bộ sản lượng cà phê thu hoạch đều được tập trung cho nhu cầu sản xuất cà phê chồn tại trung tâm”.
“Sản xuất cà phê chồn khá công phu và tốn kém. Cà phê chỉ là thức ăn phụ của loài chồn nên không phải con chồn nào cũng thích ăn.
Chúng tôi đã phải mất cả tháng huấn luyện để mấy chục con chồn đều chịu ăn trái cà phê. Khi thu hoạch cà phê về, chúng tôi phải sàng lọc, lựa chọn những trái chín ngon, rửa sạch mới cho chồn ăn. Trong 1kg cà phê ngon đó, con chồn chọn lựa lại và thường chỉ ăn khoảng 3 lạng hạt.
Trung bình mỗi tuần, chồn ăn từ 2-3 lần cà phê. Sản xuất cà phê chồn chỉ kéo dài vài tháng mùa cà phê chín. Giai đoạn này, chồn bị ép ăn cà phê nhiều nên cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để tránh bị kiệt sức” - anh Tấn nói về bí quyết sản xuất loại cà phê độc đáo này.
Chị Phí Thị Thu Hiền, Phó phòng Công nghệ sinh học động vật, cho biết: “Năm 2013, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê chồn và đã thu được khoảng 50 kg hạt cà phê. Dự kiến năm nay, sản lượng này sẽ tăng lên khoảng 200 kg.
Quy trình sản xuất cà phê chồn tại trung tâm được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu gieo trồng để có nguyên liệu trái cà phê sạch, đạt chất lượng cho đến kiểm soát phòng bệnh giun sán và các bệnh đường ruột của con chồn, đảm bảo tạo ra đặc sản cà phê chồn ngon và an toàn. Sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc với mục tiêu đạt chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới”.
Theo Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Thị Hoàng, trồng cà phê giống tốt, nuôi chồn hương, sản xuất cà phê chồn đều là những đề tài nghiên cứu khoa học đang triển khai tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và sẽ được chuyển giao rộng rãi cho bà con nông dân.
Đây là mô hình mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Dự kiến cuối năm 2014, đề tài nuôi chồn và sản xuất cà phê chồn sẽ hoàn thành và được tổ chức chuyển giao cho nông dân. Trung tâm sẽ cung cấp con giống, hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi và thu mua sản phẩm. Mục tiêu để xây dựng được sản phẩm và thương hiệu cà phê Đồng Nai nói chung, đặc sản cà phê chồn nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
So với cùng kỳ năm ngoái, XK nhân điều trong 11 tháng qua đã tăng 18,2% về lượng và 22,6% về giá trị. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nhân điều Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm nay, Mỹ chiếm 32,79% giá trị điều XK của Việt Nam, tiếp đó là Trung Quốc 15,02%, Hà Lan 11,17%...
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ luôn có khát khao cháy bỏng. Một trong những mong ước đó là muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương và dạy dỗ con cái trưởng thành. Chúng tôi đã gặp những con người như thế!
Như 1 chiến binh không say sưa với chiến thắng, Cty CP Đường Quảng Ngãi tỉnh táo nhận ra 1 điều: Muốn phát triển bền vững, không thể “muôn năm” 1 sản phẩm, mà phải đa dạng hóa. Như xây nhà phải có cửa thoát hiểm, để nhỡ xảy ra sự cố, không thể tháo thân bằng cửa chính thì cũng còn cửa phụ.
Bên cạnh đó, nhà máy còn luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm urê cung cấp ra thị trường. Mới đây, sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ đã được xuất sang các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và thân thiện với môi trường như New Zealand, Jordan, châu Âu…
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - phát triển ĐBSCL, đưa ra một thực tế rằng nếu tính bình quân diện tích trồng lúa trên đầu người tương ứng với thu nhập từ cây lúa như hiện nay thì nông dân trồng lúa ở gần với ngưỡng nghèo. Trong hệ thống phân phối, chỉ có trên dưới 7% người trồng lúa bán được gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn lại hạt gạo phải “đội” từ 7 - 8 lớp “cò”. Hơn nữa, nông dân sử dụng “thừa” phân, thuốc làm cho giá thành sản xuất tăng.