Nông Dân Lại Ê Ẩm Với Quả Vải
Vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương... đã vào chính vụ, thế nhưng như mọi năm người dân đang phải ngày đêm hái từng sọt tất tả mang ra các điểm thu mua đỏ mắt tìm thương lái bán với giá rẻ mạt...
Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi có diện tích cây vải thiều lớn nhất miền Bắc, chiều 18-6 có hàng trăm xe tải, xe container vẫn nối đuôi nhau chờ nhận hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay thị trường vải tại Lục Ngạn chủ yếu được các thương lái ở các tỉnh phía Nam mua. Thương lái Trung Quốc mua vải tại Lục Ngạn năm nay giảm so với nhiều năm trước.
Ghi nhận tại các nhà vườn trồng vải và các điểm thu mua vải thiều Lục Ngạn và vải Thanh Hà như các xã: Phượng Sơn, Nghĩa Hồ, Hồng Giang, thị trấn Chũ... quả vải tươi loại đẹp nhất chỉ được bán đổ đồng khoảng 8.000 đồng/kg, những quả xấu hơn giá dưới 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều nhà vườn cho biết năm ngoái giá thu mua 1kg vải khoảng 15.000 đồng. Vì vậy, với giá thu mua như năm nay trừ mọi chi phí nhiều hộ gia đình còn phải bù lỗ.
Người nhỏ thó, đen sạm, vẻ mặt hốc hác sau nhiều ngày phải thức đêm hái vải, ông Thân Văn Hồng (52 tuổi, ở thôn Đầm, xã Phượng Sơn) dẫn chúng tôi ra vườn đang thu hái quả than thở: “Gia đình nhà tôi có bốn người, cuộc sống của cả nhà dựa vào gần 1ha vải thiều. Năm nay thấy được mùa gia đình vui lắm, ai ngờ mới vào đầu vụ giá giảm đột ngột. Kiểu này lỗ chắc rồi...’’.
Trên đường vào trung tâm huyện Lục Ngạn, chúng tôi gặp gia đình chị Từ Thị Hoa (38 tuổi, xã Phượng Sơn) đang hái vải. Chị kể: “Đã bao nhiêu năm nay chúng tôi trồng vải nhưng đến khi bán là dựa hết vào thương lái. Thương lái nói thị trường tiêu thụ tốt thì mua giá cao, còn thị trường không tốt thì mua giá rất thấp”.
Tại Hải Dương, tình trạng giá vải rớt thê thảm cũng đang diễn ra. Ông Đỗ Văn Thinh (Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương) cho biết: “Nếu như năm ngoái vào thời điểm chính vụ mỗi ký vải người dân bán được 12.000-18.000 đồng, năm nay giá chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg”.
Ghi nhận tại ngã ba chợ Thanh Xá chiều 18-6, dù đứng hơn ba giờ song hàng chục người dân chở theo vải xếp chất ngất trên xe đạp, xe máy vẫn không thể bán được hàng do chưa thỏa thuận được giá với các thương lái.
Ông Trần Tuấn Dinh - một thương lái từ Kim Thành, Hải Dương - phân trần: “Năm nay thị trường vải xuất sang Trung Quốc không được nhiều nên vải đẹp tôi chỉ có thể mua với giá 6.000 đồng/kg mới có lãi”.
Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có hơn 11.000ha trồng vải với năng suất đạt 50.000 tấn, chiếm khoảng 1/3 lượng vải của cả nước.
Còn theo ông Hoàng Minh Phượng - phó trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay vải thiều Lục Ngạn được mùa lớn, tính từ ngày 27-5 đến nay (18-6) toàn huyện đã xuất đi hơn 22.000 tấn vải và con số này sẽ lớn hơn nhiều vì đây mới chỉ là thời điểm đầu của vụ chính. “Lượng vải xuất sang Trung Quốc thời điểm này không nhiều. Số thương lái Trung Quốc sang mua tại đây khoảng 170 người, chiếm khoảng 20% thương lái thu mua vải.
Thương lái miền Nam ổn định hơn. Việc thu mua vải giải quyết thị trường vải của huyện đang được chúng tôi đẩy mạnh như phối hợp với Tổng công ty Chế biến rau củ quả (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) để giải quyết phần nào khó khăn của bà con” - ông cho biết.
Xuất vải sang Trung Quốc vẫn bình thường
Chiều 18-6 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Khánh Hòa - cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho biết tình hình xuất vải sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường. Thời điểm này không có xe hàng nào bị ách tắc, phải chờ đợi thông quan. Phía Trung Quốc vẫn mua hàng bình thường.
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, có gần 10.000 tấn vải được xuất qua cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, đạt tổng trị giá trên 1,5 triệu USD. Giá bán dao động từ 2.000-20.000 đồng/kg, không chênh lệch so với vụ 2013.
Còn theo thống kê của Cục Hải quan Lào Cai, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa xảy ra tình trạng ùn tắc hay ứ đọng vải quả. Đến thời điểm này đã có hơn 12.000 tấn vải quả tươi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trung bình mỗi ngày có trên 500 tấn vải qua cửa khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Giá gỗ nguyên liệu tăng từ 1,2 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng/tấn, người trồng rừng thu lãi cao. Đầu mùa mưa năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh Phú Yên đầu tư trồng rừng kinh tế.
Gần 3 tháng vừa qua, chị Phạm Thị Xuân Thủy (thôn K’Long C, xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã sản xuất và tiêu thụ hàng ngàn cây giống cà chua đen ghép cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng với giá bán mỗi cây khoảng 50.000 đồng.
Sáng 28/10, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và xây dựng giải pháp nhân rộng mô hình gấc lai đen.
Nhằm giúp người trồng rau màu có thu nhập ổn định và từng bước sản xuất theo yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp Đồng Tháp triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại nhiều huyện, thị.
Với những thành công đã đạt được, năm 2016, nông dân các huyện: Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên (An Giang) sẽ ký kết với Công ty TNHH Angimex Kitoku trồng 3.200 héc-ta lúa Nhật (các giống lúa: Hana, Akita, Kinu, DS1).