Nông Dân Đồng Tháp – An Giang Rủ Nhau Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng
Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân vùng Đồng Tháp, An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi loại thủy sản này vì lợi nhuận cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp, tính tới thời điểm hiện tại có gần 47 héc ta diện tích mặt nước ao nuôi tôm càng xanh, cá tra… được nông dân chuyển sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Ở tỉnh An Giang, mới đây nhiều hộ dân ở huyện Châu Phú, Châu Thành cũng đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích - theo điều tra ban đầu của ngành NN&PTNT- khoảng 1,5 héc ta.
Đây là một loại thủy sản nước lợ nhiều năm qua đã được ngành NN&PTNT các tỉnh khuyến cáo nuôi hạn chế tại các thủy vực ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây, một nông dân ở thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp vừa bán tôm với giá 149.000 đồng/ki lô gam cho loại tôm 70 con/ki lô gam, thu hoạch được chỉ sau khoảng 80 ngày nuôi. Với mức giá này, thu nhập từ nuôi tôm thẻ cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, nuôi tôm càng xanh, cá tra…
Nhờ lợi nhuận hấp dẫn như vậy, nuôi tôm thẻ đang phát triển thành phong trào giữa vùng lũ - nước ngọt quanh năm, như Đồng Tháp, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chuyên môn. Thực tế, để nuôi được tôm thẻ chân trắng giữa vùng nước ngọt, ngoài việc phải đầu tư ao nuôi, trang thiết bị như vùng mặn ven biển người nuôi còn phải đầu tư giếng khoan khai thác nước mặn từ tầng nước ngầm, điều chỉnh độ mặn phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cho biết toàn huyện hiện có khoảng 25 héc ta ao nuôi các loại đã được nông dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, trong số này phần lớn là các ao nuôi tôm càng xanh từ những năm trước.
Theo ông Hồng, đây là hình thức chuyển đổi tự phát và Tổng cục Thủy sản đã có văn bản khuyến cáo nông dân không nên nuôi bởi đây là vùng quy hoạch nuôi thủy sản nước ngọt, tôm thẻ là đối tượng nuôi hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh và chưa nằm trong danh sách các đối tượng được phép sản xuất kinh doanh.
Với sức hấp dẫn từ lợi nhuận so sánh trên cùng đơn vị diện tích giữa các đối tượng nuôi trồng, dự báo diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, bởi theo ghi nhận thực tế, một số vùng đất đang sản xuất lúa hiện được đầu tư vốn chuyển thành ao nuôi tôm thẻ.
Tại cuộc họp bàn về các biện pháp ngăn chặn phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng tại UBND tỉnh Đồng Tháp sáng ngày 1-4-2014, ngành tài nguyên môi trường cho rằng, nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp sẽ tác động xấu đến môi trường đất trồng lúa, chất lượng nguồn nước ngọt thiên nhiên và có nguy cơ gây ô nhiễm tầng nước ngầm rất cao…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh không khuyến khích việc nông dân chuyển đổi sang đầu tư nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt và sẽ có biện pháp nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm tầng mặn nhằm bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương vận động nông dân không đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng; còn đối với những diện tích đã thả giống nuôi hiện tại, nên kết thúc hoạt động nuôi ngay sau đợt thu hoạch tôm hiện đang nuôi.
Sở NN&PTNT An Giang cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương có vùng mặt nước nuôi tôm thẻ phải giám sát chặt diễn biến tôm đang nuôi, tổ chức đăng ký hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vào năm 2006 người chị của Thắng gợi ý anh nuôi ngựa bạch. Anh kể: “Tôi và chị mình sau nhiều ngày bàn bạc, đi tìm hiểu các trại ngựa khắp nơi. Khi đó tổng số ngựa bạch trên cả nước chỉ còn khoảng 400 - 500 cá thể. Ngựa được thịt ra nấu cao ngày một nhiều, còn người đi nhân giống lai tạo ngựa bạch khi đó hầu như không có”. Sau đó, Thắng đã quyết định bán hết gà, vịt cộng với tiền của chị mình để lập trang trại ngựa bạch.
Chi cục Thú y tỉnh An Giang phối hợp UBND xã Hội An (Chợ Mới) tổng kết kế hoạch “Xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp phù hợp trong chế biến phụ, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò thịt tại huyện Chợ Mới”.
Hiện nay, tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bước vào vụ thu hoạch, nhưng giá lại sụt giảm mạnh. Theo thông tin ban đầu là do công ty không thực hiện thu mua, mặc dù đã có làm việc và thỏa thuận giá với người dân...
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2013 người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 217 ngàn tấn thịt heo hơi, tăng hơn 40 ngàn tấn so với năm 2012.
Từ một nông dân lam lũ, ông Nguyễn Văn Nam (63 tuổi, ở thôn Ðông Bình, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã trở thành tỉ phú nhờ chăn nuôi giỏi, đạt hiệu quả cao. Năm 2013, ông Nam vinh dự được Trung ương Hội Nông dân trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.