Nông dân đồng loạt treo ao vì thua lỗ
Dịch bệnh, thua lỗ, nông dân gánh đủ
Ông Trần Hoàng Hùng (Năm Hùng), ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) có 10 ao tôm, diện tích mặt nước 3,5 ha. Năm trước ông nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại toàn bộ.
“Tháng 5/2015 tôi thả 2 ao tôm sú thấy thuận lợi nên vừa thả tiếp 6 ao tôm sú, nhưng cũng đang lo lắm. Nuôi tôm hiện nay cũng như “đèn treo trước gió”, vụt lên rồi tắt, vì tôm mới thả xong, lại chết hàng loạt, bà con trong ấp lại treo ao”- Ông Hùng thở dài.
Do người dân thả dè dặt, nên các đơn vị cấp giống cũng tiêu thụ rất chậm. Ông Quách Hớn Khoa, Giám đốc Cty CP Việt Úc - Bạc Liêu (doanh nghiệp sản xuất tôm giống hàng đầu cả nước) cho biết, kế hoạch năm 2015 sản xuất 8 tỷ con giống, nhưng hết tháng 5/2015 mới bán hơn 2 tỷ. Hai tháng gần đây, tiêu thụ tôm giống khá hơn, tuy nhiên, đến nay mới đạt gần 60% kế hoạch.
Bà Châu Thanh Hường, cán bộ Phòng Kế koạch - Tổng hợp (Sở NN&PTNT Bạc Liêu) cho hay, trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh nuôi tôm gần 123.500 ha, đạt gần 97% kế hoạch nhưng thiệt hại sau thả nuôi tới 30 - 70%. “Ước thiệt hại chung toàn tỉnh lên đến trên 23.000 ha tôm, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy, phân trắng, đốm trắng”- bà Hường cho biết.
“Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ, lẽ ra, giá bán cám cho người nuôi hạ theo. Nhưng cái khó là thức ăn do các DN nước ngoài nắm giữ, không kiểm soát nổi. Chưa kể, các DN nước ngoài thà đổ con giống, chứ họ không bán hạ giá”.
Ông Trần Văn Lĩnh
Theo ông Trần Tuấn Phong (Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng), do dịch bệnh phức tạp, nên đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi thiệt hại gần 8.700 ha, chiếm 24% tổng diện tích. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Mỹ Xuyên trên 4.350 ha, thị xã Vĩnh Châu 3.540 ha, huyện Trần Đề gần 640 ha, huyện Cù Lao Dung trên 70 ha...
Cùng thời điểm, trong khi nông dân nuôi tôm điêu đứng vì tôm bệnh chết thì người nuôi cá tra lại lâm cảnh bế tắc.
Ông Huỳnh Văn Thế nuôi cá tra lâu năm ở xã Ba Trinh (Kế Sách, Sóc Trăng), hiện đang nuôi 3 ha. Ông cho biết: Năm nay tình hình vẫn xấu. Giá cá nguyên liệu hiện khoảng 20.000 đồng/kg, dưới giá thành khoảng 1.000 đồng/kg. “Chắc phải kiếm nghề khác làm xem có nhàn được chút nào không, chứ nuôi cá tra chờ hoài giá không sáng lên” - Ông Thế nói.
“Ăn” qua khâu trung gian
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Hùng Vương cho biết: Tỷ lệ nuôi tôm sống ở Việt Nam chỉ dưới 50%, còn Ấn Độ nuôi đạt trên 70%. Giá thành thức ăn cho tôm của Việt Nam cũng cao hơn các nước đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…Vì thế, nhiều DN phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và một số nước khác để chế biến xuất khẩu.
Theo ông Minh, nông dân nuôi tôm ở Việt Nam hiện phải chịu quá nhiều khâu trung gian, từ đại lý cấp 1, cấp 2, thậm chí cấp 3, nên giá thành nuôi tôm cao. “Tại nhà máy, đại lý cấp 1 chỉ lấy khoảng 23.000 đồng/kg cám, nhưng khi đến tay nông dân đã tới 30.000 đồng/kg. Đây là một mức chênh lệch rất lớn mà nông dân phải gánh chịu.
Chưa kể các chi phí thức ăn hỗ trợ… cũng qua trung gian”- ông Minh nói. Ông Minh nhận định, từ nay đến hết năm 2015, thậm chí cả năm 2016, hàng nông, thủy sản đang rơi vào thời điểm đáy. Do vậy, năm 2015, mặt hàng tôm rất khó cạnh tranh, còn xuất khẩu cá tra cố chỉ giảm 5% so với năm ngoái (1,8 tỷ USD) là một thành công.
Lý giải sự tụt giảm mạnh của ngành tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, lâu nay, Việt Nam phát triển ngành tôm chỉ theo chiều rộng, nghĩa là tận dụng điều kiện tự nhiên, sức lao động rẻ.
Còn hiện con giống, thức ăn đều bị phụ thuộc, chi phối từ DN nước ngoài. “Quy hoạch vùng nuôi còn kém, khiến vẫn còn tình trạng nước xả ao anh này, chảy vào ao anh kia. Ngoài ra, vì không có bảo hiểm, nên người nuôi tôm phải tìm mọi cách để cứu vốn. Họ phải dùng kháng sinh, hoặc mọi giá phải bán được tôm”-ông Lĩnh nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, thị trường những tháng cuối năm rất khó đoán, do sự không ổn định chính trị ở một số khu vực và cuộc chiến về tỷ giá.
Về những tín hiệu ở thị trường Trung Quốc, ông Tuấn cho rằng: “Với thị trường này dù tăng trưởng, nhưng chúng tôi khuyến cáo, các DN không được xem đây thị trường chất lượng thấp, mà phải bắt đầu từ chất lượng cao. Bản thân người tiêu dùng Trung Quốc cũng không ưa hàng hóa chất lượng thấp và nếu chúng ta làm ngược lại, dần dần sẽ đánh mất thị trường”.
Cua biển trúng mùa, giá tụt mạnh
Theo Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) hiện nhiều hộ nuôi cua biển ở vùng ngập mặn ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa vụ cua, nhưng giá lại sụt giảm mạnh trong một tháng trở lại đây. Loại cua đực (2-3 con/kg) bình thường giá từ 200.000- 220.000 đồng/kg nay chỉ còn 100.000 đồng/kg; cua gạch son loại I (2- 3 con/kg) giá từ 400.000- 450.000 đồng/kg cũng giảm còn 200.000- 220.000 đồng/kg.
Thương lái cho biết, giá cua giảm mạnh là do các tỉnh như Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre…đổ xô theo phong trào nuôi cua, lúc thu hoạch tiêu thụ không kịp.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 115 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói vui: “Các em sinh viên hăng hái đo đếm, lấy khí… quý thầy”. Thật ra đó là khí thải môi trường của nhóm nghiên cứu do GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ đạo; khí thải chăn nuôi do GS.TS. Nguyễn Văn Thu theo dõi.
Theo một số người dân ở ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh: Vụ tôm năm 2014, lần đầu tiên ở cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh có một hộ dân ở thành phố Trà Vinh đến thuê đất để nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng.
Cục Chăn nuôi phối hợp với các tỉnh sẽ kết hợp với cơ quan công an, tiến hành điều tra, kiểm tra gắt gao chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đặc biệt là sử dụng chất cấm.
Sáu tháng đầu năm 2014, doanh thu của toàn Tổng công ty đạt trên 650 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 50 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,7 triệu đồng/tháng, cổ tức đạt 20%...