Nông Dân Đắk Song Canh Tác Cà Phê Theo Hướng Bền Vững

Những ngày giữa tháng 3, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình đang tưới nước đợt 3 cho 2 ha cà phê. Theo ông Tuất thì năm nay thời tiết có những biểu hiện là sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên ông chú trọng vào những biện pháp canh tác nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây.
Cụ thể, từ cuối năm ngoái ông đã đào thêm một cái ao để dự trữ nước cho cuối vụ. Các loại phân mà ông sử dụng cũng chú trọng vào việc thích hợp với mùa khô như nhanh tan, không bị bốc hơi. Đối với cách thức tưới thì ông không sử dụng vòi tưới đại trà như những năm trước mà đầu tư hệ thống tưới béc.
Ông Tuất cho biết: “Trước đây, dùng vòi tưới thì lượng nước bơm lên nhiều bị ngấm không kịp chảy tràn lan. Nước bơm lên nhiều vừa tốn tiền mua dầu, vừa gây ra tình trạng thiếu nước cho lần tưới sau. Nhưng hai năm nay, khi tưới béc thì lượng nước được phân bổ đều khắp vườn, do vòi cao nên tưới và rửa sạch lá, cành nên tạo thêm độ ẩm cho vườn cây, đồng thời giúp cho việc phòng, chống tốt các loại dịch bệnh thông thường”.
Được biết, hàng năm, với 2 ha, gia đình ông Tuất thu về hơn 10 tấn nhân, nếu tính giá bán hiện nay, khoảng 38.000 đồng/kg, ông thu về 380 triệu, trừ đi khoảng 100 triệu chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc cũng có lãi 280 triệu đồng.
Tương tự, theo chị Vũ Thị Vỹ ở thôn Tân Bình 1, xã Đắk Hòa thì qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, biết rằng năm nay thời tiết sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên người dân đã chú trọng đến việc phối hợp đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý với các hộ xung quanh.
Cụ thể, tùy vào điều kiện khô hạn ở mỗi vườn cà phê, vườn của hộ nào cần phải tưới hơn thì bố trí tưới trước, vườn nào chưa đến mức phải tưới thì tưới sau. Nhờ sự luân phiên trong việc tưới mà 3 năm nay, dù nhiều nơi thiếu nước để tưới nhưng cà phê của bà con trong thôn không bị ảnh hưởng do hạn hán.
Theo ông Lê Trọng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa thì điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã cũng có những bất lợi cho sự phát triển của cây cà phê. Do đó, để người dân phát triển cà phê đạt hiệu quả và theo hướng bền vững, xã luôn chú trọng vào việc tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân triển khai các biện pháp canh tác khoa học.
Trong đó, xã đã vận động người dân che bóng, chắn gió, tưới nước tiết kiệm, sử dụng cân đối các loại phân bón làm cho đất đai luôn màu mỡ… Hiện nay, xã Đắk Hòa cũng đã có 130 hộ dân đăng ký sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C của quốc tế.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song thì diện tích cà phê của toàn huyện hiện đã đạt “mức ngưỡng” là hơn 25.000 ha. Do đó, chủ trương của huyện là không để nhân dân mở rộng diện tích mà chú trọng vào việc tái canh, cải tạo, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào vườn cây nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và lâu dài.
Thực hiện nhiệm vụ của mình, ngành cũng đang đẩy mạnh việc triển khai cho nhân dân tái canh khoảng 200 ha cà phê già cỗi, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp uy tín, các nhà khoa học để xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình về trồng cà phê bền vững cho bà con học tập, nhân rộng.
Trong đó, huyện tập trung giúp người dân nắm vững và áp dụng được việc tạo sinh thái vườn cây, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai, nước ngầm, nước mặt…
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.

Trong 2 năm 2013-2014, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) có 56 nông dân duy trì trồng màu chuyên canh, 17 nông dân lập vườn trồng cây ăn trái và kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch. Xã hiện có 6 mô hình sản xuất- kinh doanh nông thôn, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề làm ăn trên đất cù lao.

Chúng tôi về Ninh Thọ, TX Ninh Hòa những ngày này, khi các cánh đồng lúa 1 vụ và những vùng đất chân cao nông dân trồng ớt đã bước vào mùa thu hoạch rộ. Không khí thu hoạch ớt trên ruộng rất khẩn trương, cứ 3 - 4 ngày nông dân lại hái ớt bán cho các vựa.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), người dân trồng gừng Tết năm nay trúng mùa, được giá. Toàn huyện có gần 200 ha gừng Tết, được trồng ở các xã: Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và Tân Thuận Bình.

Sau nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô, đến nay gia đình anh Thảo đã có trại nấm mèo, bào ngư gần 100 bịch. Anh Thảo cho biết: Trồng nấm dễ, không mất nhiều thời gian, công sức nhưng để duy trì nghề này thì phải biết kỹ thuật, kinh nghiệm và kiên trì, chịu khó.