Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Đắk Lắk Đau Đầu Vì Nạn Trộm Cắp Cà Phê

Nông Dân Đắk Lắk Đau Đầu Vì Nạn Trộm Cắp Cà Phê
Ngày đăng: 04/11/2014

Người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị bước vào vụ mùa cà phê mới. Bên cạnh việc tất bật tìm nhân công thu hái, bảo vệ vườn cây, nhiều hộ dân còn “đau đầu” với nạn hái trộm cà phê đang diễn ra từng ngày với thủ đoạn rất liều lĩnh, manh động.

Trộm bẻ cành, tuốt sạch...

Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê Việt Nam, năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với đó là việc đầu tư chăm sóc thâm canh tốt, nên sản lượng có khả năng đạt trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân (tăng trên 60.000 tấn so với niên vụ trước). Tại Dak Lak - vùng trọng điểm cà phê của cả nước, với diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng 190.208 ha, dự kiến niên vụ này năng suất đạt 24,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 462.433 tấn cà phê nhân (tăng trên 30.000 tấn so với năm 2013).

Ngay thời điểm đầu vụ mùa 2014, giá cà phê nhân trên thị trường dao động trên dưới 40.000 đồng/kg, giá cà phê tươi sau khi hái bán khoảng 7 nghìn đến 8 nghìn đồng/kg... Với mức giá “hấp dẫn” như vậy, nhiều hộ trồng cà phê đã thực hiện các biện pháp khác nhau để bảo vệ vườn cây như: thuê người trông coi, dựng trại trong vườn, kéo điện thắp sáng suốt đêm để canh gác...

Tuy nhiên, tại một số vùng trọng điểm cà phê của tỉnh như: thị xã Buôn Hồ, các huyện: Cư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, Cư Kuin... thì nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên, đối tượng hoạt động rất liều lĩnh, manh động.

Theo báo cáo mới nhất của lực lượng chức năng, chỉ riêng trong tháng 10-2014, trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã xảy ra hàng chục vụ hái trộm cà phê, với hàng trăm cây cà phê bị tuốt sạch quả.

Thậm chí, kẻ trộm còn cắt bẻ cả cành cà phê chở đi nơi khác tuốt quả, gây thiệt hại lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vườn cây. Đơn cử như vườn cà phê 3 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), mới đây đã bị kẻ gian “viếng thăm”. “Gia đình tôi có hơn 1,4 ha cà phê trồng năm thứ 3, đang chuẩn bị thu hoạch.

Với những cây cà phê trĩu quả, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, tuy nhiên chưa kịp mừng đã vội lo khi ngày 20-10 vừa qua, chỉ sau 1 đêm, vườn cây đã bị kẻ trộm bẻ cành, tuốt quả gần 20 cây, gây thiệt hại gần 1,5 tạ cà phê tươi. Để có vườn cà phê này, vợ chồng tôi phải dày công chăm sóc và đầu tư tiền bạc, thế nhưng gần đến vụ thu hoạch, lại bị kẻ gian hái trộm.” - ông Ngọ buồn rầu cho biết.

Tương tự, các hộ ông Nguyễn Cảnh Phượng, Nguyễn Xuân Ngọc... (cùng trú thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cũng bị kẻ trộm “cuỗm quả” hàng chục cây. Điều đáng nói là kẻ gian chỉ chọn những cây sai quả, chín đều rồi bẻ cả cành mang đi nơi khác.

“Mới thăm vườn cây hôm trước, sáng ra vườn cà phê đã tan nát, cành lá gãy đổ xác xơ, trái rụng đầy gốc, ai mà chẳng xót. Việc mất cà phê, mất của đã đành nhưng nhìn vườn cây bị tàn phá thế này sẽ gây mất mát gấp bội phần”, anh Nguyễn Xuân Ngọc chua xót kể lại.

Không chỉ ở các huyện vùng xa mà ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nông dân làm cà phê cũng rất lo lắng cho vườn cây của mình khi kẻ trộm ngang nhiên vào vườn hái cà phê mang đi. Bà H’Num Ênuôl (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Đã hơn 1 tuần nay vườn cà phê gia đình tôi bắt đầu chín rộ, sau khi đi thăm rẫy thì tôi phát hiện nhiều cây bị hái trộm khiến gia đình tôi rất lo lắng…”.

Vất vả chuyện trông giữ

Theo phản ánh của người dân, thủ đoạn của kẻ gian là lợi dụng đêm tối hoặc những lúc vắng người, vườn cây rậm rạp để đột nhập hái trộm cà phê. Trộm thường chọn những vườn cà phê mới trồng (còn gọi là cà phê tơ) để hái, bởi loại cây này cành thẳng, quả to, chín đều, chỉ cần luồn tay tuốt vào bao là xong.

Để bắt quả tang trộm rất khó vì chúng không đi đơn lẻ mà thường đi theo từng nhóm từ 3 - 4 người, thậm chí có nhóm lên đến 10 người. Khi vào rẫy chúng sẽ cắt cử người đứng ngoài canh chừng, nếu thấy động sẽ gọi điện thoại báo ngay cho đồng bọn rút.

Nếu chẳng may bị truy đuổi, chúng sẵn sàng chống đối một cách liều lĩnh, trong khi đó, vườn cà phê chủ yếu ở nơi vắng vẻ, cách xa khu dân cư nên người dân rất khó để bảo vệ tài sản của mình. Từ tâm lý hoang mang, bức xúc ấy, không ít bà con đành phải thu hái cà phê xanh để tránh bị trộm cắp, dẫu biết rằng điều này sẽ làm cho chất lượng hạt cà phê giảm sút.

Người dân cũng phản ánh, những năm trước đây, có một số trường hợp khi bà con bắt được kẻ trộm, báo lên chính quyền địa phương nhưng những đối tượng này chỉ bị phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe, còn người dân mất trộm chẳng được bồi thường.

Bởi vậy, khi mất trộm nhiều hộ cũng không muốn báo lên chính quyền địa phương. Nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mình, người dân tự động viên nhau và tự thành lập các nhóm nông hộ có vườn, rẫy gần nhau, hằng đêm cứ khoảng 22 giờ bắt đầu tổ chức đi trông rẫy.

Nhiều hộ có rẫy ở xa, đành làm chòi trông coi và cuộc sống gia đình cũng có chút xáo trộn khi phải ngủ ngày thức đêm. Thậm chí có những nhà còn mang cả xoong nồi vào rẫy nấu nướng, ăn uống để trông coi cà phê. Có nhiều nhà “neo người” phải thuê người đi canh giữ với giá mỗi đêm 100 nghìn đồng...

Trao đổi với chúng tôi về nạn trộm cà phê đang diễn ra tại địa phương, anh Nguyễn Hùng Vỹ, Phó trưởng Công an xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) cho biết: “Gần 1 tháng nay, Công an xã đã tiếp nhận hàng trăm vụ trình báo của người dân về việc mất trộm cà phê. Sau khi nhận được tin báo của người dân, Công an xã đều triển khai lực lượng xuống ghi nhận hiện trường và cùng với người dân tìm cách khắc phục.

Tuy nhiên, do các vụ trộm thường diễn ra ở những địa điểm xa vắng, ít người qua lại hoặc vụ việc diễn ra cách 2 - 3 ngày người dân mới phát hiện và báo cơ quan chức năng nên việc xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Công an xã đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên thăm rẫy, nếu thấy có người lạ đến thì cần theo dõi và báo với lực lượng công an gần nhất để kịp thời giải quyết...”.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Con Ong Về Tràm Mùa Con Ong Về Tràm

Tháng 4, khi những cơn mưa rào xuất hiện, rừng tràm nhuốm một màu xanh sáng của lá non. Những nách lá non ấy, hàng ngày tiết ra bao nhiêu giọt mật ngọt sóng sánh. Thời điểm này, những người làm nghề nuôi ong dạo bắt đầu chở ong về những cánh rừng tràm, chắt lọc nguồn mật ong quý do thiên nhiên ban tặng…

30/06/2014
Đối Thoại Với Doanh Nghiệp Thu Mua Dừa Trái Đối Thoại Với Doanh Nghiệp Thu Mua Dừa Trái

Ngày 6-6-2014, Hiệp hội dừa Bến Tre phối hợp với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, UBND xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) tổ chức buổi đối thoại giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua dừa trái. Có gần 50 nông hộ trồng dừa trên địa bàn xã Hương Mỹ tham dự.

12/06/2014
Từ Đầu Năm Đến Nay Ngư Dân Bà Rịa - Vũng Tàu Khai Thác 145 Nghìn Tấn Thủy Sản Từ Đầu Năm Đến Nay Ngư Dân Bà Rịa - Vũng Tàu Khai Thác 145 Nghìn Tấn Thủy Sản

Cũng trong 5 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã tổ chức 8 lớp tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật ngành thủy sản, quy chế chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu cho 468 thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn tỉnh; thành lập 75 tổ đội đoàn kết trên biển với 441 tàu cá với tổng số 503 thành viên.

12/06/2014
Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống

Những năm qua, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh Thái Bình, hơn 30 hộ nông dân xã Độc Lập (Hưng Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, hoang hóa, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Phát huy những lợi thế đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

01/07/2014
Mong Muốn Của Những Người Nuôi Cá Bớp Mong Muốn Của Những Người Nuôi Cá Bớp

Khoảng năm 2010, phường Mũi Né phát hiện có một người ở Đức Thắng thả bè nuôi cá bớp, UBND phường mời lên thông báo cho họ biết khu vực này không quy hoạch để nuôi cá, sau đó người này đã dẹp.

12/06/2014