Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn

Nông Dân Bị Chiếm Dụng Vốn
Ngày đăng: 09/09/2013

Đến thời điểm hiện tại, ngành cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước khi duy trì được mức tăng ổn định. Tuy nhiên, do có quá nhiều đầu mối xuất khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng thừa, hàng hóa tồn kho, sản xuất cầm chừng, các doanh nghiệp đã phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến nông dân gánh chịu mọi thiệt thòi.

Nông dân nuôi cá tra đang thua lỗ nặng.

Thua trắng

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, TP Cần Thơ bức xúc: Nông dân nuôi cá đang chịu thiệt thòi nhiều nhất. Chúng tôi bán cá tra “chịu” cho doanh nghiệp, chỉ cầm trong tay tờ mua bán không có giá trị pháp lý gì. Có những doanh nghiệp nợ tiền cá của nông dân cả năm trời chưa trả. Đây là hình thức chiếm dụng vốn có tính toán, nông dân còng lưng nuôi cá trả lãi ngân hàng thay cho doanh nghiệp. “Lần này, chúng tôi lấy được tiền nợ của doanh nghiệp, đem trả nợ ngân hàng rồi “chạy” luôn, không nuôi cá nữa…”, ông Hải kiên quyết.

Mấy năm trước, nhiều doanh nghiệp kết hợp với HTX cung ứng cá tra nguyên liệu, thậm chí nuôi gia công, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Nhưng giờ đây, phần lớn các doanh nghiệp đã xây dựng vùng nuôi nên không còn duy trì mối làm ăn nữa. Rõ ràng nông dân nuôi cá ngày càng bị chính các doanh nghiệp đẩy khỏi cuộc chơi.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trực tiếp đến thăm HTX thủy sản Thới An. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Ngọc Hải thẳng thắn kiến nghị nên khoanh nợ vay cho nông dân nuôi cá tra, đồng thời, có chế tài buộc các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu phải thanh toán tiền mua cá cho nông dân theo hợp đồng, chấm dứt việc chiếm dụng vốn.

Ông Trần Văn Hùng, người nuôi cá ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp phản ánh: “Quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã làm xáo trộn cả ngành cá tra vốn một thời thịnh vượng. Dường như sau những cuộc họp bàn giải quyết khó khăn cho cá tra là rộ lên thông tin giá cá tra tăng, ngành sản xuất cá tra đang có lời, để “dụ dỗ” nông dân ồ ạt nuôi, rồi “ngậm đắng”. Lần này chúng tôi không còn tin nữa, ai nói tăng thì mặc kệ”.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, có sự không công bằng cho nông dân khi họ nuôi cá thì phải chịu thuế VAT, trong khi doanh nghiệp nuôi cá lại không phải đóng khoản thuế này. Ông Quốc đề nghị nên bỏ khoản thuế này đối với nông dân, nếu không, doanh nghiệp cũng phải đóng thì mới công bằng.

Trong khi đó, từ đầu năm 2013 đến nay, giá cá nguyên liệu luôn dao động dưới giá thành sản xuất, dẫn đến người nuôi lỗ lã liên tục. Giá cá nguyên liệu trung bình chỉ từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, có lúc xuống còn 19.000 -19.500 đồng/kg. Với giá này, nông dân nuôi cá tra đang lỗ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Vai trò ban chỉ đạo mờ nhạt

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, nhìn nhận: “Giá cá xuất khẩu đang giảm mạnh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do có quá nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, phá giá. Đặc biệt, trong số 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hiện nay, có khoảng 90 đơn vị không có nhà máy chế biến. Những doanh nghiệp này là tác nhân chính của việc bán giá thấp, dưới 2 USD/kg. Trong số trên dưới 20 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ 7 tháng đầu năm 2013, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Tâm An xuất giá cao nhất, gần 8 USD/kg, còn doanh nghiệp xuất giá thấp nhất chỉ 1,44 USD/kg. Sắp tới, nghị định về nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu cần xem cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, quy định chỉ cấp phép xuất khẩu cho những doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi”.

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) Nguyễn Văn Kịch, chúng ta đang thừa sản lượng cá tra từ mấy năm qua, vì thế không quyết định được giá bán sản phẩm. Để vực dậy ngành cá tra, chúng ta cần kiểm soát được cung - cầu, chất lượng đầu ra, đầu vào; đặc biệt là các đầu mối xuất khẩu.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành cá tra kéo dài, nhiều ý kiến bức xúc về vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL còn quá mờ nhạt. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng: “Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, nhưng qua nhiều năm hoạt động, Ban này lại không giải quyết được vấn đề gì cho ngành cá tra cả. Tôi mong sớm giải tán ban này”.

Các doanh nghiệp và người nuôi cá mong muốn sớm ban hành nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, vì dự thảo đã có nhiều năm rồi những vẫn chưa đi đến thống nhất. Ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: Một trong những nhiệm vụ quan trọng là sớm đưa ra nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, để ngành cá tra đi đúng hướng. Tiếp theo cần phải rà soát quy hoạch nuôi cá tra cho vùng ĐBSCL.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo, Hiệp hội Thủy sản, các địa phương có điều kiện nuôi cá cần ngồi lại bàn cụ thể về vấn đề quy hoạch vùng nuôi cá tra. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mối liên kết chuỗi từ nuôi cá đến chế biến, xuất khẩu một cách chặt chẽ, đảm bảo ổn định đời sống người nuôi cá”.

Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh: "Trong số 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hiện nay, có khoảng 90 đơn vị không có nhà máy chế biến. Những doanh nghiệp này là tác nhân chính của việc bán giá thấp, dưới 2 USD/kg. Trong số trên dưới 20 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ 7 tháng đầu năm 2013, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Tâm An xuất giá cao nhất, gần 8 USD/kg, còn doanh nghiệp xuất giá thấp nhất chỉ 1,44 USD/kg"


Có thể bạn quan tâm

Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

28/07/2015
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên

Với những ưu điểm nổi bật như phòng tránh dịch bệnh, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí đầu vào, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất trồng trọt… đệm lót sinh học (ĐLSH) đang được nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sử dụng.

28/07/2015
Mô hình nuôi heo khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao Mô hình nuôi heo khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nằm tách biệt với khu dân cư, cách trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) khoảng 2km về phía tây, trang trại nuôi heo khép kín với diện tích hơn 2.000m2 của ông Đoàn Đắc Đức (trú tại thôn 3, xã Ea Kao) lọt thỏm trong khu rừng do ông nhận quản lý, bảo vệ.

28/07/2015
Làm giàu từ nuôi gia cầm bằng công nghệ mới Làm giàu từ nuôi gia cầm bằng công nghệ mới

Về thôn Suối Giếng (xã Công Hải, Thuận Bắc, Ninh Thuận), nói đến trang trại gà của anh Vũ Yên Sơn, ai cũng tấm tắc khen ngợi về quy mô, sự đầu tư cũng như cách nuôi gà của chủ gia trại này. Nhờ áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi mà trang trại của anh luôn hạn chế thấp nhất những rủi ro về dịch bệnh.

28/07/2015
Bảo Yên (Lào Cai) xây dựng 30 mô hình nuôi gà Đông Tảo tại Cam Cọn Bảo Yên (Lào Cai) xây dựng 30 mô hình nuôi gà Đông Tảo tại Cam Cọn

Bình quân mỗi lứa nuôi (100 con/3,5 tháng), hộ chăn nuôi thu lãi từ 13 – 14 triệu đồng. Thực hiện dự án “Hỗ trợ chăn nuôi gà Đông Tảo giai đoạn 2015 – 2016”, huyện Bảo Yên (Lào Cai) triển khai xây dựng 30 mô hình nuôi gà Đông Tảo (50 con/mô hình) với 30 hộ của xã Cam Cọn tham gia. Đây là những hộ có kiến thức, kinh nghiệm và đủ điều kiện đầu tư chăn nuôi.

28/07/2015