Nông Dân Bạc Liêu Điêu Đứng Vì Tôm Thẻ Chân Trắng
Mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo không nên nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ngoài quy hoạch, nhưng không ít nông dân vẫn bất chấp lời cảnh báo này. Hệ lụy là người nuôi tiếp tục bị đẩy vào cảnh khốn khó khi giá TTCT tuột xuống chỉ còn hơn 100.000 đồng/kg và nạn TTCT chết còn cao hơn con tôm sú.
Đổ tiền tỷ vì chờ giá
Bước sang tháng 4/2014 ở Bạc Liêu, giá TTCT liên tiếp sụt giảm, hiện xuống thấp gần như kỷ lục. Giá TTCT loại từ 60 - 70 con/kg chỉ còn 80.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi tôm chỉ có lỗ và giải pháp duy nhất là phải nằm chờ giá.
Ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A, nhiều ao nuôi TTCT đã quá lứa gần cả tháng, nhưng tôm vẫn phải nằm chờ giá. Khổ nỗi, do sức ăn mạnh bạo của TTCT, nên cứ sáng mở mắt ra là nông dân phải tốn hàng chục triệu đồng thức ăn cho tôm. Nếu không, TTCT ăn thịt nhau hoặc sẽ chết vì bị bỏ đói.
Anh Hà Văn Út (ấp Vinh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) nói: “Năm nay là năm đầu tiên tôi nuôi thử nghiệm con TTCT. Tôm nuôi đã đạt 50 con/kg, nhưng thương lái chỉ mua với giá 150.000 đồng/kg. Giá quá thấp nên chưa bán được, đành phải nuôi tiếp để chờ giá tôm lên. Nuôi TTCT chi phí đầu tư gần gấp đôi nuôi con tôm sú. Đó là chưa kể tiền thuốc thú y thủy sản trong phòng chống bệnh cho tôm. Riêng các ao nuôi TTCT để chờ giá, mỗi ngày phải tốn tiền thức ăn hơn 10 triệu đồng”. Không riêng gì anh Út, mà nhiều hộ nuôi TTCT hiện nay chỉ biết… khóc, vì tiền thức ăn, thuốc thú y cứ phải đổ vào các đầm tôm.
Với diện tích nuôi TTCT gần 2.780ha như hiện nay, lượng thức ăn lãng phí cho con tôm quá lứa đã lên đến con số hàng tỷ đồng. Phải chăng, đây là hậu quả của một cuộc chạy đua sản xuất theo phong trào mà lợi nhuận, sự phát triển bền vững gần như bị phớt lờ.
ĐIÊU ĐỨNG VÌ... TTCT
Một trong những vấn đề đáng lo ngại là con TTCT ngày càng lấn sâu vào vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, đặc biệt là đang lấn dần con tôm sú chủ lực ở vùng chuyên tôm quảng canh.
Ông Phạm Văn Lâm (ấp 19A, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai) nói với chúng tôi: “TTCT có thời gian sinh trưởng ngắn, nuôi khoảng 2 tháng thì thu hoạch. Trong khi nuôi con tôm sú thì phải mất từ 3 - 4 tháng. Vả lại, bệnh của con tôm sú và TTCT cũng như nhau. Do ai cũng thả nuôi TTCT nên mình cũng nuôi. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến việc nuôi TTCT tràn lan là do nhiều nông dân cho rằng nuôi con TTCT ít thiệt hại hơn con tôm sú”.
Trên thực tế, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào để khẳng định việc nuôi con TTCT ít thiệt hại hơn con tôm sú. Song, việc TTCT bị thiệt hại nhiều hơn con tôm sú đã được chứng minh. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong hơn 500ha tôm nuôi thâm canh - bán thâm canh bị thiệt hại từ đầu năm đến nay, diện tích tôm sú bị thiệt hại là 160ha, còn diện tích TTCT bị thiệt hại chiếm hơn 340ha. Qua đó cho thấy, quan niệm con TTCT “khỏe” hơn con sú hoàn hoàn không có căn cứ. Ngược lại, nuôi TTCT chỉ làm cho người nông dân phải trắng tay vì nợ nần.
Ông Quách Thanh Lình (hộ nuôi TTCT ở ấp 19A, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai) nói: “Nông dân ở đây nuôi tôm quảng canh là chính. Từ đầu năm đến nay, bà con thả nuôi TTCT nhiều lắm, nhưng cứ 100 người thả thì có 80 người gặp rủi ro. Riêng tôi, đợt rồi thả 100.000 con giống TTCT, tôm nuôi hơn 1 tháng thì chết, thiệt hại hơn 10 triệu đồng tiền giống. Giờ đây, tôi đã thả tôm nuôi đợt tiếp theo, nhưng không nuôi TTCT nữa vì rủi ro cao quá”.
Nhiều địa phương đã thực hiện biện pháp kiểm soát diện tích nuôi TTCT. Ông Nguyễn Duy Hân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, cho biết: “Ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân hạn chế nuôi TTCT vì tốn nhiều tiền đầu tư và nguy cơ rủi ro rất cao; giá bán cũng rẻ hơn tôm sú… Bên cạnh đó, ở con TTCT còn nguy cơ phát sinh bệnh Taura. Loại bệnh này không có trên tôm sú, và đến nay các nhà khoa học đang tìm thuốc điều trị. Huyện đang tuyên truyền, vận động bà con hạn chế nuôi TTCT và cố gắng kiểm soát diện tích nuôi, không để vượt quá 1.300ha”.
Với thực trạng hiện nay, ngành quản lý và các địa phương phải vào cuộc với một tinh thần khẩn trương thay vì để nông dân tự phát rồi “ôm nợ” bởi con TTCT. Ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân thay thế bằng vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Nuôi tôm thẻ chân trắng rủi ro rất cao
Theo kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2014, Bạc Liêu sẽ phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 16.000ha. Trong đó, cơ cấu nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) chỉ chiếm 30% so với tôm sú. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2014, diện tích nuôi TTCT đã chiếm hơn 60% cơ cấu nuôi trồng, tập trung ở huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu.
Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân chỉ nên nuôi TTCT theo mô hình thâm canh - bán thâm canh trong điều kiện hạ tầng được đầu tư đồng bộ như: được đầu tư lưới điện, hệ thống cấp, thoát nước hoàn chỉnh và nông dân phải có nhiều vốn. Nếu không, việc nuôi TTCT sẽ khó mang lại hiệu quả vì chi phí đầu tư rất cao. Mặt khác, qua kiểm tra thực tế, nuôi TTCT rủi ro rất cao, vì diện tích tôm nuôi thiệt hại từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung trên con TTCT.
Việc quản lý nông dân nuôi TTCT hiện nay rất khó. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nông dân nuôi tôm đúng quy hoạch, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức tự bảo vệ môi trường của nông dân. Nông dân cần lựa chọn mô hình nuôi bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đất của mình.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ xuống giống đồng loạt và thường xuyên thăm đồng nên trên diện tích này thiệt hại do rầy nâu và sâu bệnh khác gây ra không đáng kể. Với trà lúa trên, nhiều nông dân địa phương cho biết nếu từ đây đến thu hoạch không xảy ra thiên tai, sâu bệnh bất thường thì năng suất bình quân không dưới 7,5 tấn/ha, kể cả giống lúa Jasmine 85.
Tại hội thảo, nông dân đã trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất với các hộ trong mô hình, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười về kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ của giống lúa ĐTM 126 để yên tâm ứng dụng và sản xuất loại giống triển vọng này trong những vụ tiếp theo.
Trong những ngày gần đây, nhiệt độ trung bình trên địa bàn thành phố ở mức 13 - 15 độ C. Dự báo, những ngày tới, nhiệt độ có thể xuống thấp hơn và trong tháng 1 sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nông dân Hải Phòng đang chủ động sản xuất, ứng phó với rét đậm, rét hại.
Xóm Thái Bình của thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn (Gia Bình - Bắc Ninh) có 287 hộ gia đình sinh sống thì 100% số hộ đều có diện tích trồng lá dong. Hàng năm ngoài trồng lúa, việc trồng và bán lá Dong cũng giúp cho các hộ dân trong xóm có một nguồn thu nhập đáng kể.
Ngày 7/1, nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cho biết, thương lái đang thu mua khoai tây ở vườn với giá là 11.000đ/kg, ở giá này người trồng thu về khoảng 100 triệu đồng/ha tiền lãi sau hơn 3 tháng gieo trồng.