Một Con Bò Sữa Hơn Cả Hecta Lúa
Huyện Lâm Hà nằm kế cận trung tâm chăn nuôi bò sữa của tỉnh là Đơn Dương. Ấy nhưng, suốt vài chục năm qua, khi nông dân ở “trung tâm bò sữa” - Đơn Dương ăn nên làm ra trông thấy từ con vật nuôi này, thì Lâm Hà xem ra vẫn... bình chân như vại trước một cơ hội làm giàu từ con bò sữa.
Công bằng mà nói thì cũng khó trách người dân Lâm Hà khi không đặt niềm tin quá lớn vào con vật nuôi bò sữa, vì với họ còn có nhiều sự lựa chọn khác có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động nghề nông.
Ví như đó là sự lựa chọn cây cà phê với doanh thu từ 200 triệu đến 300 triệu đồng mỗi năm trên mỗi hecta chẳng hạn; hoặc đó còn là cây mắc ca cho doanh thu một hecta từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm; rồi thì, hấp dẫn hơn là nuôi cá nước lạnh một hecta mặt nước mỗi năm mang lại từ 3 - 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, một con bò sữa tính bình quân mỗi năm “sáng giá” nhất cũng chỉ đưa về cho nông dân trên dưới 80 triệu đồng. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác hơn, có thể khẳng định không phải bất kỳ ai làm nông ở huyện Lâm Hà cũng đều có cơ hội lựa chọn những thứ ngoài con bò sữa với thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng như vừa nêu.
Hơn thế, ở Lâm Hà có không nhỏ một bộ phận nhà nông chỉ sống nhờ vào cây lúa nước với thu nhập mỗi năm không quá 80 triệu đồng (3 vụ lúa/năm/ha). Như vậy, việc đầu tắt mặt tối quanh năm trên đồng ruộng để đổi lấy không đến trăm triệu đồng cho 3 vụ lúa chắc chắn là cực hơn nhiều so với nuôi một con bò sữa để mỗi ngày thu từ 20 - 22 lít sữa (giá mỗi lít hiện nay dao động từ 14.000 - 15.000 đồng). Tính ra, một con bò sữa hơn cả hecta lúa.
Cũng cần nói thêm, chương trình phát triển đàn bò sữa của huyện Lâm Hà tuy mãi đến năm 2013 mới được đặt ra, nhưng mục tiêu của nó là hoàn toàn không nhỏ - đến năm 2020, sẽ có tổng đàn trên 1.000 con. Chính quyền huyện Lâm Hà còn đưa ra chính sách khuyến khích: Hộ nào nằm trong chương trình phát triển đàn bò sữa của huyện thì sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng trên đầu một con giống.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là đến nay, sau gần 2 năm triển khai chương trình, toàn huyện Lâm Hà cũng chỉ mới dừng lại ở con số trên dưới 100 con bò sữa tổng đàn. Trong khi đó, cũng xin lưu ý rằng, lộ trình mà huyện đặt ra là đến năm 2015, cả huyện có khoảng 500 con để đến năm 2020, con số này là trên 1.000 con.
Kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, điều kiện tự nhiên của Lâm Hà là khá thuận lợi cho việc chăn nuôi bò sữa. Như vậy, cũng như Đơn Dương, với Lâm Hà, câu nói “Một con bò sữa hơn cả hecta lúa” vẫn đúng! Vấn đề lúc này là làm thế nào để chương trình phát triển đàn bò sữa của huyện được đẩy nhanh tiến độ hơn!
Có thể bạn quan tâm
Theo kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng IV, nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt thời gian qua của các hộ nuôi lồng bè trên sông Trà Khúc ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) là do vi khuẩn gây bệnh đóm đỏ và hội chứng lở loét Aeromonas Sobria.
Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy ngày qua bất ngờ giảm mạnh trong khi xuất khẩu mặt hàng này ở những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.
Năm 2013 xuất khẩu (XK) tôm chân trắng đạt gần 1,58 tỉ USD, tăng 113% so với năm 2012 và chiếm 50,7% tổng giá trị XK tôm.
Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”.
Từ khi thương lái Trung Quốc (TQ) nhúng tay vào thị trường Việt Nam, trong đó có mặt hàng hải sản, khiến thị trường này biến động và đã có không ít người dân Việt phải ăn “trái đắng” vì những mánh khóe kinh doanh của thương lái ngoại.