Nông Dân Ăn Tết Không Quên Ruộng Đồng
Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Để có một vụ mùa bội thu cả về năng suất, sản lượng, chất lượng hạt lúa, vui xuân, đón Tết nông dân cũng cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình dịch bệnh hại lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và thất thường như hiện nay.
Đứng trên bờ đê, nông dân Bùi Văn Suông (ấp An Khương, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) bộc bạch: “Vụ đông xuân này tôi trồng 40 công lúa IR 50404, nay đã 40 ngày tuổi, còn nửa tháng trổ bông. Năm nay thời tiết lạnh quá, lúa làm không liền canh nữa nên tôi đi thăm lúa mỗi ngày. Một mặt thường xuyên theo dõi dự báo sâu bệnh của ngành nông nghiệp, nghe thông tin trên báo, đài để phòng trị kịp thời. Trời lạnh dễ bị vàng lá, đốm vằn, đạo ôn lá, nếu ruộng nào bón dư đạm dễ bị sâu cuốn lá...
Nông dân Nguyễn Văn Cường (ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) chia sẻ: “Nghỉ Tết, dù không rải phân, xịt thuốc nhưng cũng phải thăm đồng, bây giờ chứ không phải như hồi xưa ăn Tết cả tháng. Vui chơi Tết chỉ 2-3 ngày lại ra đồng rồi, có đi đâu xa dài ngày cũng không yên tâm...”. Nông dân Nguyễn Văn Bảy (xã Long Kiến) cười khà: ““Ăn bữa giổ lỗ bữa cày”, thời tiết lạnh vầy mà bỏ ruộng nguy cơ mất trắng cao lắm, nông dân vui buồn sướng khổ nhờ cây lúa mà...”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chợ Mới Trần Thị Yến Châu cho biết: “Tết Nguyên đán là thời điểm gây hại cao điểm nhất của các đối tượng dịch hại, nhất là rầy nâu và bệnh đạo ôn. UBND xã, thị trấn, cùng nông dân cần quan tâm thăm đồng trước, trong và sau Tết để phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại, bảo vệ tốt năng suất lúa.
Để người dân ăn Tết không quên ruộng đồng, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân cách chăm sóc và cảnh báo kịp thời phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật; thông báo kịp thời các đối tượng sâu bệnh mới phát sinh, các biện pháp phòng, chống hiệu quả; tích cực đôn đốc người dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra thật kỹ ruộng lúa; phân công cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng để có thể nắm chắc được tình hình và diễn biến của sâu bệnh, khoanh vùng những nơi có diện tích gây hại cao...”.
Hiện, toàn tỉnh đã có 2.878 héc-ta nhiễm rầy nâu, dự kiến sẽ có đợt rầy cám nở từ ngày 27-1 đến 5-2-2014 (nhằm 27 tháng chạp đến mồng 6 Tết) trên lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ, ngậm sữa; chú ý trên các giống nhiễm rầy như: IR 50404, Jasmine 85, OM 4900, nếp, OM 4218, OM 2514, OM 1490… Ngoài ra, có 8.752 héc-ta nhiễm bệnh đạo ôn lá.
Thời tiết hiện nay sáng sớm có nhiều sương mù, cơ cấu giống nhiễm bệnh đạo ôn chiếm tỷ lệ cao là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh. Bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục phát triển với mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các giống nhiễm như: IR 50404, OM 1490, OM 4218, OM 4900, OM 5451, OM 2514, OM 6073, Jasmine 85… Để bảo vệ sản xuất vụ đông xuân tránh bị thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con phải thường xuyên thăm đồng, kiểm ra thật kỹ ruộng lúa, nhất là ruộng xa nhà; đặc biệt chú ý trà lúa làm đòng-trổ-ngậm sữa, nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép phải phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn rất thấp (dưới 3 con/tép).
Khi phun thuốc, cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc (đúng thuốc trừ rầy, nên sử dụng thuốc chống lột xác, không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không sử dụng nhóm thuốc trừ sâu cuốn lá để phun trừ rầy, điều này sẽ làm bộc phát rầy, đúng lúc (lúc rầy 2-3 ngày tuổi có màu vàng lợt đến vàng nâu), đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước), đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá). Đặc biệt, không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ và sau trổ; khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tuân thủ thời gian cách ly.
Nên thăm đồng kỹ để phát hiện bệnh đạo ôn và phun trừ kịp thời, đặc biệt trên lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh-làm đòng-trổ trên những giống Jasmine 85, OM1490, OM 4218, IR 50404, OM 7347, OM 6162, OM 6073, OM4900…; những ruộng sạ dầy, bón dư phân đạm (chỉ nên phun thuốc khi phát hiện 1-2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng). Để phòng trừ sâu cuốn lá chỉ nên phun thuốc khi mật số sâu hơn 50 con/m2 ở giai đoạn đẻ nhánh và 20 con/m2 ở giai đoạn đòng trổ.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hữu An cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2013-2014 gieo sạ muộn hơn so cùng kỳ từ 15-25 ngày, đến nay đã gieo sạ được 236.402/238.000 héc-ta. Hiện nay diện tích lúa đang giai đoạn đẻ mạ, đẻ nhánh, làm đòng, đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết đêm lạnh, sáng sớm và chiều tối có nhiều sương mù, trà lúa đẻ nhánh, làm đòng (chiếm 97% diện tích xuống giống) tập trung vào dịp Tết, tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại trong dịp tết Nguyên đán”.
Có thể bạn quan tâm
Tại đây, nhiều nông dân được Trung tâm Giống thủy sản An Giang giới thiệu về quy trình sản xuất tôm giống càng xanh toàn đực, các mô hình nuôi hiệu quả tại An Giang và Đồng Tháp. Theo các chuyên gia và kỹ sư của tỉnh An Giang, môi trường nuôi tại Cà Mau rất thuận lợi, đặc biệt là độ mặn từ 5 - 10‰ sẽ cho tôm phát triển nhanh và mang lại hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, Vĩnh Long, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 24.500-25.500 đồng/kg, người nuôi có lãi.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình tổ chức buổi hội thảo đánh giá kết quả mô hình cánh đồng mẫu lớn luân canh lúa - tôm tại hộ ông Trần Thanh Bình, ở ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch.
Có khá nhiều lô hàng tôm bán qua Nhật vi phạm bị trả về trong tháng 3 và 4-2014 khiến nhiều nhà nhập khẩu Nhật có xu hướng quay sang nhập khẩu tôm từ Indonesia và Ấn Độ.
Bà Tô Tuệ Lang - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận vừa cho biết: Hiện 100% sản phẩm mực khô của địa phương vẫn chưa vào lại được thị trường Nhật Bản.