Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi Lo Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Nỗi Lo Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật
Ngày đăng: 02/04/2014

Những năm gần đây, ở ĐBSCL sản lượng các loại cây trồng hằng năm không ngừng gia tăng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phun xịt thuốc vô tội vạ, thậm chí cây trồng bệnh nhẹ cũng sử dụng thuốc độc hại: ruộng đồng bị đầu độc, sản phẩm kém an toàn...

* Thấy sâu rầy là xịt

Ông Tám, lão nông ở phường Thới Long, quận Ô Môn (Cần Thơ) làm ruộng, trồng cây ăn trái quanh nhà. Khi hỏi chuyện muốn lúa trúng mùa, xoài, mận… làm sao đậu trái, ngon ngọt? Ông Tám phán ngay: "Chẳng có bí quyết gì, bây giờ nhà nông trồng cây gì mà không dùng thuốc BVTV, phun xịt sâu bệnh.

Lúa không phun xịt phòng ngừa, sâu rầy xáp vô liền. Vườn cây cần thuốc nhiều hơn. Hồi trước cây trái xoài, mận, chôm chôm, cam, quít… cứ để tự nhiên, có trái ngon lành. Nhưng nay chẳng hiểu vì sao, cây trái không có thuốc BVTV, ít mấy khi có trái ăn được, bổ trái ra bên trong toàn là sâu. Bởi vậy nông dân muốn vườn cây đậu trái trúng mùa, tâm lý chung là hễ thấy sâu là xịt, thậm chí chưa thấy bướm, thấy sâu cũng xịt phòng ngừa cho chắc ăn".

Vườn quít hồng của anh Út Bích ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đón mùa trái Tết sum suê. Anh là nhà vườn giỏi, học qua lớp IPM áp dụng vào vườn cây ăn trái mỗi năm đều trúng mùa. Thế nhưng, theo lối nhỏ ra khoảng giữa bờ vườn nhà, anh kỹ lưỡng đào một hố đào sâu và rộng hơn 6m2 chứa gần đầy vô số vỏ bao bì, chai lọ đủ loại nhãn hiệu thuốc trừ sâu cho đến thuốc dưỡng trái.

Tương tự, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ), anh Lê Trung Ngôn trồng hơn 5 công sơ-ri rất chuẩn mực dùng thuốc đúng cách. Nhưng anh cả quyết: Nếu không có thuốc BVTV, nhà vườn khó có cách nào giữ cây cho đậu trái để bán. Cây trồng bây giờ giống như nghiện…thuốc vậy.

Anh Hòa canh tác 3 ha lúa ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, bộc bạch: Nông dân nghe đài, đọc báo hay hội họp cán bộ kỹ thuật đều khuyên nên giảm dùng thuốc BVTV độc hại. Mấy năm gần đây một số loại thuốc sinh học trừ rầy, trừ sâu bệnh giới thiệu, bán ra thị trường.

Nhưng thực tại nông dân ít sử dụng, vì sao? Một phần do yếu vốn, nông dân mua nợ tiền phân thuốc nên phụ thuộc rất nhiều qua mấy chủ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Họ giới thiệu đưa loại nào thì nông dân mang loại ấy ra đồng xài thử.

Tâm lý chung là hễ phun thuốc thấy sâu rầy buông ra ngã chết ngay thì cho là hiệu nghiệm. Trong khi thuốc sinh học ngấm từ từ, hiệu quả có nhưng chậm hơn, nông dân lo sợ lúa suy giảm năng suất thua anh em hàng xóm nên ít chuộng dùng.

* Những con số "biết nói"

Hằng năm ở ĐBSCL có 1,85 triệu ha đất lúa, sản lượng đạt gần 24,3 triệu tấn; khoảng 228.000 ha cây ăn trái, thu hoạch 3,18 triệu tấn. Cùng với sự gia tăng năng suất, sản lượng mùa vụ cây trồng, chưa tính tới lượng phân bón, số lượng thuốc BVTV sử dụng không ngừng tăng lên.

Vào cuối tháng 11-2013, Trung tâm BVTV phía Nam phối hợp Công ty cổ phần BVTV An Giang tổ chức sơ kết chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường tại An Giang. Trung tâm BVTV phía Nam công bố: Trước năm 2006 sử dụng từ 35.000 – 37.000 tấn thuốc trừ sâu bệnh/năm. Đến năm 2008 là 110.000 tấn, tăng gấp ba lần.

Theo tính toán của các chuyên gia, tại Việt Nam, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm 14,86%, riêng lượng thuốc bám dính bao bì từ 1,85% – 2%, tương đương 195 tấn thuốc BVTV. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học An Giang, năm 2010, tỉnh An Giang sử dụng 5.693 tấn thuốc BVTV, trong đó phần lớn rác thải vứt ngoài đồng, thả xuống sông rạch hoặc đốt…

Theo kết quả nhiều cuộc nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu thị trường thuốc BVTV cả nước hiện khoảng 50.000 tấn/năm và nguồn cung đang ở mức tương đương, với giá trị khoảng 500 triệu USD, trong đó bao gồm 3 loại chính là thuốc trừ sâu và côn trùng chiếm khoảng 60% về giá trị, còn lại là thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ.

Kết quả khảo sát từ tháng 12-2012 đến giữa tháng thuốc 2-2013 của Công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam công bố: Số cửa hàng thuốc BVTV nhiều nhất là ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang với hơn 40% tổng số cửa hàng thuốc BVTV trong vùng ĐBSCL.

Trong đó, số cửa hàng lớn chiếm chỉ khoảng 1/4, nhưng nắm gần 70% tổng giá trị thị trường thuốc BVTV ĐBSCL. Các mặt hàng thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ chiếm hơn 80% giá trị thuốc BVTV bán ra trong vùng. Dân chuyên doanh trong ngành thuốc BVTV thừa nhận: Kinh doanh đạt doanh thu càng cao, lợi nhuận càng lớn.

Có lần giám đốc một công ty sản xuất kinh doanh trong ngành thuốc BVTV thổ lộ: "Ngày xưa, tôi suy nghĩ ấu trĩ, tôi ước mơ có được thị trường tiêu thụ thuốc BVTV đạt 200 triệu USD như Thái Lan, nhưng hiện nay tôi nghe con số nhập mấy trăm triệu USD thuốc trừ sâu, tôi giựt mình vì thấy nó đe dọa đến môi trường".

GS TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng, chính việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc BVTV tạo ra những hệ lụy nguy hại như gia tăng sâu bệnh, triệt tiêu thiên địch, một số loại cỏ dại kháng thuốc.

Dù biết rõ độc hại như vậy, trong khi thực tế mặc cho cán bộ BVTV địa phương khuyến cáo tại các cuộc hội thảo hay trên ti-vi về việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế sử dụng thuốc độc hại, không mua dùng thuốc BVTV ngoài doanh mục cho phép… nhưng ngoài ruộng đồng, vườn cây ăn trái vẫn còn nông dân pha chế đủ thứ thuốc BVTV. Hễ nhác thấy sâu bệnh, mật số rầy tăng cao là họ muốn khống chế bằng cách phun xịt thuốc BVTV mù trời theo kiểu muốn "đánh nhanh, diệt gọn"…

* Cần giảm, nhưng…

Một cán bộ BVTV tại địa phương dẫn ra vấn đề nan giải: Một tỉnh có 4-5 thanh tra, một năm bình quân đi kiểm tra 2 lượt (2 vụ) với khoảng 100 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV chiếm gần hết thời gian. Việc phát hiện bán thuốc giả, thuốc độc hại ngoài danh mục chủ yếu trông cậy vào "tai, mắt" của các trạm BVTV cơ sở. Vậy mà có khi bắt được cơ sở vi phạm, muốn xử lý tới nơi tới chốn cũng không dễ. Đơn cử năm 2013, phát hiện một vụ thuốc BVTV giả nhãn hiệu của Công ty Syngenta.

Nhưng với mấy chục chai, người chạy xe ôm nhất quyết khai lượm trên đường chở đi thì khó truy nguồn gốc. Đó là chưa nói tới nạn thuốc BVTV độc hại đi theo con đường nhập lậu đội lốt giả nhãn hiệu thuốc BVTV của các DN trong nước. Khi lực lượng thanh tra phát hiện, muốn xác định chính xác phải gởi mẫu xét nghiệm, phải đề nghị xin chi phí, thời gian chờ xin đến được duyệt quả là không dễ dàng.

Mặt khác, theo dõi các hoạt động tổ chức hội thảo đầu bờ liên tục của các DN, cứ 1-2 ngày tại một huyện, nếu đi dự, kiểm tra mất 2 cán bộ Chi cục BVTV thật khó đảm đương trong khi nhiệm vụ phải thường xuyên theo dõi, phòng ngừa dịch hại xảy ra trên địa bàn.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Sóc Trăng, cho rằng: Tuy trình độ nhận thức chênh nhau, nhưng đa số nông dân nhận biết thuốc BVTV độc hại. Cứ mỗi lần sau đợt dịch hại, nông dân biết lựa chọn dùng loại thuốc độ độc nhẹ hơn. Nông dân hoàn toàn có thể giảm dùng thuốc hóa học độc hại, nhưng phải cần bền bỉ tập huấn kỹ thuật, tăng cường khuyến cáo nâng cao nhận thức sử dụng thuốc BVTV đúng cách.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhận xét: Thuốc BVTV độc hại nếu xét nhiều mặt, kể cả góc độ kỹ thuật nếu chúng ta loại bỏ được ra khỏi danh mục thì mạnh dạn loại trừ, ngoại trừ trường hợp thuốc "đặc trị" chưa có thuốc khác thay thế được trong lúc xảy ra dịch hại.

Do đó, có thể tạm phân 3 mức: Cấm hẳn, cho sử dụng trong trường hợp đặc biệt với giá bán cao nông dân không thể dùng thông dụng, nếu có thuốc sinh học có cùng hiệu năng như thuốc hóa học thì nên đưa vào danh mục khuyến cáo thay thế. Đây là cuộc chiến lâu dài cần có chính sách khuyến nông, đẩy mạnh khuyến cáo từ hạn chế dần dần, không lạm dụng; thực hiện hạn chế quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh thuốc BVTV.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Ốc Hương Ở Xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) Kẻ Khóc, Người Cười Nuôi Ốc Hương Ở Xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) Kẻ Khóc, Người Cười

Con ốc hương đã gắn bó với nông dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhiều năm nay và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến vụ nuôi năm nay, trong khi nhiều người vui mừng vì đạt hiệu quả cao thì cũng có không ít hộ lâm vào cảnh thua lỗ do ốc chậm lớn, tỷ lệ hao hụt nhiều.

30/10/2014
Xây Dựng Các Giải Pháp Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Xây Dựng Các Giải Pháp Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

Từ năm 2012 đến nay, dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã và đang có chiều hướng gia tăng tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong cả nước. Trung bình hàng năm, dịch bệnh đốm trắng chiếm khoảng 50% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

30/10/2014
“Nuôi Cá Còm” Tạo Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Biên Giới “Nuôi Cá Còm” Tạo Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Biên Giới

Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) vừa tổ chức trình diễn mô hình “Nuôi cá còm” tại hộ ông Lâm Vĩnh Gia (ấp 1, xã Vĩnh Xương). Trên diện tích 200m2 đất ao và theo sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thị xã, ông Gia thả nuôi 1.300 con cá còm giống.

30/10/2014
Thành Triệu - Châu Thành (Bến Tre) Trồng Cỏ Nuôi Bò, Dê Đạt Hiệu Quả Cao Thành Triệu - Châu Thành (Bến Tre) Trồng Cỏ Nuôi Bò, Dê Đạt Hiệu Quả Cao

Từ khi dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai hoàn thành, tuyến đê ven sông Ba Lai được đưa vào sử dụng, một số hộ dân sinh sống ven tuyến đê xã Thành Triệu (Châu Thành, Bến Tre) đã tận dụng khoảng đất trên mặt đê và hành lang bảo vệ đê để trồng rau màu, chuối, đu đủ và cây lâu năm.

30/10/2014
Nông Dân Chợ Mới Nuôi Bò Theo Hướng Công Nghệ Cao Nông Dân Chợ Mới Nuôi Bò Theo Hướng Công Nghệ Cao

Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, việc nuôi bò theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ dân thực hiện, vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với cách nuôi truyền thống.

30/10/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.