Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc Nuôi, Chế Biến, Tiêu Thụ Cá Tra
Theo kết quả kiểm tra ban đầu về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra, 4 địa phương trọng điểm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ có số dư tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ cho nuôi và chế biến cá tra khá cao và hầu hết các khoản vay đến kỳ đáo hạn đều được điều chỉnh lãi suất về mức 13 - 15%/năm.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra tại 4 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ.
Qua kết quả làm việc với UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho thấy, đến nay, các địa phương đều đã thực hiện giãn nợ đối với các đối tượng vay nuôi, chế biến, sản xuất cá tra. Đồng thời, đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, để tạo điều kiện cho người dân nuôi cá và doanh nghiệp có thể tiếp cận với mức lãi suất 11%/năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay 4 địa phương kể trên có số dư tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ cho nuôi và chế biến cá tra khá cao. Như An Giang 1.265,338 tỷ đồng, Vĩnh Long 31.967 tỷ đồng, Đồng Tháp: 4.154 tỷ đồng, Cần Thơ 5.688 tỷ đồng.
Theo ông Điền, đây mới chỉ là những con số tổng quát. Để có giải pháp, phương hướng giải quyết cụ thể hơn, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các tỉnh có báo cáo cụ thể tổng số dư nợ được giãn thời gian trả nợ, tổng số dư nợ được giảm lãi suất, tổng số được vay mới theo lãi suất ưu đãi 11%.
Về lãi suất ngân hàng, đến nay tất cả các khoản vay cho nuôi và chế biến cá tra tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến kỳ đáo hạn đều được điều chỉnh về mức 13 – 15%/năm.
Tuy nhiên, ông Điền cho biết, vẫn còn một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ nguyên mức lãi suất cao (khoảng 19 - 20%/năm). Điều này đã làm ảnh hưởng đến giá thành nuôi và chế biến cá tra. Hiện các địa phương đang tìm cách tháo gỡ vấn đề này.
Ngoài ra, để nắm tình hình thực tế việc vay vốn tín dụng, đoàn kiểm tra đã khảo sát thực tế tại các hộ nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Qua đó cho thấy, vẫn còn những hộ nuôi cá và doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng hoặc còn gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng.
Tích cực giúp nông dân tiếp cận vốn
Là một địa phương được ghi nhận có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nuôi và chế biến cá tra, tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.174 cơ sở sản xuất và cung ứng giống cá tra. Diện tích cá tra đang nuôi của tỉnh khá lớn, hiện là 769,5 ha.
Tuy chưa thực hiện được công tác giải ngân, cho vay mới nhưng hiện tỉnh đã có những động thái tích cực trong công tác hỗ trợ ban đầu và đã đi khảo sát để tiến tới cho vay theo mức lãi suất 11%.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 7/10 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương sẽ tham gia đối thoại với dân trên truyền hình tỉnh qua chương trình “Đồng hành cùng nhân dân”. Chương trình có chủ đề “Lãi suất tín dụng và giải pháp tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng của nông dân”, trong đó sẽ giải đáp thắc mắc của người nông dân về việc tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ cá tra.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp nhằm góp phần nâng cao mối quan hệ giữa chính quyền với cơ quan báo chí, chính quyền với nhân dân của tỉnh. Trước những khó khăn của người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, việc làm này của tỉnh Đồng Tháp đã mang lại nhiều hy vọng cho người nuôi cá tra và doanh nghiệp.
Đây cũng chính là một trong những hành động được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong việc thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm “giải cứu” cá tra.
Có thể bạn quan tâm
Vào khoảng giữa tháng 6, hành tây Đà Lạt mua tại vườn chưa tới 3.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại loại hàng này đã đội giá lên gấp hàng chục lần. Với mức giá từ 25.000- 40.000 đồng/kg (tùy loại) dù được xem là cao kỷ lục, nhưng nông dân vẫn không có hàng để bán.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đưa hàng Việt “phủ sóng” ở nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
“Chất tạo nạc đang là vấn nạn làm hủy hoại sản xuất, sức khỏe của người tiêu dùng và nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi sẽ lâm vào cảnh tự sát”.
Nhiều hộ trồng tích trữ hành, tỏi vào cuối vụ nhằm đợi giá lên cao trong dịp Tết mới bán ra, khiến lượng nông sản này tại Lý Sơn còn lại khoảng 800 tấn.
Các đối tượng kinh doanh đã chuyển hướng và lách luật bằng cách giảm sử dụng clenbuterol và thay bằng salbutamol.