Mỗi Ngày Có Khoảng 1.700 Tấn Vải Tươi Vào Thị Trường Trung Quốc
Tính riêng lượng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn đã đạt 24.900 tấn với trị giá 13,8 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều của cả nước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với niên vụ 2013, với tỉ lệ tiêu thụ trong nước bình quân chiếm 60% và xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng.
Tính đến ngày 20/6, tổng sản lượng quả vải tiêu thụ đã đạt khoảng 61.800 tấn, trong đó, xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn đạt 24.900 tấn với trị giá 13,8 triệu USD (xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai đạt 15.400 tấn, tỉnh Lạng Sơn 9.600 tấn với trị giá gần 8 triệu USD) với giá trị xuất khẩu bình quân dao động từ 8.500 đồng đến 18.000 đồng/kg.
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.700 tấn quả vải tươi của Việt Nam được xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn sang thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Vải của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng quả tươi sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... là các nước có vị trí địa lý gần với Việt Nam (chiếm khoảng 85% tổng lượng xuất khẩu), trong đó lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 90%.
Các sản phẩm được chế biến từ quả vải như nước vải ép, vải sấy khô, vải đông lạnh đóng lọ có giá trị gia tăng cao (chiếm khoảng 15% tổng lượng xuất khẩu) chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU…
Ngay từ đầu mùa vụ năm 2014, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành hữu quan và chính quyền nhiều địa phương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như xuất khẩu quả vải tươi. Cho đến nay, việc tiêu thụ quả vải tươi mùa vụ 2014 tại thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu vẫn đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này.
Trong đó, tập trung nghiên cứu đưa mặt hàng quả vải và các sản phẩm được chế biến từ quả vải vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với quả vải thiều tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu…
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động hơn nữa trong công tác mở rộng khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại đa phương và song phương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang triển khai Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ vùng sản xuất đến cửa khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc” nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong khâu lưu thông, xuất khẩu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 6.12, hàng ngàn người đã đến tham quan, tìm hiểu về 500 sản phẩm đến từ 7 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Nhật Bản được trưng bày tại công viên đá Nhật Bản Rin Rin Park, Hóc Môn, TP.HCM.
Với đặc thù sông ngòi chằng chịt, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không hoàn toàn chỉ là các con đường, mà quan trọng nhất là những cây cầu nối đôi bờ sông nước.
Ngày 22/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái vùng ĐBSCL”.
Các giống bí đỏ Suprema, Ajuna do Cty Hai mũi tên đỏ cung cấp đã cho bà con nông dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng lợi nhuận khá cao.
Tại các huyện miền núi của tỉnh An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là vùng Bảy Núi.