Ninh Thuận Kỳ Tích Mới Ở Thủ Phủ Tôm Giống

Năm 2014, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gặt hái được nhiều kết quả. Đáng kể nhất là sản lượng tôm giống tăng mạnh, đạt 25 tỷ con, vượt 24% kế hoạch, đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Một năm thành công của ngành sản xuất tôm giống đã đóng góp đáng kể trong việc khắc phục tình trạng thiếu hụt con giống hiện nay. Niềm vui của các chủ trại giống, hàng ngàn hộ nuôi tôm trên toàn quốc vì thế thêm “đong đầy” trước thềm năm mới.
Điều gì làm cho một tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ được mệnh danh là xứ sở “thừa nắng” trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước? Câu trả lời đơn giản là tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm để sản xuất tôm giống mà nhiều nơi khác không sánh kịp.
Toàn tỉnh hiện có 430 cơ sở sản xuất tôm giống (trong đó tôm thẻ chân trắng 200 cơ sở) hoạt động hiệu quả với sản lượng và chất lượng tăng vọt theo từng năm là nhờ tỉnh sớm đề ra chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững. Ngược thời gian 15 năm trước, bờ biển Ninh Thuận bấy giờ còn rất hoang sơ với những bãi cát trải dài trong gió. Thế rồi khi mô hình nuôi tôm thẻ trong ao trải bạt trên cát từ Thái Lan du nhập vào nước ta kéo theo nhu cầu tôm giống tăng cao, nhiều doanh nghiệp khắp mọi miền tìm đến mở trại nuôi tôm giống. Có những dạo trại tôm giống mọc lên san sát, cả một vùng cát hoang hóa ven biển huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải được “đánh thức” từ đó.
Nhiều người nói, thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Thuận phát triển nghề nuôi tôm giống quả là không sai, nhưng yếu tố quan trọng để đưa tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất của cả nước chính là con người. Điều này chứng minh ở chỗ, tỉnh đã sớm quy hoạch các khu sản xuất giống rất bài bản. Đầu tiên là Dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, triển khai xây dựng năm 2005, quy mô 125 ha. Tiếp theo đó, Khu sản xuất giống ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), diện tích 148 ha cũng được hình thành.
Từ chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đúng đắn, có tính bền vững, tạo niềm tin cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đến tỉnh ta đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng cao, kiến tạo nên thương hiệu mạnh trên thị trường. Hiện nay, ở Khu sản xuất giống tập trung An Hải có 119 cơ sở đang hoạt động; trong đó, có những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thủy sản như Công ty TNHH Giống thủy sản Globest Việt Nam, Uni-President Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam…
Sự phát triển không ngừng của ngành tôm giống còn được thể hiện ở chỗ, gần đây các doanh nghiệp lớn hợp tác với nhau để khai thác tối đa thế mạnh của các bên cùng sản xuất giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hộ nuôi. Các trại sản xuất tôm giống vừa và nhỏ cũng đã liên kết lại đầu tư mới các thiết bị nuôi tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
Yếu tố được xem tạo bước “đột phá” trong ngành tôm giống đó là Công ty Moana Technologies có trụ sở chính đóng tại Hawaii (Mỹ) đã đến tỉnh ta đầu tư mở trại sản xuất tôm sú giống bố mẹ. Hiện tại, Moana lấy ấu trùng từ Mỹ về ươm thành tôm bố mẹ cung cấp cho các trại giống, nhưng tham vọng của ông Walter Coppens, Tổng Giám đốc Công ty là sẽ tập trung gia hóa thành công tôm sú bố mẹ trong tương lai gần.
Vẫn biết để gia hóa tôm giống bố mẹ (hiện nay chủ yếu nhập từ nước ngoài) là công việc cực kỳ khó, đòi hỏi phải có thời gian và quy tụ được những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực di truyền chọn giống, nhưng chúng ta tin tưởng, bởi Moana là công ty cải tiến gen di truyền về tôm sú hàng đầu của thế giới.
Có thể nói, ngành sản xuất tôm giống đang thực sự vươn lên ở tầm cao mới. Tín hiệu khả quan đầu năm là có nhiều doanh nghiệp tiếp tục đến tỉnh ta đăng ký mở trại giống. Thông tin từ Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh, hiện nay quỹ đất ở 2 khu quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung đã được phủ kín, nhưng tiềm năng mở rộng quy mô vẫn còn lớn. Năm mới, tin tưởng ngành sản xuất tôm giống đạt thêm kỳ tích mới!
Có thể bạn quan tâm

Theo Tổng cục Thống kê, tính thời điểm 1-10-2014 tổng đàn bò của cả nước là 5,24 triệu con, tăng 1,5%, đàn heo là 26,8 triệu con tăng gần 2%, còn đàn gia cầm là 327,7 triệu con, tăng gần 3,2% so với năm 2013. Đối với thủy sản nuôi gồm cá tra, tôm (sú và thẻ chân trắng, hải sản…) là gần 3,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Những năm gần đây, giá cam cam xoàn ở huyện Long Mỹ luôn đứng ở mức cao, từ 27.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10 - 15 triệu đồng, khoảng 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái với năng suất trung bình từ 20 đến 30 tấn/ha. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng cam còn thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi héc-ta. Theo thống kê, huyện Long Mỹ hiện có hơn 300ha cam xoàn, trong đó có gần 100ha đang cho trái.

Bộ NN&PTNT cho biết, Chỉ thị được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu có văn bản gửi Bộ thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh và đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, thông báo lại cho phía họ trước ngày 9/1/2015.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm. Theo đó, những hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ha, 35 triệu đồng/ha cho những hộ thực hiện cải tạo lại ao với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác, liên kết.