Ninh Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Tổng Đàn
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.
Chủ trương trên là đúng đắn, bởi địa phương có diện tích đất rừng lớn, cùng với hàng ngàn hécta đồng cỏ tự nhiên dọc theo các triền núi là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Một thuận lợi nữa là, bà con địa phương cần cù lao động, có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Thực tế chăn nuôi gia súc ở Ninh Sơn phát triển đều khắp trên 8 xã, thị trấn, với tổng đàn lên đến 46.941 con, trong đó bò chiếm số lượng nhiều nhất: 14.720 con.
Nét chuyển biến mới trong chăn nuôi ở địa phương là bên cạnh ngày càng có nhiều trang trại quy mô đàn lên đến hàng trăm con thì gần đây xuất hiện các gia trại, quy mô đàn vài chục con. Chưa thống kê được một cách chính xác, nhưng ước tính có hàng trăm trang trại và gia trại.
Đồng chí Phan Kế Vũ, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Hình thức chăn nuôi theo hộ gia đình, gia trại phát triển mạnh là vì phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều người. Ghi nhận của chúng tôi, ở Ninh Sơn nhiều hộ từ chỗ nuôi một vài con bò, sau vài năm gầy dựng đàn bò phát triển lên hàng chục con.
Đơn cử như hộ chị Chamaléa Thị Lá, ở thôn Trà Giang 3, xã Lương Sơn. Sau 7 năm tổ chức chăn nuôi, hiện nay đàn bò của chị thường xuyên duy trì ở mức 15 con. Theo chị Lá, trong điều kiện đồng cỏ ngày càng thu hẹp như hiện nay, nếu tăng đàn sẽ không có nơi chăn thả, bò thiếu thức ăn sẽ kém phát triển.
Chính vì vậy, chị nuôi theo hình thức bán chăn thả, vào vụ mùa thì nhốt trong vườn nhà, cho bò ăn cỏ, các phụ phẩm nông nghiệp, khi thu hoạch xong lúa, bắp, mỳ… lại thả trên rẫy. Với cách nuôi “linh hoạt” trên, đàn bò của chị béo tốt quanh năm. 13 con bò cái đều đặn 3 năm đẻ hai lứa. Bê mới đẻ trọng lượng trên 25 kg, nuôi vài tháng giá bán gần 10 triệu đồng/con.
Đồng chí Phan Kế Vũ, cho biết thêm: Địa phương đã hình thành được các vùng chuyên canh trồng mía, mì, bắp với diện tích khá lớn, khi thu hoạch những khu vực trên trở thành nơi chăn thả. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho bà con phát triển chăn nuôi, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các hộ tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng và các dự án, chương trình khác.
Đối với những khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tranh thủ nguồn vốn các chương trình ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ vật nuôi cho bà con. Nhờ vậy, mà hầu như hộ nghèo nào trên địa bàn cũng có bò nuôi, tổng đàn vì thế tăng dần theo từng năm.
Cụ thể như Dự án Hỗ trợ hộ nghèo ở thôn Trà Giang 2 và Trà Giang 4 (xã Lương Sơn) nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả rất thiết thực. Dự án triển khai vào năm 2010, có 50 hộ nghèo tại hai thôn, mỗi hộ được hỗ trợ một cặp bò cả mẹ lẫn con, giá 10 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, các hộ không những trả được nợ ngân hàng mà số bò còn tăng lên gấp đôi so với ban đầu.
Chị Vương Thị Lam, Chủ tich Hội Nông dân xã Lương Sơn, tự tin: Chúng tôi đang giúp bà con trong diện được hưởng thụ từ dự án làm thủ tục tiếp tục vay vốn mua thêm bò về nuôi. Xu thế của các hộ là chọn bò đực tốt cho giao phối với bò dự án để cải tạo giống. Với đà này, vài năm tới sẽ có một số hộ hình thành các gia trại, nuôi bán thâm canh.
Tuy nhiên, Ninh Sơn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ còn nuôi giống bò địa phương, chăn thả tự do nên năng suất thấp. Đó là chưa kể đến bà con ở các xã vùng sâu, nơi tập trung nhiều đồng bào Raglai còn ảnh hưởng tập quán chăn nuôi quảng canh, để bò tự do giao phối nên dễ bị trùng huyết, thoái hóa giống.
Chính vì vậy, chiến lược phát triển chăn nuôi trong thời gian tới của huyện Ninh Sơn là quy hoạch vùng chăn thả, vùng trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, đưa giống bò đực tốt cho giao phối với bò cái địa phương để cho ra thế hệ bê lai có thể trọng lớn. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ nghèo, chú trọng hỗ trợ bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể bạn quan tâm
Từ đống vốn ít ỏi ban đầu, ông Nam gầy được đàn gà rừng lớn mạnh, mỗi năm ông Nam thu lãi từ 18 triệu – 20 triệu đồng, trở thành nguồn thu bền vững cho gia đình ông.
“Chúng tôi được Nhà nước chuẩn bị những điều kiện sinh hoạt và sản xuất khá chu đáo nên dân bản ổn định nhanh và có nhiều điều kiện làm giàu” - anh Lù Văn Chảnh- Trưởng bản Pó Luông, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) tâm sự.
Đến với Na Son, một xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) vào thời điểm này, ngoài những món ăn truyền thống như: Cá nướng (Pa pỉnh tộp), rêu suối, măng rừng, thịt khô… du khách sẽ được thưởng thức những món rau được hấp, đồ, nướng, luộc… với lời giới thiệu đầy tự hào: "Rau sạch đấy. Rau dân bản trồng, không có thuốc sâu, phân đạm gì đâu".
Superworm là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi và có nguy cơ gây hại đến SX nông nghiệp... Việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm là vi phạm pháp luật (theo điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ & kiểm dịch thực vật).
Sau 9 tháng, 2.000 con cá trắm đen nuôi, trên diện tích 5.000m2 của ông Đức Văn Khiêm (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã cho lãi 227 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi cá nước ngọt truyền thống. Đây là mô hình điểm nuôi cá trắm đen thương phẩm tại vùng chuyển đổi nuôi cá của xã, cần được nhân rộng.