Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ninh Bình khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

Ninh Bình khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm
Ngày đăng: 29/10/2015

Trước những diễn biến phức tạp trên, Ninh Bình đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.

 

Lực lượng thú y kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & PTNT) tính đến ngày 22-10, cả nước có 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 huyện của 6 tỉnh là Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum, Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định chưa qua 21 ngày.

Riêng tại Nam Định, ngày 21-10, UBND tỉnh này đã ra quyết định công bố dịch cúm A/H5N6 trên địa bàn.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Nam Định cho biết: Trước đó, từ ngày 1 đến 10-10 đã phát hiện tại 4 hộ chăn nuôi (gồm 1 hộ ở xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và 3 hộ ở xã Trực Phú, huyện Trực Ninh) có trên 3.300 con gia cầm có hiện tượng ốm, chết bất thường.

Chi cục Thú y tỉnh Nam Định đã lấy mẫu bệnh phẩm tại các ổ dịch gửi đi xét nghiệm.

Kết quả, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xác định, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N6.

Đây là lần đầu tiên chủng vi rút cúm A/H5N6 xuất hiện trên địa bàn Nam Định.

Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Người chăn nuôi ở các huyện, thành phố trong tỉnh hiện đang tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm cuối năm, nên số lượng đàn tăng cao.

Toàn tỉnh hiện có trên 14 nghìn con trâu, bò; 330 nghìn con lợn và trên 4 triệu con gia cầm.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm, thuận lợi để các vi rút phát sinh, lây lan gây ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Đáng lo ngại nhất là mới đây tại Nam Định, địa phương giáp ranh với tỉnh ta đã xuất hiện dịch cúm A/H5N6, nguy cơ lây lan sang tỉnh ta là rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch cúm trên đàn gia cầm, sau khi tỉnh Nam Định công bố dịch, ngay lập tức Chi cục đã cho thành lập một chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu cầu Non Nước để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ Nam Định sang; tiến hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông đi từ vùng dịch vào địa bàn.

Bên cạnh đó, các chốt kiểm dịch lưu động cũng đã được thành lập nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy kiểm dịch.

Chi cục cũng thông báo cho tất cả các địa phương yêu cầu không vận chuyển, mua bán các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ Nam Định; chỉ đạo UBND cấp xã có biện pháp quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng; hướng dẫn, vận động người nuôi hạn chế tối đa việc chăn thả vịt trên các tuyến sông, kênh, rạch có cùng dòng nước đi qua liên huyện, liên tỉnh nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, dịch bệnh trên địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ và khu vực giáp ranh với các tỉnh.

Được biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trước đó, Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin vụ thu đông đồng loạt tại tất cả các địa phương.

Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có trên 17 nghìn con trâu bò được tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng, 50.600 con lợn được tiêm vắc xin dịch tả và trên 2 triệu con gia cầm trong diện tiêm phòng đã được tiêm vắc xin cúm H5N1…

Chi cục cũng thường xuyên lấy mẫu huyết thanh của đàn gia cầm tại các địa phương trong tỉnh, gửi xét nghiệm tại cơ quan Thú y Trung ương nhằm giám sát sự lưu hành vi rút, phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Tổ chức các đợt khử trùng tiêu độc trên diện rộng…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Thú y, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Các huyện, thành phố cần yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo trưởng thôn, phố, xóm rà soát, thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi; báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết bất thường phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y hoặc UBND xã, phường, thị trấn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn cần rà soát kết quả tiêm phòng vắc xin vụ thu đông để tổ chức tiêm bổ sung, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp, nơi đã từng xảy ra dịch tai xanh, lở mồm, long móng, cúm gia cầm.

Chủ hộ chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi; bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo, bột bắp, bột mì hoặc cháo muối cho vật nuôi.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột và định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1 - 2 lần/tuần bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Haniodin… để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học;

Nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; đăng ký, kê khai đàn gia súc, gia cầm để vừa phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt hơn, vừa có cơ sở pháp lý xác định vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Về phía người tiêu dùng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, không nên sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y nhằm hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh lây nhiễm cho người.

Tuyệt đối không giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm bệnh, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, không ăn tiết canh, thức ăn còn sống, tái chín được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm.

Rửa tay bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi ở khu vực chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm, bảo đảm vệ sinh trước, trong và sau khi giết mổ, sử dụng thớt riêng để sơ chế, chế biến thịt sống và thịt chín, đeo khẩu trang, găng tay khi phải tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ bị bệnh, thay trang phục bảo hộ lao động sau khi tiếp xúc với gia cầm.


Có thể bạn quan tâm

Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ

Nguyễn Ngọc Quyết (1984) mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu "khủng" với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.

03/12/2016
Mô hình nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer giảm nghèo bền vững Mô hình nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer giảm nghèo bền vững

Với nỗ lực các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ giảm, đời sống người dân được nâng lên

03/12/2016
Làm giàu từ trồng khoai lang Nhật Làm giàu từ trồng khoai lang Nhật

Hiện nay, diện tích khoai lang Nhật của anh Bình bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năng suất ruộng khoai được đánh giá đạt bình quân 18 tấn củ/ha

03/12/2016
Kiếm trên 12 triệu đồng mỗi tháng từ trồng rau mầm Kiếm trên 12 triệu đồng mỗi tháng từ trồng rau mầm

Mỗi ngày gia đình anh Phùng Văn Phương đưa ra thị trường 30kg rau mầm, thu về trên 1 triệu đồng, trừ chi phí anh bỏ túi trên 12 triệu đồng/tháng.

05/12/2016
Làm giàu từ con “không kêu” Làm giàu từ con “không kêu”

Anh Nguyễn Văn Thắng đã quyết định mạo hiểm, khẳng định tài chăn nuôi của mình khi thành công với mô hình nuôi rắn hổ, rắn trâu thu về hàng trăm triệu mỗi năm

05/12/2016