Niềm Vui Mới Cho Người Trồng Luồng Ở Mỹ Phương (Bắc Kạn)
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể - Bắc Kạn).
Những ngày này đến xã Mỹ Phương, vào các thôn Pùng Chằm, Nà Lầu, Boóc Ve, Mỹ Vi… ai cũng sẽ cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây khi cây luồng đã có thể tiêu thụ, xóa đi sự chán chường về cây luồng nguyên liệu giấy đến kỳ khai thác không có ai mua cả chục năm qua.
Toàn xã Mỹ Phương có khoảng hơn 60ha cây luồng, tập trung nhiều ở thôn Nà Lầu và Mỹ Vi. bao năm qua không biết bán cho ai, cùng lắm mùa măng bán được vài củ làm thức ăn, cứ như vậy, từng bụi luồng cây to đều, đẹp mà chẳng thể sử dụng vào việc gì, chính vì vậy một số hộ đã chặt bỏ luồng để trồng cây khác, do đó, từ diện tích hơn chục ha trồng ban đầu ở thôn Nà Lầu, Mỹ Vi nay chỉ còn khoảng hơn 7ha.
Từ năm 2013 trở lại đây cây luồng đã có tư thương dưới xuôi tìm đến mua và cơ bản tìm được đầu ra. Sức tiêu thụ của măng luồng cũng khá, nhiều hộ từ việc khai thác măng thu được hàng chục triệu đồng. Điển hình hộ trồng cây luồng nhiều như ông Lý Văn Thắng, Hoàng Văn Linh, Lê Văn Bảo… mỗi hộ có gần 1ha cây luồng.
Giữa trưa, chúng tôi đến nhà ông Nông Văn Hôn, thôn Mỹ Vi, trong lúc cả 2 vợ chồng vừa đi lấy măng về, trên bếp lửa hồng, 2 nồi to đang luộc măng chuẩn bị đem xuống thị xã Bắc Kạn bán. Ông Hôn cho chúng tôi biết: Gia đình có hơn 4 nghìn mét vuông đất trồng luồng từ năm 2004, hiện nay việc tiêu thụ luồng phần lớn là bán cho tư thương dưới xuôi.
Một cây luồng có thể bán được 2 đoạn: Đoạn có chiều dài 5 mét bán được 7 nghìn đồng, 6 mét 9 nghìn đồng, trung bình 15-16 nghìn đồng/cây, bà con có thể chặt tỉa để bán vì theo bà con cho biết, cây luồng càng chặt tỉa thưa măng mọc càng nhiều, cây thẳng, đẹp.
Mùa măng, có hộ thu hàng chục triệu đồng. 1kg măng đã luộc bán được giá từ 5-8 nghìn đồng. Một vụ măng có nhiều lứa, thời gian kéo dài khoảng từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7 âm lịch. Một lứa một khóm to nơi đất ẩm có thể thu hoạch từ 50 đến 70kg củ măng, như vậy đã có thể thu nhập từ 250 đến 350 nghìn đồng/khóm luồng.
Ông Hoàng Trung Thâm, Trưởng thôn Mỹ Vi cho biết: Xác định đặc thù của thôn chủ yếu là phát triển cây lâm nghiệp, toàn thôn có 59 hộ, diện tích đất ruộng chỉ có hơn 20ha, nhận thức được điều đó, thôn đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã vận động người dân trong thôn tận dụng lợi thế đất rừng để phát triển kinh tế, do đó, nhiều năm qua, bà con luôn chú trọng phát triển trồng rừng mới, phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng các loại cây chủ yếu như: Mỡ, xoan, luồng, keo, chè. Hiện nay, riêng cây mỡ bình quân mỗi hộ có ít nhất 2ha rừng trở lên, hộ nhiều có đến hàng chục ha rừng mỡ, xoan và keo.
Chưa kể một số loại cây khác, chỉ tính riêng diện tích rừng trồng cây mỡ của thôn từ năm 2001 đến nay đã có khoảng trên 200ha.
Ở các thôn Nà Lầu, Mỹ Vi, Boóc Ve, Pùng Chằm, đất đai khá mầu mỡ rất phù hợp với việc phát triển kinh tế đồi rừng, chính vì vậy, ngoài việc phát triển mạnh trồng rừng, cây chè cũng là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng này, nhiều năm qua, chè được đầu tư mở rộng diện tích và chất lượng.
Từ lâu chè Mỹ Phương được nhiều người tiêu dùng biết đến, hiện nay toàn xã có khoảng 500ha chè, riêng thôn Mỹ Vi hiện có trên 4ha chè đã được thu hoạch, cây chè đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát được hộ nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến Mỹ Phương, đi qua những vạt rừng mỡ, đồi chè xanh mướt, cảm nhận được sự đổi thay ở vùng quê này. Tuy vậy, Đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Phương cũng như các hộ dân của 4 thôn Pùng Chằm, Nà Lầu, Boóc Ve, Mỹ Vi vẫn còn trăn trở về tuyến đường đi vào các thôn còn rất khó khăn.
Không có vốn để mở rộng, đầu tư làm đường đã làm cản trở nhiều đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Chính quyền cũng như các hộ dân nơi đây mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến đường để bà con thuận lợi phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.v
Có thể bạn quan tâm
Để duy trì và phát triển đàn gia súc có sừng trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài, ngoài việc tìm nguồn thức ăn, nước uống, các hộ chăn nuôi ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động chuyển đổi diện tích đất không chủ động nước sang trồng cỏ.
Cơ sở sản xuất nền tổ ong nhân tạo (còn gọi là cán chân tầng cho tổ ong)ở ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất là một trong những cơ sở đầu tiên sản xuất tổ sáp ong nhân tạo tại Đồng Nai. Cơ sở được thành lập ngay vùng nuôi ong mật của Đồng Nai, cùng hưng thịnh với nghề này suốt hơn 30 năm qua.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Tiên Du (Bắc Ninh) quy hoạch và chuyển đổi 295,5 ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Tại đây, các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư lớn cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xuất hiện nhiều mô hình trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình trồng cỏ ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel lần đầu tiên đã được triển khai tại thị xã Ayun Pa (Gia Lai); đây là công nghệ tưới nước thích hợp nhất hiện nay không chỉ cho người nông dân trồng cỏ mà còn áp dụng được với các loại cây trồng cạn khác ở Ayun Pa.
Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá xếp loại B đề tài "Ứng dụng quy trình chăn nuôi gà thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP", do Chi cục Quản lý Nông - Lâm sản và Thủy sản chủ trì, Kỹ sư Phan Ngọc Tâm làm chủ nhiệm.