Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm tự hào được lan tỏa

Niềm tự hào được lan tỏa
Ngày đăng: 04/09/2015

Cuộc thi rất cụ thể, ý nghĩa

Lần đầu tiên gửi bài tham dự Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam  trên Báo NTNN, tác giả Trần Việt Cường, hiện đang công tác ở Ban Kinh tế T.Ư cho biết: “Tôi là người rất hay đọc báo, nhất là các báo về nông nghiệp, nông thôn.

Trong một lần đọc Báo NTNN, tôi thấy có chuyên mục thi viết về gương các nông dân, các mô hình làm ăn điển hình rất hay, nên tôi đã viết bài và gửi tham dự cuộc thi”. Ông Cường đã gửi mấy bài và đã được báo sử dụng một tác phẩm về ông Chủ nhiệm Hợp tác xã Quý Hiền (Lào Cai). “Tôi thấy cuộc thi viết của Báo NTNN rất đặc biệt, hướng tới việc khắc họa cụ thể hình tượng của người nông dân trong thời kỳ mới, nhất là lại ra đời trong bối cảnh chúng ta đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, mà người nông dân là nòng cốt của quá trình đó” - ông Cường chia sẻ.

Chia sẻ tiếp với NTNN, ông Cường nói, tôi từng có 11 năm công tác ở Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, trong 2 năm ra công tác ở Ban Kinh tế T.Ư, tôi có điều kiện hơn trong việc đi khảo sát các mô hình sản xuất, làm ăn, qua đó gặp gỡ được nhiều gương nông dân điển hình, chân thực với những cách làm điển hình. Nhờ Báo NTNN tổ chức cuộc thi viết nên tôi có dịp được viết về những gương nông dân như thế.

Từ khi biết đến cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam do Báo NTNN tổ chức, ông Trần Trọng Trung, công tác ở Đài Truyền thanh Tam Nông (Đồng Tháp) đã gửi tới hơn 10 tác phẩm dự thi và đã có 3 tác phẩm được sử dụng.

Mỗi tác phẩm mà ông Trung viết đều khắc họa nên những nhân vật điển hình của người nông dân vùng Đồng Tháp Mười. “Tôi tình cờ biết đến cuộc thi qua một lần đọc Báo NTNN, sau đó tôi có lên báo điện tử Dân Việt để tìm hiểu thể lệ cuộc thi. Đọc xong thể lệ tôi thấy quanh mình có biết bao gương nông dân điển hình, nghĩ thế nên tôi viết”- ông Trung tâm sự.

Ông Trung đánh giá, cuộc thi này rất phù hợp trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Từ việc phản ánh những gương nông dân đó, giúp những người nông dân khác có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm về những cách làm mới, đồng thời rút kinh nghiệm trong cách làm của mình. “Là một độc giả, tôi rất muốn Báo tiếp tục duy trì cuộc thi này hàng năm, bởi quanh ta vẫn còn rất nhiều gương nông dân điển hình cần được “động viên” bằng những bài báo chân thực” - ông Trung giãi bày.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuyền (Báo Đại Đoàn Kết) thì chia sẻ, thể loại mà Báo NTNN lựa chọn để viết về gương những người nông dân cũng rất đặc biệt, đó là thể loại phóng sự, ký sự.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Tuyền, thường khi viết về gương nông dân làm ăn giỏi hay người tốt, việc tốt, các báo chỉ dành dung lượng bằng “một bao diêm”, vì dung lượng ngắn nên người viết không thể thể hiện hết được những chi tiết, hình ảnh độc đáo về nhân vật, mà chỉ có thể liệt kê theo kiểu thành tích trích ngang. “Với những bài viết trên Báo NTNN, chúng tôi được phóng bút thoải mái, qua đó không chỉ người viết hài lòng, mà người được viết cũng rất hài lòng. Song cũng có điều, cuộc thi đòi hỏi rất khắt khe, đó phải là những nông dân điển hình thực sự, người thật, việc thật”- nhà báo Đức Tuyền chia sẻ.

Những “niềm tự hào” trên báo

Theo Ban tổ chức cuộc thi, sau hơn 10 tháng phát động cuộc thi, đến nay Báo NTNN đã nhận được gần 900 tác phẩm gửi tham dự và đã có gần 50 tác phẩm được lựa chọn để đăng tải trên Báo NTNN số ra hàng ngày và trên báo điện tử Dân Việt. Điểm nổi bật của cuộc thi lần thứ 2 này là số lượng tác giả gửi bài tham dự cuộc thi đa dạng hơn, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, trong đó có rất nhiều tác giả là những cây viết không chuyên.

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Nếu như cuộc thi lần thứ nhất, mỗi bài dự thi chỉ được giới hạn trong khuôn khổ 1 trang báo với dung lượng 1.500 chữ, thì đến cuộc thi năm nay chúng tôi đã “nới” thêm cho mỗi tác phẩm được phép viết từ 1.600-2.500 chữ, nhằm khuyến khích các tác giả tìm hiểu sâu hơn về nhân vật mà mình viết. Đồng thời, ngoài các nhân vật điển hình, chúng tôi cũng mở rộng đề tài về các mô hình làm ăn tập thể giỏi, hiệu quả…”.

Theo nhà báo Lưu Quang Định, có thể khẳng định cho đến nay cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam đã có sức lan tỏa rất lớn, đây là chuyên mục đặc biệt nhất của Báo NTNN chuyên dành để viết về những gương nông dân điển hình và mỗi tấm gương đó đều chứa đựng một “niềm tự hào” đúng như tên gọi của cuộc thi là Tự hào Nông dân Việt Nam.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục duy trì cuộc thi này, đồng thời sẽ có những cơ chế để khuyến khích các tác giả tìm tòi, phát hiện thêm nhiều gương nông dân điển hình hơn nữa. Bởi hơn ai hết, họ chính là những người cần được tôn vinh, động viên”- ông Định cho biết.

Nhà báo, nhà văn Văn Chinh - thành viên Ban giám khảo cuộc thi thì nhận xét: “Hiện có biết bao nhiêu cái xấu, cái ác, cái lừa đảo, chụp giật… khiến nhiều người sống co lại và lo âu, niềm tin, niềm tự hào càng trở nên quý giá đối với niềm vui sống.

Và trong cái đáng tự hào đó lại nổi lên những người nông dân điển hình, khi biết tìm ra những cách làm ăn mới, hướng đi đúng để không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giúp đỡ những người xung quanh chưa có dịp vươn lên bằng mình. Thật may mắn, Báo NTNN đã kịp thời tổ chức cuộc thi viết về những “niềm tự hào” như thế”.

Giải nhất cuộc thi 30 triệu đồng

Theo thể lệ cuộc thi đã được Ban tổ chức công bố, cuộc thi được tổ chức dưới dạng thi viết với các thể loại phóng sự- ghi chép hoặc bút ký- tùy bút về những nhân vật có thật, không được hư cấu. Dung lượng tối đa mỗi bài viết từ 2.000 - 2.500 chữ + 3 ảnh (đảm bảo hình ảnh rõ nét).

Tác phẩm dự thi có thể là một tác phẩm (bài) viết về chân dung một con người cụ thể hoặc một chùm bài về những tập thể, vùng đất. Tác phẩm dự thi phải được gửi lần đầu tới Báo NTNN, chưa từng được đăng hoặc phát sóng trên các phương tiện truyền thông, ấn phẩm báo chí khác.

Cuộc thi dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. 

Sẽ trao giải cuộc thi vào đầu tháng 10

Thông báo của Ban tổ chức cuộc thi, thời gian nhận bài gửi tham dự cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 2 sẽ kết thúc vào ngày 15.9. Sau đó, Ban giám khảo sẽ tiến hành chấm giải. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao vào đầu tháng 10.2015.

Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo NTNN, 13 Thụy Khuê,

Tây Hồ, Hà Nội. Hòm thư điện tử (e-mail): ntnnhn@gmail.com (đề nghị ghi rõ: Bài dự thi Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 2”; trong thư và e-mail ghi số điện thoại, địa chỉ để Ban tổ chức có thể liên hệ với tác giả).


Có thể bạn quan tâm

Chống Hạn Cho Cây Trồng Vụ Mùa Chống Hạn Cho Cây Trồng Vụ Mùa

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, tỉnh ta đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, chủ động triển khai nhiều biện pháp sản xuất, quyết tâm giành thắng lợi vụ Mùa năm nay. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.

18/07/2014
Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ? Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ?

Tại huyện Chư Prông, nơi phát triển cây cao su mạnh nhất tỉnh Gia Lai với 34.000ha, đã có trên 30 hộ dân đốn hạ hàng trăm hec ta vườn cao su đang ở độ tuổi cho mủ. Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy.

02/08/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Giảm Nghèo Bền Vững Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Lang Chánh Hiệu Quả Từ Mô Hình Giảm Nghèo Bền Vững Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Lang Chánh

6 tháng đầu năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) huyện Lang Chánh đã thành lập được 20 nhóm tiết kiệm, quyên góp gần 258 triệu đồng, xét cho 241 lượt hội viên vay vốn sản xuất, nâng tổng số lên 117 nhóm tiết kiệm trong toàn huyện với tổng số tiền thu được là 1 tỷ 136 triệu đồng cho 3.411 lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế.

02/08/2014
Gần 1 Tháng Nghị Định 36 Về Cá Tra Có Hiệu Lực Gần 1 Tháng Nghị Định 36 Về Cá Tra Có Hiệu Lực

Nghị định số 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/4/2014 đã có nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các ngành liên quan.

18/07/2014
Đập Phá Trại Ong Vì Sợ... Hại Lúa Đập Phá Trại Ong Vì Sợ... Hại Lúa

Những ngày qua, do lo sợ ong mật bu bám vào lúa đang thời kỳ trổ bông sẽ làm giảm năng suất, một số người dân ở Quảng Ngãi đã kéo đến trại nuôi ong đập phá. Tuy nhiên, các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định nuôi ong mật không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cây trồng tăng năng suất.

02/08/2014