Những Nông Dân Điển Hình
Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đổi mới cách nghĩ, cách làm, giúp nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ phong trào, đã nổi lên nhiều gương nông dân điển hình tiêu biểu với nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị kinh tế cao.
“Vua sầu riêng”
Đến ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp hỏi nhà ông Lê Văn Sáu (Sáu Bờ), không còn ai xa lạ. Là nông dân đạt danh hiệu NDSXKDG nhiều năm liền của tỉnh và được bà con gần xa biết đến với mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình ông Sáu có 700 gốc sầu riêng trên diện tích 3,5ha, trong đó có 2ha đang cho trái. Ông Sáu cho biết: “Cuộc đời tôi gắn bó với cây sầu riêng hơn 25 năm. Ngày trước, gia đình cũng làm ruộng và trồng mía, cuộc sống có lúc cũng túng quẫn. Khi tham quan mô hình trồng sầu riêng ở Phong Điền (TP.Cần Thơ) cho hiệu quả cao nên tôi quyết định chuyển 1ha đất ruộng sang trồng thử nghiệm. Qua nhiều lần thu hoạch, thấy đây là cây trồng có triển vọng nên dần mở rộng diện tích”.
Khi mới đem cây sầu riêng về trồng, ngoài học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, gia đình ông Sáu còn được cán bộ khuyến nông xã tận tình chỉ dẫn về kỹ thuật, đồng thời vận động tham gia vào phong trào NDSXKDG của tỉnh phát động. Từ đó, vườn sầu riêng của ông không ngừng mang lại hiệu quả, nhiều bà con địa phương quen gọi ông với cái tên trìu mến là “ông vua sầu riêng”. Với 350 gốc sầu riêng đang cho trái (giống cơm vàng hạt lép và giống Thái), mỗi năm gia đình ông thu hoạch 25 tấn trái, cho nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, với diện tích 1,5ha sầu riêng mới trồng hơn một năm tuổi, ông Sáu còn tận dụng trồng xen thêm chuối để lấy ngắn nuôi dài, tiền thu nhập từ chuối mỗi năm cũng được từ 60-70 triệu đồng. Ngoài làm vườn, ông Sáu còn canh tác thêm 1,5ha trồng lúa, thu nhập hàng năm cũng vài chục triệu đồng.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Sáu còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Mỗi năm ông đều dành 5-10 triệu đồng cho công tác xã hội, riêng năm 2012 vừa qua, ông đã bỏ ra 35 triệu đồng cùng với bà con bắc 1 cây cầu giao thông nông thôn. Ông Sáu cũng sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong ấp quý trọng. Với ý chí không ngại khó để vươn lên, ông đã tự tìm tòi phương thức sản xuất thích hợp để từng bước phát triển kinh tế gia đình và làm điểm trình diễn cho bà con địa phương học hỏi. Nhiều năm liền, ông Sáu được bình xét là hộ NDSXKDG cấp huyện, tỉnh và được địa phương cử đi báo cáo điển hình về thành tích của bản thân tại các hội nghị điển hình NDSXKDG các cấp. Đặc biệt năm 2010, ông được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.
“Bà đỡ” cho cá, ếch
Anh Võ Đình Chiến, ở ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ cũng là NDSXKDG nhiều năm liền của tỉnh với mô hình nuôi thủy sản kết hợp. Gần 10 năm nay, anh Chiến đã từ bỏ nghề sửa chữa máy vi tính để chuyển sang nghề nuôi cá sặt rằn và ếch giống. Từ 70 cặp cá sặt rằn bố mẹ ban đầu, nay trại cá của anh đã có hơn 3.000 cặp cá và hơn 1.000 cặp ếch, mỗi năm xuất hơn 2 triệu con cá bột và ếch giống cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khu vực ĐBSCL, thu về nguồn lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Anh Chiến chia sẻ: “Có được kết quả trên là do Hội Nông dân các cấp tích cực phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Qua đó, các hộ dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học tập kiến thức lẫn nhau, từ đó hình thành các mô hình sản xuất đạt hiệu quả”. Không chỉ sản xuất cá giống, anh Chiến còn nuôi thành công với nhiều mô hình kết hợp cho lợi nhuận cao như: nuôi kết hợp giữa ếch và cá sặt rằn; nuôi ếch giống đẻ làm thức ăn cho rắn...
Bên cạnh hộ ông Sáu và anh Chiến, phải kể đến một số nông dân tiêu biểu khác như: ông Nguyễn Trung Thành với mô hình bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành; ông Thiều Văn Hải với mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ sinh học ở huyện Châu Thành A; mô hình nuôi heo của ông Võ Ngọc Lâm ở huyện Vị Thủy... Các mô hình trên đều cho thu nhập từ 100 triệu đến hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Cho dù không được đào tạo chính quy qua trường lớp, nhưng những sáng kiến, kinh nghiệm đã được áp dụng rộng rãi, tiết kiệm sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi mô hình đều có cách làm riêng, nhưng cái giống nhau là ở nghị lực và lòng tin về khả năng làm giàu từ chính nghề nông của mình.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Hữu Kế nhận định: Phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” là 1 trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động, là một chỉ tiêu thi đua quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động của Hội và phong trào nông dân. Xác định tầm quan trọng trên, ngay từ đầu mỗi năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký trở thành hộ SXKDG các cấp. Hội đa dạng hóa các hoạt động để hỗ trợ nông dân sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn hội viên tham gia, giới thiệu hội viên cho ngân hàng hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng phát triển kinh tế… Nhờ làm tốt các biện pháp trên, số NDSXKDG của tỉnh ngày càng phát triển, từ 54.569 hộ (năm 2006) lên khoảng 74.500 hộ hiện nay. Tuy nhiên, để phong trào ngày càng phát triển, trong giai đoạn tới, cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện để Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả hơn. Tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn, nhất là các cấp Hội Nông dân cần đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh…
Có thể bạn quan tâm
Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa phát hiện 2 ổ dịch bệnh lở mồm long móng với hơn 20 con bò bị nhiễm bệnh. Hiện các ổ dịch đã được khoanh vùng, không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.
Mô hình luân canh lúa- tôm sú đã và đang phát triển trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở đất Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khá lâu. Hiện nay do thoái hoá giống, năng suất lúa không được cao và luôn bị sâu bệnh tấn công nhất là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.
Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.