Những Kết Quả Trong Nuôi Trồng Thủy Sản
Vượt qua những thách thức do thời tiết, khí hậu và những khó khăn trong xử lý môi trường, kiểm soát nguồn bệnh… hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An thu được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và phối, kết hợp giữa các ngành, các đơn vị và chính quyền địa phương cùng với sự chủ động sáng tạo của người nuôi nên nhìn chung các chỉ tiêu kế hoạch nuôi trồng thủy sản trong năm 2014 đạt khá.
Diện tích, sản lượng đều đạt và vượt mức so với kế hoạch đề ra. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 23.610 ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ đạt 2.610 ha. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2014 đạt 44.443 tấn; Trong đó: Sản lượng nuôi ngọt đạt 34.593 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 9.850 tấn (chủ yếu tôm 6.000 tấn).
Sản xuất cá bột các loài năm 2014 đạt 500 triệu con, trong đó giống cá rô phi đạt 20 triệu con. Sản xuất, kinh doanh tôm giống toàn tỉnh có 19 cơ sở với 57 trại sản xuất và ương nuôi tôm giống đạt 1,2 tỷ con (số lượng giống tôm sú 205 triệu con, tôm thẻ chân trắng 995 triệu con).
Bên cạnh đó, các mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo thực hiện cũng đạt kết quả cao. Mô hình Ương nuôi cá giống cấp 2 tại các huyện miền núi năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận mang lại từ 140 triệu đến 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm thẻ theo hướng VietGAP, tôm thẻ bằng phương pháp sục khí đáy, mô hình nuôi cua thương phẩm cũng đạt kết quả tốt và thực sự trở thành những điểm trình diễn tin cậy cho nông dân, đưa tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt khoảng đạt 1.955 tỷ đồng.
Có được kết quả trên đầu tiên phải kể đến công tác kiểm tra, kiểm soát đầu vào, đầu ra thực hiện nghiêm túc. Tôm bố mẹ trước khi sản xuất được kiểm tra các tiêu chuẩn về kích cỡ, mầm bệnh, con giống trước khi xuất bán cũng được kiểm tra các chỉ tiêu về các mầm bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp &PTNT.
Mặt khác, nhằm đa dạng hoá loài nuôi, tỉnh có thêm 15 cơ sở đưa vào sản xuất cua giống đạt trên 18 triệu con và sản xuất giống cá biển đạt hơn 64 vạn con… góp phần cung cấp nguồn giống tại chỗ các hộ nuôi mặn lợ trên địa bàn tinh và các tỉnh lân cận. Năm 2014, thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ quỹ gen, giống gốc và phát triển nguồn lợi thủy sản hàng năm, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã tuyển chọn từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 các giống cá có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của tỉnh như rô phi dòng GIFT, chép V1 về ương nuôi và cung ứng cho một số đơn vị sản xuất giống: Công ty CP Giống và NTTS, cơ sở Nguyễn Cao Khương (Thanh Chương) nhằm thay thế dần đàn cá bố mẹ, nhờ đó mà chất lượng đàn cá giống cũng dần được cải thiện.
Đối với nuôi tôm nước lợ, năm nay các địa phương đã triển khai đúng theo lịch mùa vụ của ngành thông báo, năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng bình quân 3,7 tấn/ha; Năng suất tôm sú bình quân đạt 0,7 tấn/ha, vùng nuôi phường Quỳnh Dị, TX. Hoàng Mai đạt năng suất cao 8 tấn/ha.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình như: Hộ ông Ngô Xuân Đại, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu đã được chứng nhận nuôi tôm áp dụng quy phạm VietGAP từ năm 2013, vụ 1 năm nay gia đình ông có 4 ha nuôi tôm, thả con giống của Công ty CP, sản lượng thu hoạch đạt 27 tấn, năng suất 6,8 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch từ 60 - 70 con/kg, giá bán trung bình 160.000 - 170.000 đồng/kg, doanh thu đạt 4,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vụ 1, hộ ông lãi ròng hơn 2 tỷ đồng;
Hộ ông Nguyễn Cường ở Diễn Trung (Diễn Châu), năm 2014 bắt đầu thực hành nuôi tôm áp dụng theo quy phạm VietGAP trên diện tích 0,4 ha, thả giống của Công ty Việt Úc, sản lượng thu hoạch được 4,3 tấn, năng suất 11 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch 92 con/kg, giá bán 130.000 đồng/kg, doanh thu đạt 565 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 250 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Hồng Cương, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai...
Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như: cá mè, trắm, trôi, chép,… Ngoài ra, một số địa phương (TX. Cửa Lò, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Nam Đàn) đang phát triển nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: lươn, cá lóc đen, cá rô đầu vuông, cá diêu hồng, ba ba, ếch… hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến và bán thâm canh với mức đầu tư thấp, bên cạnh đó, phong trào nuôi cá - lúa cũng đang phát triển mạnh ở một số địa phương như Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Phong trào nuôi cá lồng bè trên sông suối, hồ đập tiếp tục phát triển, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du, số lượng lồng nuôi tăng từ 352 lồng năm 2013 lên 463 lồng nuôi.
Đặc biệt, huyện miền núi Tương Dương, số lượng lồng nuôi tăng lên đáng kể, từ 37 lồng năm 2013 lên 114 lồng nuôi, Quế Phong từ 125 lồng nuôi lên 150 lồng… có được kết quả đó là do thời gian gần đây người dân đã và đang dần tiếp cận với hình thức lồng nuôi công nghệ mới, chi phí thấp, dễ chăm sóc, quản lý, cùng với đó là sự hỗ trợ đóng mới lồng bè của UBND tỉnh và chính quyền địa phương đã tạo tâm lý cho người nuôi yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất.
Năm 2014, mặc dù đã có những thành công nhất định, tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản nước ngọt vẫn chưa tương xướng với tiềm năng, đặc biệt ở các hồ thủy điện, hồ chứa thủy lợi, đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống, những loài nuôi có giá trị kinh tế thấp. Do thiếu vốn đầu tư hệ thống công trình nuôi và chưa tìm được thị trường tiêu thụ, mặt khác các loại nuôi có giá trị kinh tế như cá chình, cá leo, cá lăng, cá ghé, trên địa bàn hiện nay chưa chủ động sản xuất giống.
Nuôi thủy sản mặn lợ năm nay vào đầu vụ tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, trong thời gian nuôi thời tiết nắng nóng xuất hiện mưa làm môi trường ao nuôi biến động lớn, gây phát sinh bệnh, nhiều vùng nuôi không sử dụng ao chứa lắng, xử lý nước trước khi lấy vào ao nuôi; người dân tự ý hút chất thải trong ao nuôi tôm thải ra môi trường bên ngoài, hệ thống kênh cấp nước đã bị bồi lắng nên rất khó khăn trong công tác lấy nước, ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất và chất lượng nước làm nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng cao.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi vẫn đang đồng ý cho các công ty, cơ sở cung ứng tôm giống thả giống trực tiếp xuống ao đầm không qua ương, kiểm định chất lượng và kích cỡ tôm giống chưa đạt tiêu chuẩn quy định ≥ P12; một số hộ nuôi chưa tuân thủ trong công tác phòng bệnh và dập dịch việc khử trùng tiêu độc trước và sau khi ra vùng nuôi, chưa thực hiện nghiêm túc công tác khai báo bệnh khi có bệnh xảy ra. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để thực hiện công tác phòng, chống dập dịch.
Vì thế, để nghề NTTS phát triển một cách bền vững, thiết nghĩ chúng ta cần có một số giải pháp cụ thể như: Đối với sản xuất giống, chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá rôphi... Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ tôm giống, cá giống cả về chất lượng và số lượng nhằm phục vụ tốt cho nuôi thương phẩm.
Về nuôi trồng mặn lợ, bên cạnh việc ổn định diện tích, năng suất, sản lượng nuôi và xác định tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng nuôi chính thì cũng cần phát triển một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng hình thức nuôi luân canh, xen canh, đặc biệt là đối với những vùng nuôi tôm kém hiệu quả, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng biển, cửa sông.
Đối với nuôi trong môi trường nước ngọt cần tập trung đẩy mạnh phát triển đa dạng các hình thức nuôi cá trong ao, trong bể, ruộng lúa và đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông, hồ đập nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung hướng tới xuất khẩu, bên cạnh đó cần nhân rộng một số mô hình nuôi cá có giá trị kinh tế cao như: cá leo, cá lăng, cá chình…
Về công nghệ cần đẩy mạnh việc áp dụng theo quy phạm nuôi trồng thủy sản VietGAP, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thông qua việc đánh giá các mô hình khuyến nông như: Nuôi tôm trong nhà, nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp, nuôi lươn không bùn... nhằm tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Nguồn bài viết: http://www.baonghean.vn/kinh-te/201412/nhung-ket-qua-trong-nuoi-trong-thuy-san-564721/
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Huy Ngoạn ở thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một trong số nông dân hiếm hoi đạt được hai cái nhất. Đó là nuôi cá sinh sản, cá giống giỏi nhất và trồng ổi Đài Loan đạt hiệu quả kinh tế cao nhất vùng.
Trong những ngày đầu tháng 8/2013, Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư kết hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau chọn 2 ấp Tân Hiệp và Tân Thuộc, xã An Xuyên làm điểm chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn năm 2013.
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời điểm bà con nông dân ở Chí Linh bước vào vụ thu hoạch na. Gia đình bà Mai Thị Khánh, ở thôn Tân Tiến là một trong những hộ trồng na khá sớm ở xã Hoàng Tiến. Từ năm 2001, khi cây vải giảm giá trị kinh tế, vợ chồng bà đã mạnh dạn chuyển sang chuyên canh trồng cây na dai.
Bưởi da xanh và bưởi năm roi rất phù hợp với vùng đất thổ nhưỡng ở đây, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha. Với giá cao và ổn định như thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng bưởi thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.
Bằng quyết tâm của mình, anh Võ Viết Dũng (xã Hải Thái, Gio Linh, Quảng Trị) đã vượt lên đói nghèo, và giờ đây có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.