Những Giống Lúa Có Khả Năng Kháng Bệnh Tốt
Một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa chính là tình hình sâu bệnh ngày càng hoành hành. Nhiều diện tích lúa đã bị cháy khô vì nhiễm rầy. Tuy nhiên, cũng có không ít giống lúa đã chứng minh được ưu thế với khả năng thích ứng, kháng sâu bệnh tốt.
Nhiều diện tích lúa mất trắng
Thái Nguyên là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của sâu bệnh, không chỉ ở trà lúa mùa sớm mà cả ở trà trung, trà muộn.
Cụ thể, trà lúa mùa trung có 860ha nhiễm rầy, trong đó diện tích nhiễm nặng lên tới 25ha, đa phần rầy đều ở độ tuổi 1, 2 và trưởng thành, mật độ trung bình 613 con/m2, nơi cao có thể lên đến 2.460 con/m2; cá biệt tại huyện Võ Nhai, có nơi mật độ rầy lên tới 4.000 - 10.000 con/m2. ở trà lúa muộn, diện tích nhiễm rầy đạt mức kỷ lục, gần 1.400ha, trong đó 422ha nhiễm nặng.
Ông Vũ Quốc Thành, Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên cho biết: “Không chỉ nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, 738ha lúa mùa trung và 2.864ha lúa mùa muộn của tỉnh còn bị bệnh khô vằn, tập trung chủ yếu ở Phổ Yên, Phú Lương, Võ Nhai, thị xã Sông Công và T.P Thái Nguyên. Tỷ lệ nhiễm trung bình 11-12%, nơi cao 60 - 70%, nhiều diện tích lúa bị cháy hoàn toàn”.
Không chỉ ở Thái Nguyên, tình hình sâu bệnh ở Phú Thọ cũng diễn biến phức tạp. Sâu cuốn lá nhỏ đã “ngốn” gần 1.833,6ha lúa của người dân trong tỉnh, theo đó diện tích nhiễm nhẹ là 1.187ha, nhiễm trung bình 377,1ha, nhiễm nặng 269,2ha. Đặc biệt, rầy nâu, rầy lưng trắng gây thiệt hại 11.125,1ha lúa. ông Lê Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho hay: “Tình hình sâu bệnh trên trà lúa muộn diễn biến khá phức tạp, các huyện bị ảnh hưởng nặng là Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng”.
Đặc biệt, tại huyện Phù Ninh có hơn 900ha lúa bị rầy gây hại, trong đó có hơn 600ha đã được phòng trừ. Diện tích chưa phun thuốc có mật độ trung bình 6.000-7.000 con/m2; cục bộ có ổ còn lên đến gần 1 vạn con/m2 như ở xã Tử Đà. Cùng với rầy, sâu đục thân cũng xuất hiện cục bộ ở một số ruộng tại xã Tiên Du.
Ưu thế vượt trội của các giống lúa lai
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những giống lúa lai như Thiên nguyên (TN) ưu 9, TN ưu 16 hay D ưu 130 đang thật sự là “bảo bối” của nông dân nhờ khả năng kháng sâu bệnh.
“Mục sở thị” các cánh đồng ở huyện Phú Lương, TP. Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy rõ sự đối lập giữa giống TN ưu 9 và lúa thuần ở địa phương. Trong khi TN ưu 9 sinh trưởng, phát triển bình thường thì diện tích lúa thuần cháy khô hoàn toàn. Theo ông Thành: “Những diện tích bị mất mùa chủ yếu là các giống lúa thuần như Khang dân, Bồi tạp sơn thanh... Đây những giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh kém nên thiệt hại khó tránh khỏi”.
Ở Phú Thọ, không chỉ phù hợp ở nhiều chân ruộng, TN ưu 16 còn thể hiện những tính năng nổi trội trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như ở huyện Cẩm Khê. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời kỳ đẻ nhánh, phân hoá đòng, nhiều giống như Khang dân 18, Thiên ưu 1 bị sâu bệnh bủa vây nhưng TN ưu 16 vẫn bình an vô sự.
Tại xã Hoàng Xá (Thanh Thuỷ - Phú Thọ), D ưu 130 cũng thể hiện những tính năng vượt trội không kém khi phù hợp với cả chân ruộng trũng và chân ruộng cao. ông Nguyễn Đăng Xuân, HTX Hoàng Xá cho biết: “Kể cả khi thời tiết rét kéo dài hay sâu bệnh hoành hành thì giống lúa này vẫn đứng vững, sạch bệnh”.
Không chỉ ở Phú Thọ, Thái Nguyên mà ngay cả vùng đất khắc nghiệt như huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang), các giống lúa lai cũng khẳng định được ưu thế của mình. Bà Hoàng Thị Loan, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp chia sẻ: “TN ưu 16 thật sự là giống lúa nhiều ưu điểm vì vừa cho năng suất cao, vừa hoàn toàn khoẻ mạnh trước sự càn quét của sâu bệnh”.
Ông Trần Anh Thái, Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ cho hay: “TN ưu 9, TN ưu 16 và D ưu 130 không chỉ có khả năng chống chịu tốt sự khắc nghiệt của thời tiết, sâu bệnh mà còn cho năng suất cao (6,2 tấn/ha với TN ưu 16, TN ưu 9 đạt 5,8 tấn/ha và D ưu 130 là 7 - 8 tấn/ha), tạo được uy tín với nông dân. Chỉ tính riêng vụ mùa vừa qua, Trung tâm đã xuất hơn 60 tấn, phục vụ nhu cầu của bà con các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...”.
Có thể bạn quan tâm
Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.
Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ 25/8/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
Cơ sở của Panasonic có khả năng sản xuất 3,6 tấn lương thực hàng năm với 10 loại rau quả. Trang trại trong nhà cũng là mảng kinh doanh ưa thích của nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản. Fujitsu đang trồng rau diếp tại các nhà máy ở Fukushima, trong khi Sharp trồng dâu tại Dubai.
Đúc kết kinh nghiệm mô hình cho thấy, ngoài việc trồng rau màu các loại, anh Giáo còn tận dụng đất theo bờ kênh trồng cỏ VA06 và kết hợp với phụ phẩm trồng trọt để nuôi thêm 3 con bò vỗ béo; sau 12 tháng bán được 60 triệu đồng, lợi nhuận được 50%.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt dự án thí điểm chuỗi liên kết “chăn nuôi - thu mua - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế, kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách tỉnh.