Những Dũng Sỹ Bảo Vệ Mùa Màng Bội Thu
Khoảng dăm năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, số người tham gia bắt chuột ngoài đồng ngày một nhiều. Có thể gọi họ là những “dũng sỹ” bảo vệ mùa màng bội thu, cho dù chưa hẳn ai cũng ý thức được đầy đủ rằng cần phải diệt chuột vì chúng là “chuyên gia” cắn phá cây trồng.
Bắt chuột – một thú vui!
Nói như vậy không quá một chút nào! Ở các vùng quê ven đô, cánh nam giới, phần lớn là thanh niên, trung niên, sau một tuần làm việc trong nội thành, ngày chủ nhật nghỉ ở nhà không có gì vui bằng được quây quần với nhau bên mâm rượu, uống với nhau vài ba chén, hàn huyên chuyện làm ăn, chuyện gia đình... Bây giờ, khi cuộc sống có phần no đủ, sung túc hơn trước đây, việc lo ít mồi để ngồi lai rai cũng thật đơn giản.
Nhưng với họ, cùng “sinh ra từ gốc rạ, lớn lên trên gốc rạ”, cùng chăn trâu, cắt cỏ với nhau thì những món ăn đồng quê, trong đó có món thịt chuột đồng mới thật là “khoái khẩu”. Thời buổi kinh tế thị trường cái gì chẳng có, chỉ cần bỏ ra vài ba trăm nghìn đồng là có thể có bữa rượu thịt chuột tươm tất. Nhưng nếu vậy thì đâu còn cái thú, làm sao tìm lại được không khí của thuở thiếu thời. Thế thì chỉ còn cách là cùng nhau ra đồng bắt chuột!
Thời điểm này ra đồng bắt chuột quả là thú vị! Trong cái tiết trời se se lạnh, khô ráo, không khí đồng quê thoáng đãng, trong lành. Cánh đồng sau vụ gặt tháng mười trải rộng, trơ ra những gốc rạ, đất trên mặt ruộng bắt đầu nứt nẻ vì hanh khô. Tuy nhiên, cỏ trên những bờ ruộng, hay dưới con mương, con máng dẫn nước tưới, tiêu (thời điểm này đã cạn nước) vẫn còn giữ được màu xanh. Đây chính là nơi trú ngụ lý tưởng của loài chuột đồng, và đương nhiên là những điểm cần tìm đến của những người đi bắt chuột ban ngày.
Ngày chủ nhật, trên đồng quê ven đô y như ngày hội: Từng nhóm, từng nhóm (mỗi nhóm khoảng chục người), tỏa đi các xứ đồng để bắt chuột. Tiếng nói cười, chuyện trò rôm rả. Dụng cụ bắt chuột cũng thật đơn giản, đó là những chiếc gậy tre để đập cỏ, xua chuột ra khỏi nơi trú ẩn. Trong nhóm, mỗi người một việc, người thì cầm gậy xua chuột, người thì sẵn sàng vồ chuội khi chúng chạy ra chỗ đất trống, đương nhiên là phải có người cầm bao tải để đựng những “tù binh” chuột.
Nhưng có lẽ, với bất kỳ nhóm bắt chuột đồng không chuyên nào, thì để bắt chuột hiệu quả nhất phải có sự trợ giúp của những chú chó “hay” chuột. Với sự trợ giúp đắc lực của những chú chó thì dù chuột có gan lỳ đến đâu cũng phải rời khỏi hang, hoặc nơi trú ẩn để chạy ra ngoài khu ruộng trống... Cứ như vậy, chỉ cần vài ba tiếng đồng hồ, mỗi nhóm đã bắt được vài chục con chuột, tương đương 3-4 kg. Thế là đã đủ cho cuộc rượu hàn huyên ngày cuối tuần.
Thu nhập đáng kể trong ngày nông nhàn
Như đã đề cập ở trên, với những người tìm được việc làm ở nội thành thì ngày nghỉ chủ nhật việc cùng bạn đi bắt chuột là một thú vui, một thú tiêu khiển. Theo họ, tự mình đi bắt chuột đồng không chỉ để tìm lại không khí tuổi thiếu thời đã qua, mà tự tay đi bắt rồi về chế biến, ăn vẫn thấy ngon và yên tâm hơn vì thật sự là chuột “sạch”. Chuột đồng sau vụ gặt một hai tháng vẫn còn béo múp; sau khi chế biến thịt ăn thơm ngon không thua kém gì thịt gà “chạy bộ”.
Chú chó "hay" chuột góp phần không nhỏ trong mỗi lần đi bắt chuột đồng của nhóm bắt chuột không chuyên
Trên thực tế, thịt chuột đồng ngon phải là chuột đàn, mỗi con bình quân chỉ nặng khoảng một đến hai lạng (0,1-0,2kg/con). Cũng là chuột đồng nhưng nếu là loài chuột đất thì mỗi con có thể nặng đến một cân, thịt ăn hôi và gây. Thịt chuột đồng sau khi làm sạch lông, bỏ đầu, bỏ hết nội tạng, thui qua lửa rơm có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như: luộc, hấp, rán, nướng... Nhưng với những người sành ăn, thì món thịt chuột ngon nhất vẫn là hấp và ép với lá chanh, hoặc nướng kẹp lá ổi trên than hoa chấm với muối gia vị ớt, chanh.
Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, báo chí đã có nhiều bài viết về các làng chuyên đi bắt chuột, nhất là sau vụ gặt, như: Đại Đồng, Hương Ngải (Thạch Thất); Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì)... Bắt chuột trở thành nghề cho thu nhập khá cao trong những lúc nông nhàn đối với nhiều người dân ở đây; thịt chuột cũng trở thành món ăn khoái khẩu đối với những người dân địa phương và có thể nói là món ăn không thể thiếu trong những mâm cỗ. Ở những vùng quê này, có cả chợ bán thịt chuột và đương nhiên, thịt chuột là thực phẩm bán chạy hơn các loại thực phẩm khác.
Ngoài những làng quê kể trên và những nhóm đi bắt chuột đồng không chuyên để tìm thú vui, thì vài năm gần đây, nhiều vùng quê ven đô, sau vụ thu hoạch lúa, nhất là vụ mùa (vụ tháng mười này) đã xuất hiện nhiều người đi bắt chuột đồng chuyên nghiệp.
Họ cũng thành lập nhóm, mỗi nhóm 3-4 người, bình quân mỗi ngày bắt được khoảng 10kg, với giá bán dao động 130-150 nghìn đồng/kg (chuột đã được làm sạch lông, bỏ đầu và nội tạng và người mua chỉ việc mang về chế biến). Như vậy, có thể nói đi bắt chuột đồng thật sự là một nghề thêm thắt cho thu nhập của gia đình họ trong lúc nông nhàn. Có cầu ắt có cung, vì thế ở không ít làng quê, sau vụ thu hoạch lúa, các quán chuyên bán hàng ăn cũng đưa vào thực đơn món thịt chuột.
Tuy chưa ai thống kê đầy đủ, sau vụ gặt, mỗi ngày có bao nhiêu chuột đồng được thịt và tiêu thụ. Thế nhưng, chắc chắn một điều, dù người đi bắt chuột đồng chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp cũng đã góp phần không nhỏ làm giảm đi đáng kể số lượng của loài gặm nhấm này (một loài có chu kỳ sinh sản dày, số lượng mỗi kỳ sinh sản nhiều) khi bước vào vụ gieo trồng mới.
Có thể bạn quan tâm
Đó là Quỹ Xúc tiến đầu tư nông lâm nghiệp (APIF) thuộc Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp ở Bắc Kạn (3PAD).
Đó là phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khi lên thăm làng nghề làm giấy bản truyền thống tại thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang, chiều 14.4. Đây là làng nghề mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội) cho vay vốn đầu tư.
Trong bối cảnh "thắt tải trọng”, không chỉ có nông dân long đong mà các nhà máy đường cũng đang khốn khó vì ách tắc hoạt động.
Chi cục Thú y Kiên Giang đã kiểm tra, phúc kiểm được gần 1,5 tỷ con tôm giống nhập tỉnh, sau đó cho tiêu hủy 90.000 con tôm giống kém chất lượng.
Anh Phạm Hoàng Lộc trồng 1 ha cam sành cho biết, vườn cam mới thu hoạch được 10 tấn, giá bán 29.000 đồng/kg, thu 290 triệu đồng.