Những Chiêu Trò Xí Phần: Có Ưu Đãi Tội Gì Không Xí
Màu hồng chỉ có trên... báo cáo
Tỉnh Bắc Giang có 5 KCN với tổng diện tích chiếm đất là 1.209,8ha, trong đó các KCN đã cho thuê 235 ha đất công nghiệp. Nếu nhìn vào báo cáo tổng kết của BQL các KCN tỉnh Bắc Giang năm 2011, năm “vượt mức so với kế hoạch và chỉ tiêu đề ra” thì rất dễ lầm tưởng rằng chính sách công nghiệp hóa của tỉnh này đã thành công rực rỡ lắm rồi.
Những con số trên giấy dường như muốn phản bác tất cả các ý kiến cho rằng họ đang bỏ hoang các KCN một cách lãng phí. Ví như, tỷ lệ lấp đầy KCN tính trên diện tích đất công theo quy hoạch là 29,2%, tỷ lệ lấp đầy KCN tính trên diện tích đất đã giao cho các chủ kinh doanh hạ tầng là 32,6%, tỷ lệ lấp đầy KCN tính trên diện tích đất đã san lấp mặt bằng là 70,1%... Vậy nhưng, “màu hồng” ấy chỉ có trên các báo cáo, còn thực tế tại các KCN lại hết sức đáng buồn.
“Cánh chim đầu đàn” của quá trình phát triển công nghiệp ở Bắc Giang là KCN Đình Trám đóng ở huyện Việt Yên. KCN thành lập đầu tiên của tỉnh từ năm 2003 này được báo cáo là có tỷ lệ lấp đầy lớn nhất: 100% nên họ không ngần ngại khoe rằng: Năm 2011, KCN Đình Trám có 62 DN đứng tên hoạt động. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, con số mang nặng ý khoe mẽ ấy chỉ có vẻ bề ngoài.
Lão nông Nguyễn Văn Bình, một nông dân mất đất ở xã Hoàng Ninh dẫn tôi vào sâu bên trong khuôn viên của KCN Đình Trám, nơi được bao bọc bởi hệ thống tường rào hết sức quy mô. Trái với sự chỉn chu bên ngoài, nơi ấy là những bãi đất bỏ hoang, những ngôi nhà điều hành, trụ sở của các DN xập xệ, những công trình thi công dang dở... Thậm chí, một số DN khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, có vẻ đã hoạt động được một thời gian, bên ngoài treo biển cần tuyển công nhân nhưng bên trong trống hơ trống hoác. Thực trạng chẳng đúng với tổng kết “100% lấp đầy” của Ban Quản lý chút nào. Thực trạng mà những người nông dân như ông Bình gọi là chiêu trò “treo đất” hoặc “găm đất” của các DN khi đầu tư vào KCN Đình Trám.
Điển hình là Cty TNHH Hồng Thịnh. Dù có mặt tiền hướng ra đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn nhưng nhà máy sản xuất của công ty này trông thật thảm hại. Hệ thống tường bao hoen gỉ, cơ sở hạ tầng xây dựng dang dở, phơi nắng phơi mưa nên đã sập đi hơn một nửa. Cỏ hoang mọc um tùm, leo hẳn lên bức tường bao như thể muốn chuyển tải thông tin: Nơi này đã bỏ không từ lâu lắm. Vì vậy, muốn liên hệ làm việc với DN này thật khó, bởi “đại diện” của họ chỉ là một ông bảo vệ và đàn bò của gia đình ông này dẫn vào chăn thả ngay bên trong khuôn viên. Tôi thử vào, chưa giới thiệu gì ông bảo vệ đang chăn bò đã vội khoát tay: Không có ai đâu.
Thực trạng đáng buồn của Cty Hồng Thịnh chỉ là một trong số những DN nhảy vào KCN Đình Trám nhưng không phải vì mục đích đầu tư. Sau khi nhường đất lúa cho KCN, cánh nông dân như ông Bình đã không ít lần vác đơn kêu kiện khắp các cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết, để tìm cách xử lý thực trạng “treo đầu dê bán thịt chó” này. Nhưng bao năm rồi vẫn vậy. Thậm chí, khi viết đơn họ còn liệt kê hàng loạt DN “làm ăn lem nhem”, ráo riết tố cáo. “Họ lấy được đất xong chẳng đầu tư làm ăn gì cả. Xí phần xây dựng được một vài khu nhà rồi tìm cách chuyển nhượng kiếm lời. Cụ thể: Cty Giày Nam Giang sản xuất được 3 năm rồi bán cho phía Hàn Quốc, Cty Giày dép Quỳnh An thì xây nhà cho thuê, Cty Mỳ tôm Hoàng Gia xây xong để hoang, Cty Ô tô Đồng Vàng lấy cớ thua lỗ rồi bán cho Tập đoàn Hồng Hải... Họ làm công nghiệp theo kiểu như thế nên con cái chúng tôi muốn vào làm công nhân cũng chịu. Ngoài cổng thì treo biển đề tuyển thế thôi chứ liên hệ nộp hồ sơ thì chẳng có ma nào nhận cả”, ông Bình bất bình.
Theo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, năm 2011 họ đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư trong các KCN, phân loại các dự án để có biện pháp xử lý. Thực tế cũng có những dự án đầu tư hiệu quả nhưng đi kèm với đó là các dự án đầu tư cầm chừng để giữ đất. Đến hết tháng 10/2011, BQL đã xử lý thu hồi 5,9 ha của 7 dự án. Tuy nhiên, theo những người dân như ông Bình, con số này là quá ít so với thực trạng nhiều DN “treo đầu dê bán thịt chó” cần phải xử lý.
Thảm đỏ rước cả... tội phạm khét tiếng
Chủ tịch HĐQT của một trong những DN đầu tiên đặt chân đến KCN Đình Trám là Nguyễn T. (xin được giấu tên) kể với chúng tôi rằng, những năm 2003-2004, khi tỉnh Bắc Giang bắt đầu thu hút đầu tư, mời gọi các DN đến KCN Đình Trám, lãnh đạo tỉnh này cam kết miễn thuế đất 5 năm, giảm thuế 50% trong 5 năm tiếp theo, và hàng loạt các ưu đãi về thủ tục khác. Hấp dẫn hơn là chuyện UBND tỉnh Bắc Giang đầu tư toàn bộ hạ tầng như chi tiền GPMB, đền bù đất lúa cho dân, đổ đất san nền, xây hàng rào và kéo đường điện về tận chân diện tích đất mà DN đăng ký. “Ưu đãi là thế, chỉ có ngu mới không đăng ký diện tích lớn”, ông T. phân trần.
Theo tính toán của ông Chủ tịch HĐQT DN này, với hơn chục ha đất được tỉnh giao kiểu “cấp không” cho DN, ông xây dựng 2 nhà máy hết tối đa 2 ha, các công trình phụ trợ hết khoảng 0,5ha, vẫn còn hàng chục ha để “phòng bị”. “Khi tích lũy đủ vốn, nhân lực, sẽ mở rộng nhà máy sản xuất, còn nếu không, DN sẽ tìm cách cho thuê lại kiếm lời”. Ấy vậy mà, lắm bận tiếp xúc với những ai muốn ca ngợi KCN Đình Trám, vị này cũng phải “giấu ngượng” mà “ca theo kịch bản” rằng: Năm vừa qua Cty sử dụng lao động có tay nghề cao. Thu nhập, lương thưởng cũng tăng gấp rưỡi năm trước. Đây là KCN đầu tiên trong tỉnh đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, có nhiều Cty sản xuất quy mô lớn, có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 300 triệu USD, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng…
Đoàn giám sát kết luận: Hiệu quả đầu tư thấp, tỉnh bỏ ra hàng nghìn ha đất nông nghiệp, nhiều tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ GPMB và đầu tư hạ tầng nhưng kết quả thu hút đầu tư lại cực kỳ hạn chế. Thu ngân sách từ khu vực kinh tế này của tỉnh, tính từ năm 2006 đến nay, mới chỉ đạt… 15 tỷ đồng. “Hiệu quả thấp như vậy kém xa so với trồng lúa. Đất sản xuất thì không còn, nông dân gặp khó khăn, họ khiếu kiện cũng không có gì khó hiểu”, một vị lãnh đạo HĐND tỉnh nói.
Câu chuyện xí phần trong KCN ở tỉnh Bắc Giang của các DN xem ra là chuyện đương nhiên. Còn nhớ, cách đây vài năm, khi KCN Song Khê – Nội Hoàng đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, một nhà đầu tư đã tuyên bố, với cơ chế ưu đãi “không đâu có” như Bắc Giang, sẽ rất sớm thôi, tỉnh này sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, là điển hình trong thu hút đầu tư của cả nước nói chung, của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng. Và, cũng chính nhà đầu tư này mạnh dạn nhận giúp tỉnh bằng cách đứng ra đảm nhiệm việc xây dựng và thu hút đầu tư. Sau này sự việc vỡ lở thì các lãnh đạo tỉnh mới ngớ người, hóa ra đại gia trên chính là một mắt xích trong băng nhóm tội phạm khét tiếng của TP. Hồ Chí Minh.
Thu hút đầu tư kiểu Bắc Giang khiến không chỉ KCN Đình Trám mà hơn 400 ha đất của KCN Quang Châu, 425 ha đất lúa của KCN Vân Trung… đang bị bỏ hoang một cách thảm hại. Đoàn giám sát ĐBQH – HĐND tỉnh này từng phán: UBND tỉnh không kiểm soát được tiến độ đầu tư hạ tầng. Cụ thể, KCN Quang Châu được thành lập năm 2006, diện tích 426 ha nhưng chủ đầu tư mới san lấp được 92 ha. 7 dự án đầu tư vào KCN này chỉ với diện tích gần 44 ha thì 3 DN đã hoạt động, 1DN đang xây dựng và 3 DN chưa có động tĩnh gì. KCN Vân Trung còn thảm hơn. Tổng diện tích được duyệt là 425 ha nhưng chủ đầu tư mới san lấp được 144 ha, hiện vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Trong khi các KCN chưa được “lấp đầy” thì UBND tỉnh lại tiếp tục thu hồi đất lúa.
Có thể bạn quan tâm
Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.
Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.
Qua kiểm tra, đánh giá giai đoạn 2005-2010 thành phố Việt Trì đã khuyến khích khôi phục, phát triển lại; huyện Phù Ninh lập dự án trồng hồng không hạt Gia Thanh. Giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 30 ha hồng không hạt trên địa bàn huyện Phù Ninh, đến nay đã trồng được 13 ha.
Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.
Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.