Nhức nhối tình trạng tận diệt nguồn thủy sản
Nguồn lợi thủy sản đang cạn dần
Theo Chi cục Thủy sản, địa phương hiện có 5 nghiệp đoàn nghề cá và 623 tổ đoàn kết với hơn 4 ngàn tàu, thuyền cùng hơn 25 ngàn lao động. Tuy vậy, thời gian qua, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh tăng chậm, thu nhập của các chủ tàu và ngư dân có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là do nguồn lợi hải sản suy giảm bởi nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, thuốc nổ, điện và tận diệt hải sản non,... Trước thực trạng trên, thanh tra thủy sản Bình Thuận, cùng các ngành liên quan đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng tình hình vẫn chưa được thay đổi nhiều.
Lão ngư Ngô Văn Nuôi, Tổ trưởng tổ Đoàn kết số 1 (phường Hưng Long, TP Phan Thiết), cho biết: “Tình trạng tàu giã cào bay, dùng thuốc nổ, điện để tận diệt thủy sản diễn ra lâu nay đang khiến những ngư dân như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chủ tàu sau những chuyến đi biển bị thua lỗ đã phải bán cả tàu cá”. Theo nhiều ngư dân đi biển ở TP Phan Thiết, chỉ cần không thấy lực lượng chức năng là những tàu giã cào bay dù chưa đi đến đúng vị trí được phép đánh bắt nhưng họ đã thả lưới quét. Hai tàu giã cào bay luôn đi cặp, sau khi thả lưới, 2 tàu sẽ chạy song song với nhau để kéo lưới. Với chiều dài của dàn lưới giã cào dài nhất lên đên 1.500 m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé nằm giữa 2 tàu gần như bị quét sạch. Đồng thời, ông Nguyễn Vũ Nhật Quang, Cán bộ Kinh tế phường Hưng Long, TP Phan Thiết, cho biết: Ngoài những tàu giã cào bay đang hoạt động lén lút, tình trạng ngư dân dùng thuốc nổ tận diệt các loài thủy sản cũng đang khiến nguồn lợi biển ngày càng cạn dần.
Theo thanh tra Thủy sản tỉnh Bình Thuận, hoạt động giã cào bay, đánh bắt hải sản bằng chất nổ hoạt động ngày càng tinh vi. Những hoạt động này thường diễn ra vào ban đêm. Khi phát hiện lực lượng Thanh tra thủy sản, các tàu giã cào bay sẽ lập tức thu lưới lên, còn các tàu đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ sẽ phi tang tang vật nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Ngoài việc nguồn lợi thủy sản dần bị cạn kiệt, thì việc đánh bắt bằng thuốc nổ, điện còn rất nguy hiểm đến tính mạng ngư dân, đã có trường hợp ngư dân bị thiệt mạng và bị thương vì đánh bắt bằng thuốc nổ.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, TP Phan Thiết cho rằng, nghề giã cào bay và đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ, điện đang khiến nguồn lợi biển bị cạn kiệt. Trước đây, sản lượng thủy sản phường Mũi Né đạt khoảng 11-12 ngàn tấn/năm, nhưng hiện tại sản lượng đang có chiều hướng giảm. Đặc biệt, cá cơm hiện sản lượng chỉ còn khoảng 3-4 ngàn tấn/năm, giảm nhiều so với cách đây nhiều năm. Năm 2014, toàn phường có khoảng 127 cơ sở chế biến cá cơm thủ công, nhưng do nguồn thủy sản này đang ngày càng khan hiếm nên giờ chỉ còn khoảng dưới 100 cơ sở chế biến cầm chừng. Ngoài những vấn đề trên, tình trạng ngư dân Bình Thuận tận diệt thủy sản hai mảnh như: sò điệp, sò lông, dòm nâu, bàn mai và nghêu lụa… đang khiến nguồn lợi này bị cạn kiệt.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát
Ngăn chặn khai thác hải sản bằng thuốc nổ luôn khó khăn phức tạp. Thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Do vậy, để ngăn chặn từ xa hiệu quả, địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những ngư dân trong và ngoài tỉnh cố tình vi phạm. Việc tuyên truyền cho ngư dân thấy rõ tác hại, nguy hiểm của việc làm đánh bắt thủy sản trái phép cần được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng ở xã, phường tăng cường vận động, đấu tranh; phối hợp với các tỉnh lân cận trong quản lý khai thác hải sản trên biển; phối hợp tấn công tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ, vật gây nổ từ trong đất liền; lập đường dây nóng; tổ chức ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã triển khai cho ngư dân vay vốn theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, đóng mới tàu lớn vươn khơi. Những ngư dân khó khăn, địa phương đã phối hợp các lực lượng vận động thành lập các “Tổ ngư dân tự quản”, “ Tổ ngư dân Đoàn kết”, nhằm liên kết ngư dân góp vốn đóng tàu, thuyền lớn, mua sắm ngư cụ mới; hỗ trợ nhau phòng, chống tai nạn; vận động, giám sát nhau, ngăn chặn sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo về việc cấm khai thác các loại hải đặc sản nhuyễn thể có giá trị này trên vùng biển Bình Thuận trong thời gian 4 tháng (từ 1/4 đến 31/7).
Quan trọng nhất là làm cho bà con ngư dân hiểu được rằng: bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ cuộc sống của nhiều thế hệ ngư dân sau này.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn 2010 - 2015 sản lượng ngành Thủy sản Nghệ An đạt 145.000 tấn, tăng 45% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua đặt ra; kết quả đó là từ nỗ lực của nghề cá nhân dân trong khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản...
Theo lịch thời vụ, thời gian thả nuôi tôm quảng canh mô hình tôm - lúa đã kết thúc, ngành nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo nông dân cần xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn cho đất, chuẩn bị gieo sạ lại vụ lúa để sản xuất bền vững.
Bên cạnh những mùa bội thu, nhiều vụ người nuôi tôm lâm vào cảnh tay trắng vì tôm dịch, chết. Khi tôm chết, đỏ thân thì xuất hiện một nghề rất mới - nghề buôn tôm đỏ (tôm thối).
Theo thống kê của Trạm Nuôi trồng thủy sản huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), vụ 1 năm 2015 trong số hơn 60 ha nuôi tôm lót bạt trên toàn địa bàn thì chỉ có khoảng 40% các ao nuôi thu được lợi nhuận.
Đây là con số được đưa ra tại cuộc họp giao ban tháng 9 về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất quý III, nhiệm vụ công tác quý IV được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/10/2015, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.