Nhiều Giống Cây Trồng, Vật Nuôi Có Chất Lượng Được Tuyển Chọn

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thì trong giai đoạn 2011-2013, ngành đã triển khai thực hiện được 3 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 4 đề tài KH&CN cấp tỉnh và 3 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển KH&CN cấp cơ sở.
Thông qua các đề tài, dự án, các cá nhân, tổ chức đã tuyển chọn được một số giống cây, con có năng suất, chất lượng cao. Ðồng thời, các thành tựu công nghệ sinh học cũng được ứng dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần gia tăng sản lượng, cung cấp sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong đó, đối với lĩnh vực cây trồng, thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cà chua ghép và xây dựng mô hình trồng cà chua ghép tại tỉnh Ðắk Nông”, ngành chức năng đã chuyển giao được 32.000 cây giống cà chua ghép và kỹ thuật trồng cho nông dân tại 8 huyện, thị xã.
Còn thông qua các đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây cỏ ngọt trên một số vùng sinh thái tại tỉnh Ðắk Nông” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Sa nhân tím trên địa bàn tỉnh”, ngành cũng đã đưa 150.000 cây giống cỏ ngọt Morita và trên 8.200 giống cây Sa nhân tím vào trồng thử nghiệm tại địa bàn các huyện Chư Jút, Ðắk Mil, Ðắk Song và Ðắk R’lấp.
Ðặc biệt, từ 13 giống khoai môn sáp do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao, cũng đã tổ chức khảo nghiệm và tuyển chọn được 3 giống phù hợp với địa bàn huyện Ðắk Mil…
Ở lĩnh vực con giống, nhiều mô hình cũng đã được triển khai và nhân rộng. Ðơn cử như hiệu quả của dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi ong mật và sơ chế sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Ðắk Nông”.
Theo đó, tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi ong tiên tiến cho 10 mô hình, với quy mô 400 đàn ong Ý tại các xã thuộc huyện Ðắk Mil. Hiện tại, các mô hình này đã cho ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu như: mật ong, phấn ong, sáp ong, sữa ong chúa…
Hay như dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao tại tỉnh Ðắk Nông”. Tuy mới bắt đầu triển khai, nhưng 9 con bò đực giống Branhman đã được phối trực tiếp với 270 con bò cái và 100 con bò cái khác được thụ tinh nhân tạo.
Vùng dự án sẽ là nơi cung cấp giống bò cải tiến và nguồn cỏ giống cho các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần đưa chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương…
Ngoài ra, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai rất tích cực. Trong đó, dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Ðắk Nông” đã cung cấp một nguồn phân bón chất lượng cho các giống cây trồng như: cà phê, tiêu, cao su, điều…
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để canh tác ngô, lúa, cà phê bền vững tại huyện Chư Jút và Krông Nô” cũng đã mang lại kết quả bước đầu. Dự án tuy mới được triển khai thực hiện, nhưng dự kiến sẽ góp phần tạo ra sản phẩm đa dạng và chất lượng cho sản xuất nông nghiệp bền vững của tỉnh, nhất là đối với 2 huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn như Chư Jút và Krông Nô.
Nông dân không những tận dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ tại chỗ, giải quyết công ăn việc làm mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suy thoái, mất cân bằng dinh dưỡng, môi trường đất…
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN đã tạo điều kiện cho cán bộ, người dân trong vùng được đào tạo, tập huấn và tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong thâm canh cây trồng và chăn nuôi. Phần lớn các giống cây, con đã được tuyển chọn đều phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa nhận định giá lương thực toàn cầu có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới, sau khi đã xuống tới mức thấp nhất trong hơn 1 năm vào tháng 7 vừa qua, do nguồn cung dồi dào.

Theo đánh giá ban đầu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, hiện trung bình mỗi tỉnh người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.

Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.

Hiện người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải “gồng lưng” chịu lỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Đã lỗ, còn bị doanh nghiệp ép giá, chiếm dụng vốn khiến nông dân không còn tiền tái đầu tư nuôi mới. Tình trạng “treo ao” diễn ra khắp vùng, có nơi diện tích “treo ao” lên đến 60%. Sản phẩm chiến lược quốc gia vì đâu nên nỗi?

Nghề nuôi vịt đẻ trứng lúc thăng lúc trầm, nhưng nhờ quyết tâm cao, chịu khó học hỏi mà ông Vũ Ngọc Quy (ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai) được xem là vua vịt đẻ trứng ở xứ này.