Nhọc nhằn nghề cá ven bờ
Ghé làng chài khi tờ mờ sáng, quang cảnh nơi đây đã tấp nập bởi hàng trăm ngư dân đang chuẩn bị bủa lưới để bắt cá gần bờ.
Anh Nguyễn Bê (47 tuổi), người đã hơn 30 năm trong nghề đang thoăn thắt tay gỡ từng tấm lưới trong bao bố ra, đặt ngay ngắn vào chiếc thúng.
Vừa làm, anh vừa kể: “Biển nuôi tui gần hết cuộc đời rồi. Hồi còn trẻ, trai tráng thì đi theo thuyền lớn, đánh bắt ngoài khơi xa. Nay lớn tuổi thì về đây, sắm cái thúng, đánh gần bờ cũng có đồng ra đồng vô. Chứ không bám biển thì cũng không biết sống bằng nghề gì”.
Một chiếc thúng như vậy mua mới giá gần 5 triệu đồng. Nếu mua đã qua sử dụng thì rẻ hơn nhưng lại mất công tu bổ và không an toàn nên nhiều người chủ yếu chọn mua thúng mới. Khác với việc đánh bắt xa bờ, vốn bỏ ra khi đánh lưới bằng thuyền thúng không nhiều, lại không cần nhiều nhân lực.
Ông Bê hay nói đây là nghề lấy công làm lời: “Chỉ cần có cái thúng, mái chèo, ngụm nước cho đỡ khát là có thể làm”.
Vì đánh ven bờ, nên... nghề này cũng hên xui may rủi nên thu nhập cũng bấp bênh theo con sóng. Ông Bê nói vào mùa nước động (từ tháng 6 đến tháng 8) thì ngày ra bủa lưới cũng bắt được vài cân ghẹ, không thì các loại cá, kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng. Nếu may mắn hơn thì có thể có ốc hương. Ngày nào trúng thì đỡ lo cho những bữa cơm sau...
Phụ giúp anh Bê gỡ lưới là một cụ ông năm nay đã 78 tuổi. Đó là ông Nguyễn Lái, chú của anh Bê. Theo lời giới thiệu của anh thì ông Lái là một trong số ít người già còn làm nghề này ở đây và cũng là một trong những người lành nghề nhất. Bị mất một bàn tay trái vì lựu đạn thời chiến tranh, ông vẫn bám trụ với nghề chài lưới tới nay đã 75 năm.
Lênh đênh trên biển, nếm trải vị mặn của cái nghề cơ cực này từ năm 13 tuổi, ra vào Hoàng Sa như cơm bữa, khi được hỏi về những tháng ngày bám biển xa, ánh mắt ông lại dõi về phía biển: “Cực thì cực nhưng vẫn phải làm chứ không nhớ cô ơi. Ngồi một chỗ chồn chân lắm, tui chịu không được”.
Cứ thế, tay ông cứ thoăn thoắt làm lưới, lại ngồi chặc lưỡi không biết chuyến này ông Bê thu được bao nhiêu để đỡ đần vợ con. Ngay gần đó, ông Trần Văn Như (48 tuổi) đang hì hụi xếp từng lồng bắt ghẹ lên thúng. Ông là lao động chính trong nhà 6 miệng ăn. Mười bốn tuổi, ông theo tàu lớn vẫy vùng khắp Hoàng Sa. Được 2 năm, vì nhiều lý do ông lên bờ đi làm đủ nghề để nuôi gia đình. Nhưng cách đây 8 năm, một tai nạn đã khiến ông mất đi sức lao động nên quay về lại với làng chài và theo nghề thúng tới tận bây giờ. Một lần như vậy, ông Như thả 30 lồng ghẹ xuống biển. Nếu may thì được 10kg, có hôm chỉ được vài con...
Ông Như tâm sự: “Nghề này làm không hết việc nghe cô. Sáng 4 giờ đã dậy ra đây quăng lồng, tới 7, 8 giờ thì đi lên. Tui chỉ có 30 lồng, giờ phải ráng làm cho đủ 100 lồng thì mới bắt được nhiều. Xong mùa ghẹ thì lại tới mùa săn tôm hùm nhí. Ngày nào bắt được tôm hùm con coi như trúng mánh”.
Trời còn chưa kịp tỏa nắng, hàng chục người đàn ông quần áo đã sờn cũ, khệ nệ khiêng những chiếc thúng vừa mới vào bờ lên phơi trên bãi cát. Ai cũng hối hả, nhanh chân để về nhà đan tiếp chiếc lưới còn dang dở hay tranh thủ mang số tôm cá ít ỏi mà thương lái không thu mua ra chợ bán.
“Nghề này vất vả lắm nhưng vẫn nhiều người theo vì biển cả vẫn nhẹ lòng giang tay hào hiệp giúp bà con ngư dân có đồng ra đồng vào. Tui ráng làm cho con ăn học để không khổ như mình nữa”, ông Như tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Con giống, giá vật tư đầu vào vẫn luôn khiến người nuôi tôm bất an nhất. Làm sao để quản lý được vật tư nông nghiệp tốt hơn?
Cho rằng đùi gà nhập vào Việt Nam rẻ bằng một phần tư bán tại Mỹ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường trong nước, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đang xúc tiến thủ tục khởi kiện.
Ông Võ Tấn Kìa, ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng lúa theo quy trình an toàn để cho ra gạo sạch. Ông Kìa bắt đầu tham gia làm lúa sạch từ tháng 9-2011, khi ấy theo hướng dẫn của Th.S Trần Thị Phương Chi, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, ông đã mạnh dạn rủ một số bà con trong ấp cùng làm thí điểm lúa sạch.
Do nhu cầu tiêu thụ lớn, lại đang trong thời điểm nghịch vụ nên giá nhãn tại huyện Châu Thành đang ở mức cao. Hiện giá thu mua tại các nhà vườn cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với những tháng trước. Giá nhãn tăng mang lại nhiều niềm vui cho nhà vườn sau thời gian dài nhãn bị dịch bệnh hoành hành.
Diện tích sản xuất lúa trên địa bàn xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) gắn với bao tiêu sản phẩm tăng dần theo hàng năm, từ đó đã từng bước giải bài toán đầu ra của nông sản và góp phần tăng thu nhập cho người dân.