Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhớ Mùa Cá Trước

Nhớ Mùa Cá Trước
Ngày đăng: 13/02/2014

Từ cầu sông Ba(Gia Lai) nhìn về phía sông, những hòn đá cuội nằm phơi mình giữa dòng nước cạn đục. Đôi bờ, những cây bạch đàn ủ rũ, im lìm giữa tiết đông lất phất mưa bụi. Một lão ngư từng có tháng năm dài gắn mình với dòng sông huyền sử, nén tiếng thở dài: “Ôi nhớ những mùa cá trên sông vào những ngày giáp Tết…”.

Sông Ba mùa này nước trong xanh. Nhiều người qua cầu không thể thờ ơ, thường dừng lại ngắm dòng sông đẹp như tranh. Vào những ngày áp Tết, khi người nuôi cá lồng trên sông chuẩn bị thu hoạch, đứng trên cao nhìn xuống, có thể thấy từng đàn cá trắm cỏ, cá chép sông quẫy mình giữa dòng nước trong vắt”-lão ngư Lê Văn Lương ở phường An Phú (thị xã An Khê)-người có nhiều năm mưu sinh trên sông Ba, bồi hồi nhớ lại.

Ông Lương là người đầu tiên nuôi cá bè trên sông Ba, cũng là người cuối cùng trụ lại khi dòng nước ô nhiễm tới mức tất cả những người nuôi cá bè phải “đầu hàng”, từ giã ngư cụ kiếm nghề khác mưu sinh. Ông kể: “Tôi sống từ nhỏ ven sông Mã của Thanh Hóa, chứng kiến biết bao phận người mưu sinh bằng nghề nuôi cá bè, cá lồng. Duyên nợ đưa tôi tới vùng đất An Khê-nơi có dòng chảy sông Ba bốn mùa nước đầy, tôi nghĩ ngay đến nghề này.

Vào những năm 1992-1993 tôi là người cắm cọc, nuôi bè cá đầu tiên trên sông. Ngay năm đầu tiên, tôi đã thu hoạch to. Đến năm thứ hai, nhiều người dân đua nhau làm bè nuôi cá. Mấy chục bè cá trên khúc sông dài, tạo thành một xóm chài nho nhỏ ven sông nhưng tấp nập vô cùng”.

Theo lời kể của ông Lương, hồi ấy nước sông Ba rất sạch và trong, nuôi cá lớn nhanh như thổi. “Nhiều người không tin con cá trắm cỏ tôi nuôi trong 6 tháng có thể nặng tới 8 ký. Có lần mấy chú bộ đội ở đơn vị gần đó hay tin, kéo nhau ra tận bè cá của tôi “thách” nhau. Kết quả là tôi được uống rượu vì khi kéo cá lên, nhiều con nặng hơn thế nữa”-ông Lương cười lớn khi nhớ lại thời hoàng kim của nghề cá. Trong những năm tháng người dân còn khó khổ trăm bề ấy, bè cá đã giúp ông nuôi bốn đứa con lần lượt học đại học mà không phải chật vật.

Nghề nào cũng có sự khổ nhọc, nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn trên sông, lão ngư già chợt bồi hồi: “Hơn mười năm gắn bó với nghề cá trên sông Ba, có những nỗi nhọc nhằn, nhưng cũng có niềm vui không nói hết khi trúng những mùa cá bạc triệu.

Nhớ mùa mưa tháng 8, tháng 9 hàng năm, lũ từ thượng nguồn thường đổ về bất ngờ, giữa đêm một mình tôi đánh vật với dòng nước lũ để giữ cho được bè cá. Nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết tài sản, nhưng tôi chưa một lần chịu thua dòng nước dữ. Vì thế, dân xóm chài gọi tôi “chết” cái tên Lương “cá”. Nhắc nhớ nghề, ông Lương chợt thở dài: “Thời hoàng kim của nghề cá kéo dài được chừng hơn 10 năm.

Khi một số nhà máy mọc lên, nước sông bắt đầu ô nhiễm. Người nuôi cá liên tiếp hứng chịu những mùa thất bát vì cá nuôi không lớn, có nhà cá chết cả lồng chỉ trước mùa thu hoạch. Họ bỏ dần nghề cá, chỉ còn lại duy nhất mình tôi chống chọi vì ỷ vào kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm mấy cũng đành đầu hàng khi nước sông cạn kiệt, đến con tôm, con tép cũng đục lờ rồi chết dần”.

Ông Lương hoài niệm: “Vào dịp này, xóm chài rất nhộn nhịp kẻ bán người mua. Không chỉ có thương lái mà người dân thị xã đến tận những lồng nuôi chọn mua cá ăn Tết. Chúng tôi hầu như chẳng phải đưa cá đi đâu xa, bè nhà nào nuôi được cá to thì bán hết trước.

Nhưng sướng nhất phải là thời điểm mùng 4, mùng 5 Tết trở đi, khi mọi người đã ngán những bữa cỗ Tết ê hề rượu thịt, họ kéo nhau “kiếm” cá, lúc này mới là thời điểm “hốt bạc” của xóm chài. Nhiều người còn mang cả rượu ngoại, bia bọt lên bè đãi chúng tôi, để được trải nghiệm cảm giác tự tay vợt những con cá nặng cả chục ký, hay chỉ cần ngồi ngắm từng đàn cá chép sông bơi lội kiếm mồi từ chất thải của những con trắm cỏ trong lồng, thấy sảng khoái vô cùng”.

…Mỗi lần ngang sông Ba, những lão ngư như ông Lương lại bồi hồi thương nhớ những mùa cá Tết nhộn nhịp, vào mùa xuân nước sông trong xanh hiền hòa.


Có thể bạn quan tâm

Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công diện số 16/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

30/06/2013
Thực Hiện Các Giải Pháp Đồng Bộ Chủ Động Sản Xuất Nông Nghiệp Thực Hiện Các Giải Pháp Đồng Bộ Chủ Động Sản Xuất Nông Nghiệp

Năm 2011, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến bất thường... Để sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là nông dân đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tập trung mọi nguồn lực thâm canh cây trồng đem lại hiệu quả thiết thực.

30/06/2013
Hạ Lang Khai Thác Tiềm Năng, Lợi Thế Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Hàng Hoá Hạ Lang Khai Thác Tiềm Năng, Lợi Thế Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Hàng Hoá

Nhằm khai thác triệt để, tiềm năng lợi thế về các điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, từ năm 2006, huyện Hạ Lang tiến hành ký kết hợp đồng với huyện Long Châu (Trung Quốc) phát triển trồng mía nguyên liệu xuất khẩu với quy mô đến năm 2015 trồng 1.200 ha.

30/06/2013
Bảo Lâm Huy Động Nguồn Lực Giảm Nghèo Bảo Lâm Huy Động Nguồn Lực Giảm Nghèo

Trong những ngày lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn giáo viên và học sinh các dân tộc huyện Bảo Lâm đã được đón Tết Nhâm Thìn vừa qua trong những căn phòng kỹ túc xá khang trang, sạch đẹp, ấm cúng.

30/06/2013
Cần Có Chính Sách Hỗ Trợ Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Cần Có Chính Sách Hỗ Trợ Phát Triển Kinh Tế Trang Trại

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số mô hình kinh tế trang trại (KTTT), góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, tạo giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Song, phát triển KTTT đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, cần có cơ chế chính sách phù hợp...

30/06/2013