Nhịp cầu nhà nông bắc ở Ứng Hòa
Chuyến xe chở chúng tôi chật cứng các chuyên gia nổi tiếng trong ngành như chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Năm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất - kinh doanh thuốc thú y Việt Nam; TS. Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện BVTV; TS. Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I; TS. Cao Văn Chí, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển cây có múi.
Vừa đi, các nhà khoa học vừa sôi nổi bàn nhau làm sao mà một huyện có nhiều tiềm năng về nông nghiệp như Ứng Hòa với 10.000 ha lúa, với nhiều ao hồ, thùng vũng mà lại còn nghèo? Phải chăng từ lâu tiềm năng ấy chưa được khơi dậy đúng mạch?
Vừa tới nơi đã thấy hội trường huyện chật cứng nông dân chờ sẵn. Họ mong mỏi các nhà khoa học như ruộng hạn mong mưa rào bởi nhiều câu hỏi từ cuộc sống kinh nghiệm không thể giải đáp nổi. Ví như: “Cam đường Canh vốn ngọt nhưng tại sao nhà tôi trồng lại không ngọt?”.
Theo TS Cao Văn Chí thì cam bình thường phải chín từ đít quả chín lên. Những quả cam chín từ cuống chín xuống mà nhạt là do bị bệnh Greenning, thứ bệnh nguy hiểm hiện nay nếu mắc chỉ có cách là hủy.
Nếu cam vẫn chín từ đít quả chín lên mà nhạt thì thời kỳ ra hoa, quả lớn, quả chín sinh lý bà con nên bón thêm NPK hoặc kèm kali.
Cũng theo TS Chí, khi trồng mít Thái bà con nên cắt ngọn mít để hạn chế chiều cao cây khoảng dưới 3m, nên tỉa bớt quả không để quá nhiều quả ở một chùm.
Các thắc mắc về chăn nuôi cũng rất sẵn. Như: “Nhà tôi mua một con trâu nuôi mãi không béo?”.
Theo TS Lê Văn Năm, thứ nhất là phải tẩy giun sán đặc biệt là sán lá gan bằng Fassiolid rồi tiêm tẩy kí sinh trùng máu Azidin. Khi đã tẩy xong, chăm sóc là yếu tố quyết định để vỗ béo cho trâu.
Thức ăn tươi bằng 12% thể trọng của trâu còn thức ăn tinh có thể dùng cám lợn giai đoạn vỗ béo mỗi ngày bổ sung thêm 2 - 3 kg. Làm được như thế thì không lý do gì con vật lại không béo.
“Lợn khó đẻ phải làm sao?”. Lợn khó đẻ có thể do con to hoặc mẹ đuối sức, bà con nên tiêm oxytoxin để hỗ trợ đẻ rồi lôi con ra theo nhịp rặn đẻ.
Gần giữa trưa, nhưng sự quan tâm của bà con vẫn không ngớt. Cuối cùng là mục chuyên gia Nguyễn Lân Hùng giới thiệu các đối tượng nuôi trồng mới gồm bò BBB, vịt trời, na khổng lồ, tắc kè hoa, ngan lấy gan béo, Sachi...
"Sự năng động của nông dân chính là yếu tố quyết định cho thành công của SX nông nghiệp", chuyên gia này nhấn mạnh.
Ứng Hòa là huyện vùng chiêm trũng, có nhiều dự án thủy sản chuyển đổi từ vùng đất lúa nên nhóm câu hỏi về đối tượng này chiếm số lượng rất đông.
Câu hỏi thứ nhất: “Điêu hồng nuôi thế nào?”. Điêu hồng chính là con cá rô phi đỏ. Ở đâu nuôi được rô phi là nuôi được điêu hồng bởi kỹ thuật chăm sóc tương tự. Điêu hồng có thể nuôi trong ao nhưng phù hợp nhất là nuôi lồng bởi nước sạch mới không làm biến đổi màu sắc của cá.
Theo TS. Bùi Quang Tề, bệnh thủy sản là ngồi trên bờ mà phán ở dưới nước nên khó chính xác nhưng cũng cần có những nguyên tắc cần phải tuân theo của nó: Phải nhìn ao xem nước màu gì?
Nhìn cá khỏe thì lặn hết xuống còn cá yếu dù chỉ một con bám vào bờ thì dưới nước đã có hàng trăm con bị bệnh. Phải xem thức ăn rồi quan sát các triệu chứng của cá bệnh.
Mùa đông, mùa hè cá ít bệnh còn mùa thu cá lắm bệnh. Trắm hay xuất huyết, rô phi hay đen người rồi quay vòng cũng bởi xuất huyết.
Có bốn nguyên tắc chữa trị bệnh thủy sản như sau: Thứ nhất là mùa hay mắc bệnh 7-10 ngày phải khử trùng một lần, còn mùa bình thường 10-15 ngày khử trùng nước một lần.
Thứ hai là làm sạch môi trường nước trong ao bằng vôi. Chỉ khi thực hiện xong hai bước trên rồi mới dùng thuốc. Nếu bệnh do virus gây nên mà dùng kháng sinh là thất bại nên chỉ dùng tỏi tươi giã nhỏ, trộn thức ăn với liều lượng 1/2 kg tỏi cho 1 tạ cám hoặc dùng các loại thuốc thảo dược đặc trị.
Nguyên tắc cuối cùng là tăng sức đề kháng của thủy sản bằng các loại vitamin, nhất là vitamin C và men tiêu hóa.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.
Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.
Sò huyết Ô Loan là đặc sản của Phú Yên, nhưng nhiều năm nay loài thủy sản này gần như bị cạn kiệt. Nuôi sò huyết là công việc mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm Ô Loan. Hiện Nhà nước đang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi nhằm từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 40 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra, diện tích khoảng 224ha, 6 cơ sở tôm nước lợ, với khoảng 160ha.