Chuồng Nuôi Heo Sinh Thái
Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu.
Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích. Hệ men này nhằm phân giải chất thải do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; phân giải một phần mùn cưa; giữ ấm cho vật nuôi. “Thông thường, các đệm lót lúc mới có sẽ là màu vàng, khi đã được vài năm sẽ chuyển sang màu đen và lúc nào cũng có hiện tượng lên men vi sinh vật. Nhờ thế mà tuổi thọ của nền chuồng đạt tới 4 năm, không phải thay thế” – ông Thương nói.
Gia đình ông Hồ Văn Chương (thôn 3, thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn) là hộ được chọn thí điểm mô hình này với các tiêu chuẩn như không nằm ở vùng thấp lụt, chuồng trại gắn liền với nhà, có hệ thống hầm biogas, không gian khép kín, vệ sinh sạch và đảm bảo môi trường.
Đợt này ông đưa vào nuôi trên nền chuồng đệm lót sinh thái với diện tích 60m2, thả nuôi 45 con heo thịt. Chuồng được xây gạch kiên cố trên nền đất, được bố trí máng ăn và hệ thống nước uống tự động được lắp đặt khoa học.
Tổng kinh phí đầu tư 60 triệu đồng. “Loại chuồng được làm theo quy trình đệm lót sinh thái là loại chuồng khá lý tưởng cho việc nuôi heo, vì công nghệ này xử lý chất thải mà heo thải ra nhưng không đưa ra môi trường bên ngoài. Nuôi theo kiểu này rất sạch sẽ, chất thải không gây mùi hôi, không phải dội nước, đỡ hao tốn điện năng” - ông Chương thông tin.
Theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN-KN tỉnh, thời gian qua trung tâm đã đầu tư mô hình này ở 4 huyện trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh và Duy Xuyên với tổng diện tích 1.600m2 cho 1.200 heo thịt, trung tâm hỗ trợ tối đa 40% quy trình gồm: cung cấp chế phẩm sinh học, bột bắp, trấu, mùn cưa, lập kế hoạch khảo sát chọn hộ, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót trực tiếp tại mô hình cho các hộ tham gia.
“Mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh miền Tây từ năm 2010 như tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả cao. Tại Quảng Nam đây là lần đầu tiên thí điểm triển khai và nhân rộng, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân” - kỹ sư Phạm Thị Thu Thủy, Phòng Kỹ thuật - thông tin (Trung tâm KN-KN tỉnh) nói.
Có thể bạn quan tâm
Hóc Môn là một trong những huyện của TPHCM đang chuyển dịch sang nông nghiệp đô thị. Nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng hoa lan, cây kiểng… đã có được sự thành công nhờ nguồn vốn tín dụng kịp thời.
Ngoài ra, anh Phạm văn Phong, chủ vựa dừa kế bên cũng cho hay: Giá dừa giảm cũng do các bạn hàng phía Bắc hạn chế mua dừa tươi vì thị trường Trung Quốc hiện chủ yếu thu mua dừa khô (loại dừa xiêm xanh, nặng trên 1 kg).
Hiện nay nông dân xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang bước vào mùa thu hoạch táo. Toàn xã có diện tích 33,2 ha táo với 35 hộ trồng, tập trung nhiều nhất là ở ấp Sa Bâu và Trà Canh B.
Trong niên vụ tới, Cty đã phát triển được vùng nguyên liệu lên 13.000 ha tăng 500 ha so với vụ trước, trong đó tại Khánh Hòa có 8.800 ha, Đăk Lăk có 4.200 ha, sản lượng mía ước đạt 680.000 tấn. Diện tích mía Cty đầu tư là 10.800 ha với tổng số tiền đầu tư 223 tỷ đồng, giá trị đầu tư trồng mới 30 triệu đồng/ha và mía lưu gốc là 20 triệu đồng/ha.
Cụ thể, đối với cá sấu thịt bán nguyên con để lấy da loại 7-15kg/con chỉ còn 230.000 đ/kg, giảm 50.000 -70.000 đ/kg; cá sấu con loại 1 tháng tuổi còn 200.000 đ/con, giảm 100.000 -120.000 đ/con. Còn đối với thị trường trăn lấy da XK, giá giảm từ 200.000 -220.000 đ/con, hiện trăn thịt lấy da, loại 1 năm tuổi giá giảm xuống còn 280.000 đ/kg; trăn giống 1 tuần tuổi còn 260.000 đ/con, giảm 100.000 đ.