Nhiều HTX tiền chia lãi chỉ đủ mua bim bim
Xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế. Trong đó, mô hình “tổ hợp tác” đang tăng mạnh, do họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định...
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra tại Báo cáo nghiên cứu về “Hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận thúc đẩy Quyền, Tiếng nói, Lựa chọn của nông dân:
Hiện trạng và Khuyến nghị chính sách” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển (RCD) công bố gần đây. Để tìm hiểu sâu hơn, phóng viên Dân Việt đã trao đổi sâu hơn với ông Nguyễn Văn Thục - thành viên nhóm nghiên cứu nói trên.
Cung cấp thóc giống cho xã viên tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành (thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).
Từ góc nhìn nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về "sức khỏe" của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hiện nay?
- Nếu coi sức khỏe của các HTX nông nghiệp qua thước đo làm ăn có lãi thì hiện có khoảng 20% trên tổng số 10.339 HTX nông nghiệp đang làm ăn không hiệu quả. Như vậy, có khoảng 80% đang có hiệu quả. Do đó, khó có thể nói là “sức khỏe” của các HTX nông nghiệp đang không tốt, nếu xét trên tổng thể.
Tuy nhiên, mức độ làm ăn có lãi lại rất khác nhau. Rất nhiều HTX, ví dụ như một HTX nông nghiệp ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có gần 670 xã viên, mỗi năm trung bình chỉ đạt lợi nhuận 27,6 triệu đồng. Trong khi đó, HTX Tân Cường ở tỉnh Đồng Tháp có 237 hộ, lợi nhuận năm 2014 dự kiến đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Ở nhiều nơi, người dân không thể nhớ nổi mình được chia lãi bao nhiêu từ hoạt động có hiệu quả của HTX. Nhiều người nói rằng, tiền chia lãi chỉ đủ mua… gói bim bim cho cháu nhỏ.
Nhưng nhìn ở góc độ khác cần phải thấy rằng, các HTX hoạt động mạnh và có lãi nhiều phần lớn là gắn với thị trường. Mặc dù vậy, không phải ở đâu các HTX cũng có thể hoạt động theo hướng này, ban chủ nhiệm/ban giám đốc có thể muốn hoặc không muốn theo hướng này. Nhưng quan trọng hơn là phải có điều kiện để thực thi. Một trong những điều kiện đó, không thể thiếu là động lực sản xuất của nông dân.
Có gì đáng lưu ý về “động lực” của nông dân ở trong các HTX hiện nay?
- Ở nhiều nơi, nông dân chỉ sản xuất cầm chừng, sản xuất để đáp ứng nhu cầu lương thực của gia đình, sản xuất để không phải bỏ ruộng hoặc trả ruộng thì không thể phát triển được các HTX có “sức khỏe” như mong muốn. Xét tới những giá trị căn bản của các HTX hiện nay vẫn là phục vụ xã viên/thành viên, thì những HTX nông nghiệp chỉ cung cấp một số các dịch vụ đầu vào như làm đất, tưới tiêu… cũng không thể coi là “sức khỏe kém” nếu họ vẫn làm ăn có lãi dù chỉ 1 đồng, và quan trọng hơn là xã viên của họ chỉ có “nhu cầu” tới vậy.
Ông đánh giá về sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật và hệ thống chính trị của Việt Nam có vai trò như thế nào đối với việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống HTX kiểu cũ chuyển đổi sang HTX kiểu mới hiện nay?
- Phát triển HTX là một chính sách lớn, xuyên suốt của Việt Nam thể hiện qua số lượng các văn bản quy phạm pháp luật, thống kê chưa đầy đủ có khoảng 143 chính sách, văn bản. Không chỉ có các chính sách liên quan trực tiếp nhất là Luật HTX... mà rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đều đã có các ưu đãi, hỗ trợ cho sự phát triển của các mô hình này. Hầu hết những điều kiện cần và đủ để mô hình HTX phát triển đều đã được quy định trong các chính sách.
Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi HTX kiểu cũ sang kiểu mới hay hỗ trợ các HTX kiểu mới hình thành và phát triển không phải là vấn đề chính đáng quan tâm của hệ thống chính sách có liên quan. Vấn đề nằm ở chỗ, góc nhìn, hệ quy chiếu của chính sách đối với các mô hình liên kết, hợp tác đã đúng, đủ và phù hợp chưa?
Đúng tức là có nhìn nhận thiên lệch không, có coi các tổ chức của nông dân như một dạng doanh nghiệp hay chỉ coi các tổ chức này như một loại hình khác của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương? Còn đủ là đã thấy hết tầm quan trọng của các tổ hợp tác (THT) trong phát triển liên kết, hợp tác nông dân chưa, hay mới chỉ tập trung và chủ yếu tập trung cho các HTX. Phù hợp tức là các hỗ trợ của chính sách có phải là thứ các HTX, THT cần không? Với những ngành hàng, những điều kiện sản xuất khác nhau, nhu cầu của các HTX, THT là khác nhau?
Phải chăng, để tạo đột phá, chính sách phát triển liên kết, hợp tác nông dân phải được thiết kế theo mô hình, các cơ quan T.Ư ban hành khung chính sách còn các địa phương ban hành các chính sách cụ thể, với những cách làm, hướng đi mang tính đột phá, phù hợp với thực tiễn phát triển của từng địa phương.
Nhóm nghiên cứu của ông có nhận định rằng, kinh tế hợp tác với các hình thức hợp tác giữa người dân - người dân đang phát triển mạnh mẽ, và có xu thế vượt hợp tác “Liên kết 4 nhà”. Xin cho biết cơ sở cho nhận định này?
" Để tăng cường tiếng nói, lựa chọn, quyền quyết định cho nông dân trong các tổ chức của họ, trước tiên cần phải thay đổi các mô hình quản trị của các HTX... Thay đổi mô hình quản trị tổ chức sẽ giúp các HTX kiểu cũ hoạt động minh bạch hơn, cơ chế thông tin, kiểm soát, giám sát cũng được thực hiện tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thục
- Cần phải hiểu rõ các mô hình liên kết, hợp tác nông dân không tách biệt hoàn toàn mà có sự liên hệ, gắn bó với nhau. Trong các mô hình liên kết, hợp tác nông dân thường bao gồm: Liên kết giữa nông dân-nông dân; liên kết giữa nông dân với tổ chức của nông dân; liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và liên kết giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp.
Khác với “liên kết 4 nhà” vốn thường mang tính trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong các mô hình liên kết, hợp tác nông dân thường thông qua các tổ chức của nông dân. Các tổ chức của nông dân càng mạnh, quyền lợi, tiếng nói và trách nhiệm của nông dân sẽ càng được đảm bảo, nhất là nông dân sản xuất nhỏ.
Bản thân doanh nghiệp khi liên kết trực tiếp với nông dân thường có xu hướng chọn nông dân sản xuất lớn để giảm sự “phức tạp” so với liên kết với nhiều nông dân nhỏ. Trong khi đó, nếu lựa chọn liên kết qua tổ chức của nông dân, doanh nghiệp có thể liên kết với hàng trăm nông dân sản xuất nhỏ, nhưng sẽ giảm được rất nhiều vấn đề phát sinh vì đã có sự tham gia của các tổ chức của nông dân là các HTX hoặc THT.
Mặt khác, nói tới liên kết 4 nhà, là nói tới liên kết dựa trên các hợp đồng kinh tế, trong khi đó liên kết hợp tác trong các tổ chức của nông dân có thể bao gồm các liên kết theo hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp hoặc chỉ thuần túy là liên kết tương trợ ngang giữa nông dân với nông dân trong tổ chức của họ.
Chính vì thế, việc nói các mô hình liên kết hợp tác dưới dạng các tổ chức của nông dân “vượt” các mô hình liên kết 4 nhà cũng chỉ là một cách hiểu tương đối dựa trên sự gia tăng số lượng của các HTX, đặc biệt là THT trong thực tiễn. Vấn đề “vượt” hay “không vượt” không quan trọng bằng lợi ích mà nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước có thể nhận được từ sự phát triển của các mô hình liên kết, hợp tác nông dân dưới dạng các tổ chức.
Xin cảm ơn ông.
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư:
Hiện nay, hoạt động của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận với nguồn vốn. Bên cạnh đó, trình độ của các cán bộ HTX vẫn còn khá thấp, chủ yếu là lấy cán bộ làm nông nghiệp sang để công tác, điều này đặt ra vấn đề, các HTX không có trình độ, không tiếp cận được với thị trường, không hiểu biết về kỹ thuật thì công tác quản lý sẽ rất khó khăn, vay vốn cũng khó khăn.
Thực tế vẫn còn quá nhiều rào cản tiếp cận vốn ngân hàng với HTX do HTX đơn thuần là sản xuất nông nghiệp lại thường rủi ro lớn về thiên tai, dịch bệnh nên ngân hàng "ngại" cho vay. Tôi kiến nghị vốn cho HTX phải được tăng lên cùng với điều kiện cho vay được thông thoáng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.
Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).
Mặc dù Bắc Kạn chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm như các tỉnh bạn nhưng so với những ngày đầu tái lập (năm 1997) với điểm xuất phát cực thấp thì thấy rằng sau 16 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khá rõ nét. Giờ đây Bắc Kạn đã có vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng trồng cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc…
Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ 80 tấn hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Hiện diện tích tôm chết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng hóa chất Chlorine của Bộ NN&PTNT cấp cho tỉnh năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.