Nhiều Giải Pháp Khắc Phục Vấn Đề Nuôi Tôm Thẻ Tự Phát
Dù phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ở Đồng Tháp chưa lâu nhưng theo đánh giá từ các nhà chuyên môn thì nếu theo đuổi nghề, người nông dân sẽ bị “mất” nhiều hơn là “được”. Bởi đằng sau những lợi nhuận trước mắt là nhiều hệ lụy về môi trường cũng như phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh thủy sản của địa phương.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên các nguồn nước thải được đưa trực tiếp ra kênh, sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc khoan giếng sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm thẻ trên địa bàn tỉnh là một trong những vấn đề đáng lo ngại.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (VNCNTTS II) thì việc sử dụng nước giếng khoan có độ mặn từ 3-7‰, bón thêm muối và một số khoáng chất để nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hóa vùng trồng lúa, gây ảnh hưởng năng suất lúa.
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, do đó có khả năng lây lan mầm bệnh từ tôm thẻ chân trắng sang tôm càng xanh.
Theo lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp thì lượng nước ngầm tại tỉnh chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu nước sinh hoạt, nếu khai thác sử dụng để nuôi trồng thủy sản thì nguồn nước này sẽ bị cạn kiệt và có khả năng gây sụt lún.
Mặc dù, thời gian đầu tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao cho một số hộ nuôi nhưng hiện nay nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đang phục hồi và theo dự báo trong thời gian tới sẽ cung cấp sản lượng rất lớn và giá tôm sẽ giảm dần so với năm 2013.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước liên tục mở rộng, nhất là ở các tỉnh ven biển. Gần đây, giá tôm trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh: loại 100 con/kg giảm từ 130 ngàn đồng còn 70 ngàn - 80 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, chi phí sản xuất 1kg tôm thẻ ở Đồng Tháp khá cao, theo tính toán của Chi cục Thủy sản, giá thành sản xuất cho 1kg tôm thẻ chân trắng từ 63.500 đồng - 72.800 đồng, nếu giá bán tiếp tục giảm và dịch bệnh xảy ra mà không kiểm soát được sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Từ việc nông dân tự đầu tư khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng, ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm có báo cáo và kiến nghị lên Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh để có những biện pháp quản lý kịp thời, nhằm tránh thiệt hại về sản xuất và ảnh hưởng môi trường.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo, ngành nông nghiệp sớm triển khai nhiều giải pháp như kết hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tác hại của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt...
Một số địa phương đã lập đoàn công tác, tổ chức rà soát thực tế về diện tích ao nuôi, giếng khoan và vận động người nuôi ký cam kết ngừng nuôi tôm thẻ. Sau khi được tuyên truyền, đa phần các hộ nuôi đã ký cam kết sẽ dừng việc nuôi tôm thẻ sau vụ thu hoạch này (dự kiến 3 tháng sẽ kết thúc).
Thời gian qua, nhiều nông dân chuyển từ nuôi tôm càng xanh sang nuôi tôm thẻ là do lợi nhuận từ nuôi tôm thẻ khá hấp dẫn; mặt khác, việc mua con giống và tiêu thụ của tôm thẻ khá dễ dàng so với tôm càng xanh của địa phương.
Vì vậy, nhằm phát huy thế mạnh của tôm càng xanh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng trại giống và chuyển giao quy trình công nghệ tiên tiến về sản xuất giống tôm càng xanh, gia hóa lại đàn tôm bố mẹ nhằm phát triển bền vững đối tượng này ở Đồng Tháp.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 6/7, tại TP Cần Thơ, diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn tôm giống Việt - Úc và Trường ĐH Cần Thơ.
Một số thị trường châu Á đang áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe của Liên minh châu Âu (EU) đối với nguyên liệu và bán thành phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, theo Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad)), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Ngày 6/7, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội tổ chức cho đoàn đại biểu đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và người tiêu dùng tham quan chuỗi chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn và trang trại hữu cơ Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Cần hình thành các mô hình chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chăn nuôi - giết mổ - buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; đồng thời ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi, sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành.
Hội nghị giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi lợn đen bản địa. Sáng 7/7, tại UBND xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai), Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp với nông dân các xã: Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai về lĩnh vực chăn nuôi lợn đen bản địa ngoài vùng dự án với chủ đề: “Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo chuỗi giá trị bền vững”.