Nhật Làm Ăn Lớn Với Ngư Dân Việt Nam
Ngư dân Việt sẽ có thu nhập cao nếu khai thác theo công nghệ Nhật. Đó là lời khẳng định của ông YUKIO KIKUCHI - giám đốc dự án phát triển ngành khai thác cá ngừ VN bền vững của Công ty Yanmar (Nhật Bản) ngay khi chiếc tàu câu cá ngừ đại dương đầu tiên của dự án hoàn tất.
Ông Yukio Kikuchi cho biết dự án này sẽ được triển khai tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với 180 chiếc, mục tiêu nâng cao thu nhập cho ngư dân VN bằng cách giảm chi phí đánh bắt bằng phương tiện, công nghệ hiện đại và tăng giá bán sản phẩm bằng việc nâng cao chất lượng cá.
Đây là mẫu tàu đã sử dụng nhiều ở Nhật, có khả năng tiết kiệm tới 30% nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ truyền thống cùng kích cỡ ở VN.
Bằng dự án này, Yanmar mong muốn giúp ngư dân VN có thu nhập cao, hỗ trợ việc quản lý và phát triển thủy sản bền vững, cân đối lợi ích giữa các bên trong khai thác thủy sản, đặc biệt là ngành đánh bắt cá ngừ đại dương, để ngành này trở thành một hình mẫu cho các vùng khác tham khảo.
* Vì sao Yanmar chọn VN thay vì quốc gia khác để thực hiện dự án này? Lộ trình triển khai dự án tại VN thế nào?
- Với hầu hết là tàu vỏ gỗ rất sơ khai, thời gian đánh bắt trên biển rất dài đến 20-25 ngày, chi phí về nhiên liệu quá cao, nghề khai thác cá ngừ ở VN dù đạt sản lượng rất cao nhưng chất lượng rất thấp.
Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, chỉ 20% sản lượng cá ngừ đại dương của VN đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở dạng sashimi (cá tươi), 80% còn lại buộc phải bán giá rất thấp cho các nhà máy để làm sản phẩm đông lạnh.
Đây là một trong những lý do chúng tôi chọn VN làm thị trường điển hình.
Triển khai dự án này, trước mắt chúng tôi giới thiệu mẫu tàu vật liệu mới. Ngư dân VN sẽ kiểm chứng công nghệ của Nhật qua hoạt động của con tàu này từ khâu khai thác, bảo quản đến sơ chế cá ngừ ngay trên tàu.
Song song đó, chúng tôi sẽ làm việc với ba tỉnh trọng điểm câu cá ngừ đại dương ở VN là Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định cũng như Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT về mô hình sản xuất tổ, đội.
Chúng tôi mong được phía VN hỗ trợ để thành lập mô hình sản xuất tổ, đội khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ, phương tiện mới này.
* Với ngư trường quá xa, thời tiết bất lợi, trình độ khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của ngư dân VN còn hạn chế... làm thế nào để Công ty Yanmar thực hiện hiệu quả mục tiêu dự án đã đặt ra, thưa ông?
- Cơ bản thì ngư dân Nhật cũng có những vấn đề tương tự ngư dân VN. Nhưng hơn ai hết, ngư dân hiểu nhất công việc của họ theo hoạt động kinh doanh, khả năng đánh bắt, họ cũng biết tự cân đối giữa việc đánh bắt ngắn hay dài ngày.
Chúng tôi tin vào mô hình kinh tế và công nghệ hiện đại, cá được bảo quản tốt trong vòng 15 ngày sau khi câu thì chất lượng tốt hơn, bán được giá cao hơn so với việc ngư dân ở lâu trên biển, dù đánh bắt được nhiều hơn.
Mục tiêu chính của chúng tôi không phải là gia tăng sản lượng mà phải gia tăng chất lượng bởi vì cùng sản lượng đánh bắt, con cá hiện nay chỉ bán được 70.000 đồng/kg, nhưng cũng con cá đó nếu chất lượng tốt có thể bán được tới 200.000 đồng/kg.
Bộ phận nghiên cứu và phát triển của Công ty Yanmar đã kiểm nghiệm thực địa ở Nhật và trong thời gian tới chúng tôi sẽ thử nghiệm con tàu này để xác nhận các thông số ở VN, từ đó biên soạn thành những cuốn sách, tài liệu giảng dạy một cách có hệ thống.
Những tài liệu này cùng với đối tác chúng tôi như Công ty Tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật, Trường đại học Nha Trang sắp tới sẽ truyền đạt công nghệ, kinh nghiệm, cách thức khai thác và bảo quản sản phẩm trên con tàu này cho các ngư dân gia nhập mô hình sản xuất tổ, đội tại ba tỉnh miền Trung.
Chúng tôi hi vọng xây dựng được mô hình để ngành ngư nghiệp VN chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
* Ngư dân VN sẽ tham gia dự án này như thế nào, mua cổ phần và được hưởng lợi ra sao?
- Để tạo dựng niềm tin giữa các bên cần phải có đơn vị chủ trì, tức một công ty cổ phần đánh cá. Những đối tác của chúng tôi đã cam kết sẽ đầu tư 50% tiền mặt vào con tàu, ngư dân (mỗi tổ, đội có năm chiếc tàu) đóng 50% giá trị còn lại theo hình thức góp cổ phần, mỗi người sẽ là một ông chủ của một con tàu để đi khai thác.
Nhiệm vụ của ngư dân là ra biển khai thác sau khi đã được đào tạo thành một người đánh cá chuyên nghiệp từ trường học và công nghệ chúng tôi cung cấp.
Sản phẩm khai thác được công ty sẽ xuất và qua thị trường Nhật để bán với giá cao (khoảng 12 USD/kg).
Sau khi trừ cước vận tải hàng không, công ty cổ phần đánh cá sẽ chia đều lợi nhuận đó ra cho các bên.
Khi thành công, chúng tôi sẽ chuyển giao dần cho các ngư dân VN, họ có thể mua lại 50% cổ phần còn lại để sở hữu 100% giá trị tàu cũng như công nghệ khai thác.
Tôi tin khi mô hình hiệu quả, tự khắc ngư dân khác sẽ gia nhập và như thế ngành đánh cá VN sẽ có hệ thống, được đào tạo chính quy, việc quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn khi chỉ cần nói chuyện với đại diện của công ty thay vì nói chuyện với từng đại diện của 60 tàu cá ở từng tỉnh.
Dù sẽ có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi hi vọng sẽ làm được cùng với ngư dân VN bởi việc xây dựng mô hình công ty cổ phần đánh cá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân.
Theo tôi, đây là cơ hội để các ngư dân trẻ làm giàu, đổi đời vì sẽ được tiếp nhận công nghệ, được đào tạo trên những con tàu quy chuẩn để có thể ra khơi đánh bắt đúng quy trình, bảo quản con cá đúng chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Ngao giá là loại ngao từ lâu đã được bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng Vân Đồn - Cô Tô khai thác theo hình thức tự nhiên với khối lượng lớn và được đánh giá là loại ngao có chất lượng ngon, nhiều thịt, có giá trị kinh tế cao. Vừa qua, Công ty TNHH Đỗ Tờ đã đưa vào nuôi thử nghiệm và sản xuất thành công giống ngao này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình nuôi giống ngao này cần được ngành chức năng xem xét, đánh giá hiệu quả.
Nông dân huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện đang thu hoạch cá lóc, cá tra, tôm càng xanh thương phẩm với niềm vui trúng mùa - trúng giá.
Những năm gần đây, ngành cá tra ngày càng khó khăn mà nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu liên kết giữa hai mắt xích quan trọng nhất là nông dân (ND) nuôi cá và doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu.
Nông dân Đoàn Thanh Nhàn (ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú - An Giang) nuôi thí điểm 2.800 con lươn giống trong hai bồn 12m2 theo mô hình nuôi lươn không bùn. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng trung bình hơn 50gr/con, tỉ lệ hao hụt thấp so với cách nuôi lươn truyền thống.
Nông dân vùng tôm Tân Phú Đông, Tiền Giang, đang bán tôm sú với giá từ 200.000-220.000 đồng/kg loại 40 con/kg, tôm thẻ giá 100.000-115.000 đồng/kg loại 100 con/kg, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.