Nhập gà Trung Quốc chưa mở đã lo loạn
Thông tin Cục Thú y đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc đang khiến người chăn nuôi trong nước lo lắng.
Có mặt tại trang trại gà của ông Nguyễn Văn Phước, hộ nuôi nhiều gà nhất xã Tân Lâm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ông Phước cho biết, trang trại gà của ông có hơn 1.000 con, trong đó đa phần là gà thịt, nhưng hiện nay gia đình ông nuôi gà không công.
“Bỏ hơn 100 triệu đồng ra để xây dựng trang trại gà, rồi tiền điện, nước, tiền trấu, thức ăn… tuy nhiên, giá gà thịt rất bấp bênh, chỉ khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí đi rồi thì người nuôi không có lời, vì gà nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn gà nông dân trong nước nuôi”, ông Phước cho biết.
Toàn xã Tân Lâm hiện có 60 trang trại nuôi gà công nghiệp. Những năm trước, chăn nuôi gà đẻ công nghiệp mang lại giá trị kinh tế. Thế nhưng, đó là chuyện của những năm trước, còn hiện nay người chăn nuôi gặp không ít khó khăn bởi lượng gà Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch lấn át gà trong nước.
“Đầu tháng 4, chúng tôi nghe nói, Cục Thú y đề xuất với Bộ NN&PTNT cho nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc. Nếu như vậy, thì đúng là người nuôi gà như chúng tôi treo chuồng vì không thể cạnh tranh được”, ông Phước không dấu được sự lo lắng.
Điều lo lắng của ông Phước là có cơ sở, vì những năm qua tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu qua đường biên giới dường như không kiểm soát được. Đồng thời, người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với những loại thực phẩm “bẩn” có nguy cơ đến với bàn ăn của mọi gia đình, khi chưa được thông qua kiểm dịch động vật và đánh giá tác động đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2015, thống kê của Chi cục Hải quan một số tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng cho thấy, đã có hàng trăm vụ vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm còn tươi sống cũng như đã qua giết mổ, đông lạnh với số lượng lên đến hàng chục ngàn tấn. Điều đáng nói là, qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng, kiểm dịch thú y cho biết, trong số đó không ít là gà thải loại, nhiễm tồn dư chất kháng sinh, mầm bệnh vi rút...
Trong khi vấn nạn này vẫn đang làm người dân lo lắng, bởi chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hữu hiệu thì mới đây, Cục Thú y lại có đề xuất với Bộ NN&PTNT cho nhập khẩu chính ngạch đối với gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc.
Lý do mà Cục Thú y đưa ra là, từ trước đến nay, việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua biên giới hai nước vẫn diễn ra, trong đó có một lượng lớn là gà thịt và gà giống. Việc cho phép nhập khẩu chính ngạch sẽ giúp kiểm soát tốt hơn.
Không biết việc kiểm soát sẽ ra sao, nhưng người dân vẫn không khỏi lo ngại về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ dịch bệnh lây lan, nhất là việc theo sau mở cửa sẽ là việc ngành chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi gia đình bị “bóp nghẹt”.
Mặt khác, theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn gà thịt, trong khi năng lực sản xuất đạt 3 triệu tấn/năm. Như vậy, việc nhập khẩu gà thịt hoàn toàn không phải xuất phát từ nhu cầu khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong quá trình hội nhập, việc cho phép nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa đối với gà thịt và gà con giống chính ngạch là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, để dễ dàng và thuận tiện hơn đối với công tác quản lý, kiểm soát, kiểm dịch. Tuy nhiên, cần xây dựng quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và loại bỏ đối với hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, khi nguồn cung từ sản xuất trong nước bị thiếu hụt, hoặc không đủ chất lượng, việc nhập khẩu sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng như kích thích, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Còn ngược lại trong điều kiện hàng hóa dư thừa, chất lượng tốt thì không có lý do gì để nhập khẩu thêm.
Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý, cho dù có cho phép nhập khẩu chính ngạch, nhưng nếu không quản lý tốt thì vẫn có những kẻ vì lợi nhuận trước mắt tiếp tục hành vi buôn lậu, trốn thuế... Như vậy, mục tiêu mở ra để kiểm soát sẽ khó đạt được. Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng trước khi cơ quan chức năng đưa ra bất cứ một đề xuất, biện pháp gì cũng phải tính toán đến quyền lợi của đại đa số người dân, nền sản xuất trong nước, chứ không chỉ vì lợi ích của một bộ phận hay vì mục đích riêng nào đó.
Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lại cho rằng, đề xuất này có thể sẽ hợp thức hóa cho lượng gà nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua.
Cũng theo ông Khanh, trong thời gian qua, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được chất lượng gà nhập từ Trung Quốc. “Khi hợp pháp hoá, làm sao phân biệt được gà chính ngạch với gà gian lận? Người chăn nuôi chúng tôi thì lo, nhưng có lẽ người tiêu dùng sẽ sợ nhất việc đó”, ông Khanh nói.
Trước những lo ngại này, Cục Thú y, đơn vị đưa ra đề xuất này cho rằng, họ có thể xây dựng hàng rào chất lượng đối với gà nhập khẩu. Còn phía Bộ NN&PTNT lại cho rằng, đề xuất trên của Cục Thú y đang trong quá trình được Bộ NN&PTNT xem xét, chưa có bất cứ thông tin nào về việc có được thông qua hay không.
Có thể bạn quan tâm
Tại Hà Nội, Bộ NNPTNT phối hợp cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa tổ chức hội nghị kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam. Con số chi phí hỗ trợ được đưa ra là 48,5 triệu USD.
Theo tính toán, hiện nay vùng ĐBSCL đã bị thất thoát khoảng 50% lượng phù sa, nếu vùng thượng lưu vẫn tiếp tục phát triển hồ chứa thì ĐBSCL sẽ phải đối diện với 3 nguy cơ: thiếu phân bón từ phù sa, tăng xói mòn và làm tình trạng sạt lở, ngập úng trầm trọng hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 25 đến 27.4), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, ông Thomas J. Vilsack, có cuộc gặp gỡ với các phóng viên tại TP.HCM. Tại cuộc gặp này, ông T.Vilsack cho biết, sau khi vào TPP, chắc chắn nông sản Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn tại thị trường Mỹ.