Cần 48,5 triệu USD ứng phó hạn, mặn
1,75 triệu người bị mất sinh kế vì hạn hán
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng.
Cũng theo báo cáo, mặc dù một phần ba tổng số tỉnh đang ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài, 8 tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây, do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các dịch bệnh do thiếu nước. Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Đáng chú ý, tại đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm nhập mặn là một hiện tượng xảy ra thường niên, song năm nay xâm nhập mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường 2 tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào nội địa trung bình từ 20 – 30km. Hậu quả của hạn hán và xâm nhập mặn là hơn 40.000ha cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất, và khoảng 25.900ha đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT cho hay, ngay từ cuối năm 2015, Chính phủ đã cung cấp 5.223 tấn lương thực cứu trợ cho 3 khu vực bị hạn hán và đã phân bổ 1.008 tỷ đồng thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia. Tính đến thời điểm hiện nay, 2 triệu mét khối nước đã được cung cấp bằng xe téc cho các vùng hạn mặn, và 630.000 liều Chloramine B, 400 viên Aquatahs cũng đã được cung cấp cho các hộ gia đình đang không có nước sạch để sinh hoạt.
Việt Nam kêu gọi hỗ trợ 48,5 triệu USD
Với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn, ngày 15.3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cứu trợ khẩn cấp, ưu tiên các hỗ trợ đảm bảo cung cấp nước, lưu trữ nước và xử lý nước tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng cường giám sát bùng phát dịch bệnh.
“Với 48,5 triệu USD mà Chính phủ Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ sẽ phục vụ mục tiêu ngắn hạn ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng. Còn mục tiêu dài hạn Chính phủ Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát
Tại hội nghị, Chính phủ Việt Nam, Liên Hợp Quốc và các đối tác kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để ứng phó với tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng bởi El Nino hiện đã và đang ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, với tổng kinh phí kêu gọi khẩn cấp của Chính phủ Việt Nam là 48,5 triệu USD thì đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận được gần 7,8 triệu USD từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó các cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ 4 triệu USD, còn lại là quà các tổ chức và các chính phủ khác trên thế giới.
“Ngoài ra, trước sự kêu gọi của Việt Nam, các ngân hàng trên thế giới như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức… cũng đã thể hiện sẵn sàng hỗ trợ cũng như điều chỉnh các khoản hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân những chương trình có tình chất dài hạn để hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như thực hiện các giải pháp lâu dài của biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Phát cho hay.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn. Chúng tôi biết Chính phủ đã nỗ lực to lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp song đây là một sự kiện đặc biệt kêu gọi hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất không chỉ về mặt tài chính mà còn giúp về nhiều mặt khác nữa” – bà Pratibha Mehta khẳng định.
Cũng theo bà Pratibha Mehta, đợt El Nino hiện tại là một trong những sự kiện khí hậu cực đoan có tác động mạnh nhất được ghi nhận đến nay, có ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Thái Bình Dương. Trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng của El Nino được dự báo là sẽ không cải thiện trong năm 2016 và với khả năng có thể có La Nina tiếp theo sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên khắp thế giới cho đến cuối năm.
“Chúng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ xem xét hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi El Nino nói chung và Việt Nam nói riêng. Về phía Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu của thực tế và báo cáo với Chính phủ để huy động nguồn lực trong nước hỗ trợ cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng trước mắt và lâu dài, đảm bảo không để người dân nào bị đói, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Việc lô 80 con heo thịt đạt chứng nhận VietGAP vừa bị cơ quan chức năng phát hiện có chất cấm Salbutamol gấp 5 lần mức cho phép và phải tiêu hủy khiến dư luận đặt ra vấn đề: Ai quản lý để đảm bảo heo đạt chứng nhận VietGAPlà thật sự an toàn?
Ông Trần Ngọc Tam - phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang khẩn trương thống kê về cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai hạn mặn gây ra để xin Trung ương kinh phí hỗ trợ cho người dân, dự kiến số tiền khoảng 200 tỷ đồng.
Hôm nay (28.4), sau hơn 20 ngày ngư dân ở vùng biển thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chịu thiệt hại do cá nuôi lồng bè và không ra biển đánh bắt được, đã có 180 tấn gạo về với ngư dân.