Nhãn chín muộn thăm dò thị trường Mỹ
Có nhiều lợi thế về chất lượng sản phẩm cũng như về thời gian cho quả muộn hơn so với những giống nhãn khác, nên nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức và Quốc Oai (Hà Nội) có nhiều tiềm năng để khẳng định thương hiệu, cho hiệu quả kinh tế cao.
Cuối năm nay, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của huyện Hoài Đức sẽ tiếp cận thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính về trái cây hiện nay.
Nhãn chín muộn được trồng nhiều ở các xã Song Phương, Đông La, An Thượng, Vân Côn (Hoài Đức) nhưng lại có gốc gác ở xã Đại Thành (Quốc Oai). Năm 2014, tổng diện tích trồng nhãn chín muộn lên tới trên 200 ha với sản lượng 2.000 - 2.200 tấn quả, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Hai giống nhãn muộn HTM1, HTM2 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia, cho phép phát triển trên diện rộng.
So với các giống nhãn chính vụ, nhãn chín muộn có nhiều ưu điểm như cây ra hoa muộn hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên dễ đậu quả, thời gian thu hoạch chậm hơn từ 1 - 1,5 tháng. Quả to, màu vàng sáng, mỏng vỏ, cùi dày, ăn giòn thơm, dễ tiêu thụ với giá bán ổn định (trung bình từ 35.000 - 40.000 đ/kg).
Để giúp bà con trong khâu phát triển SX và tiêu thụ sản phẩm, năm 2011 huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Hội SX và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức”, tổng số hội viên của hội hiện nay đã tăng lên 74 người.
Năm 2013, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương đã xây dựng nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức” và “Nhãn chín muộn Đại Thành”, đồng thời cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả đạt tiêu chuẩn.
Tiếp đó, năm 2014, huyện Hoài Đức đã được công nhận 2 mã vùng chỉ dẫn địa lý nhận diện sản phẩm nhãn chín muộn là xã An Thượng và Song Phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho loại trái cây đặc sản này tiếp cận các thị trường khó tính.
Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội SX và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức cho biết, hiện Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, mời các doanh nghiệp của miền Nam chuyên xuất khẩu quả sang thị trường Mỹ khảo sát vùng SX.
Dự kiến vụ nhãn này sẽ xuất thử nghiệm lô nhãn đầu tiên sang thị trường Mỹ. Nếu tiếp cận thị trường Mỹ thành công, thương hiệu và vị thế của sản phẩm nhãn chín muộn trên thị trường sẽ được khẳng định.
Thông tin nhãn chín muộn có cơ hội xuất ngoại sang Mỹ đang khiến cho nhiều người trồng nhãn trên địa bàn huyện nức lòng mong đợi.
Như vậy, sau lô nhãn tươi đầu tiên có trọng lượng 900 kg của Cty TNHH Ánh Dương Sao (TP.HCM) chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không vào tháng 12/2014 thì việc nhãn muộn Hoài Đức tiếp cận thị trường khó tính này được đánh giá là tín hiệu đáng mừng của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Theo ông Phạm Viết Tổ, Phó Chủ tịch Hội SX và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức: “Về cơ bản, điều kiện và quy trình SX nhãn đã đáp ứng yêu cầu ATTP. Các thành viên trong hội đều thống nhất quy trình SX nhãn với cách phòng trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc trừ sâu an toàn đảm bảo chất lượng của quả khi thu hoạch. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội, các hộ trồng nhãn đã chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP…”.
Tuy nhiên, kỹ năng về xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường của người nông dân còn hạn chế. Đáp ứng yêu cầu đó, mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng nắm bắt thị trường và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các hội viên Hội SX và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức.
Khóa tập huấn giúp các hội viên biết cách tiếp cận từng đối tượng khách hàng, SX theo nhu cầu thị trường bao gồm cả những thị trường khó tính nhất. Và đây cũng là một trong những tiền đề giúp cho nhãn chín muộn nâng cao sức cạnh tranh, tăng vị thế khi xuất ngoại sang thị trường Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Giá xuất khẩu trung bình cua, ghẹ của Myanmar, Thái Lan sang Úc đạt trên 11,5 USD/kg trong khi đó cua ghẹ Việt Nam xuất sang đây chỉ có giá 8,5 USD/kg. Chính nhờ giá rẻ mà cua, ghẹ của Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại Úc.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc ứng dụng thành tựu từ công nghệ cây trồng biến đổi gen (BĐG) sẽ góp phần tăng thêm sản lượng ngô cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Lâm Đồng đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ. Theo các chủ vườn, năm nay loại trái cây này không chỉ được mùa mà còn được giá.
Từ bòn bon, măng cụt, bơ đến cả mãng cầu (na) trong nước đều đang lép vế hoàn toàn so với các loại trái cây nhập khẩu cùng loại.
Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm trên cây mía và chưa có thuốc BVTV đặc trị.